Ngày 7/10, Anh đã bác bỏ lời kêu gọi của Nga về việc bỏ phiếu kín tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần tới về việc lên án Moscow sáp nhập bốn khu vực bị chiếm đóng một phần ở Ukraine, và yêu cầu 193 thành viên bỏ phiếu công khai.

Screen Shot 2022 09 21 at 21.16.45
4 khu vực ở Ukraine mà Nga tổ chức trưng cầu dân ý để chuẩn bị sáp nhập

Moscow đã sáp nhập bốn khu vực ở Ukraine – Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia – sau khi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào cuối tháng 9. Ukraine và các đồng minh đã lên án cuộc bỏ phiếu là bất hợp pháp và có tính chất cưỡng ép.

Đại hội đồng sẽ bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết lên án “cái gọi là cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp”“nỗ lực sáp nhập bất hợp pháp” của Nga vào ngày 11 hoặc 12/10 sắp tới. Dự thảo này cũng tái khẳng định chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời kêu gọi các quốc gia không công nhận hành động của Nga.

Trong một bức thư gửi tới các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc hồi đầu tuần này, Đại sứ Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia của Nga đã vận động bỏ phiếu kín, cho rằng việc áp lực của phương Tây sẽ khiến các nước “có thể rất khó khăn trong việc thể hiện quan điểm một cách công khai.”

Đáp lại, Đại sứ Liên Hợp Quốc Barbara Woodward của Anh hôm 7/10 nhấn mạnh, các quy tắc của Đại hội đồng rất rõ ràng rằng bất kỳ đại diện nào cũng có thể yêu cầu một cuộc bỏ phiếu công khai.

Bà nêu rõ trong bức thư gửi chủ tịch Đại hội đồng: “Việc tiến hành bỏ phiếu kín về nghị quyết của Đại hội đồng sẽ đi ngược lại tiền lệ hàng thập niên và làm suy yếu các hoạt động của cơ quan này.”

“Đó là lý do tại sao chúng tôi yêu cầu cuộc bỏ phiếu công khai, chiểu theo điều 87, khoản B của Hiến chương LHQ,” bà tiếp tục.

“Đây không phải là vấn đề minh bạch,” ông Nebenzia lưu ý trong một bức thư hôm 7/10 về động thái của Anh. “Đây là vấn đề sử dụng một cuộc bỏ phiếu công khai như một công cụ để khuất phục và trừng phạt.”

Trong lá thư riêng của mình gửi chủ tịch Đại hội đồng, ông Nebenzia chính thức yêu cầu bỏ phiếu kín và nói rằng nếu có nước nào phản đối thì nước đó có thể kêu gọi bỏ phiếu về động thái này và nó sẽ được công khai.

Trước đó, Nga đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết tương tự do Mỹ và Albania đệ trình lên Hội đồng Bảo an vào tuần trước. Trong cuộc bỏ phiếu này, có 10 phiếu thuận, 1 phiếu chống và 4 phiếu trắng của Trung Quốc, Gabon, Ấn Độ và Brazil.

Minh Ngọc (Theo Reuters)