Cơ quan Giám sát Truyền thông Anh (Ofcom) hôm thứ Hai (8/3) đã áp đặt các hình phạt tài chính đối với kênh truyền hình Trung Quốc CGTN vì đã phát sóng những “lời thú tội cưỡng ép” của một công dân Anh và đưa tin thiên lệch về các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.

CGTN, hay Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc, là một kênh tin tức vệ tinh quốc tế bằng tiếng Anh thuộc sở hữu của chế độ Trung Quốc và do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trực tiếp kiểm soát.

Cụ thể, Ofcom đã phạt 100.000 bảng Anh (~138.359 đô la Mỹ) đối với Star China Media Limited, công ty trách nhiệm hữu hạn sở hữu giấy phép mà theo đó CGTN hoạt động tại Vương quốc Anh, sau khi phát hiện kênh truyền hình này vi phạm “nghiêm trọng” các quy định phát sóng của Anh, bao gồm việc phát sóng “lời thú tội cưỡng ép ”của ​​công dân Anh Peter Humphrey.

Embed from Getty Images

Các nhà báo theo dõi diễn biến trên màn hình truyền hình về phiên tòa xét xử công dân người Anh Peter Humphrey tại Thượng Hải năm 2014 (Ảnh: Getty Images)

Năm 2013, doanh nhân Humphrey và vợ người Trung Quốc bị bắt ở Trung Quốc vì các cáo buộc liên quan đến quản lý số liệu khách hàng.

CGTN đã đăng cảnh ông “thú tội cưỡng ép trên truyền hình” (forced confession), một hình thức mà các chế độ phi dân chủ thường áp dụng để “chứng minh bị cáo đã nhận tội”, nhưng là điều phi pháp theo luật tố tụng hình sự ở phương Tây.

Ofcom nhận thấy rằng các chương trình phát sóng của CGTN đã “đối xử bất công” đối với ông Humphrey và “vi phạm quyền riêng tư không chính đáng”.

Ngoài ra, Ofcom còn phạt Star China Media Limited 125.000 bảng Anh (~172.929 đô la) sau khi phát hiện kênh này “không tuân thủ nghiêm trọng” luật công bằng của Vương quốc Anh trong quá trình đưa tin về các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.

Hồi tháng 5/2010, Cơ quan giám sát này đã ra phán quyết rằng năm tiết mục tin tức về các cuộc biểu tình được kênh phát sóng từ ngày 11/8/2019 đến ngày 21/11/2019 là “không đảm bảo tính công bằng trong một vấn đề gây tranh cãi gay gắt về mặt chính trị và một vấn đề chính liên quan đến chính sách cộng đồng hiện tại”.

Cũng trong ngày thứ Hai (7/3), Ofcom đã đưa ra quyết định cuối cùng của mình về các chương trình phát sóng liên quan đến việc “thú tội cưỡng ép trên truyền hình” của ông Trịnh Văn Kiệt (Simon Cheng), cựu nhân viên tổng lãnh sự quán Vương quốc Anh tại Hồng Kông và nhà xuất bản sách quốc tịch Thụy Điển Quế Mẫn Hải (Gui Minhai).

Ông Trịnh đã bị tra tấn và buộc phải thú tội trên truyền hình khi bị cảnh sát Trung Quốc Đại Lục giam giữ 15 ngày hồi tháng 8/2019.

Trong khi đó, ông Quế, một người bán sách từng lên tiếng chỉ trích giới lãnh đạo chính trị của Trung Quốc khi ở Hồng Kông, đã bị cảnh sát Đại Lục giam giữ vào năm 2018 và cũng buộc phải xuất hiện trên truyền hình để thú nhận hành vi phạm tội của mình.

Ofcom đã xác nhận các khiếu nại về việc “đối xử bất công hoặc không chính đáng”“vi phạm quyền riêng tư không chính đáng” của các chương trình trên CGTN, và ra “thông báo” với đài truyền hình này rằng họ có ý định xem xét áp đặt một “hình phạt theo luật định”.

Trước đó, ngày 4/2, Ofcom đã thông báo thu hồi giấy phép của CGTN tại Vương quốc Anh, sau khi kết luận rằng giấy phép này là bất hợp pháp, bởi vì đài truyền hình rốt cuộc vẫn chịu sự kiểm soát của ĐCSTQ, chứ không phải là chủ sở hữu giấy phép tại Vương quốc Anh là Star China Media Limited.

Trong một diễn biến khác, ngày 5/3 vừa qua, Đài truyền hình Úc SBS cũng tuyên bố tạm ngừng phát sóng các chương trình tin tức truyền hình Trung Quốc từ kênh CGTN và CCTV sau khi nhận được khiếu nại về nhân quyền.

“Do tính chất nghiêm trọng của vấn đề và sự phức tạp của tài liệu liên quan đến việc khiếu nại, chúng tôi đã đưa ra quyết định tạm ngừng phát sóng các bản tin CGTN và CCTV. CBS sẽ thực hiện đánh giá về chương trình tin tức trên các kênh này,” tuyên bố của SBS cho hay.

Minh Ngọc

Xem thêm: