Số người chết vì dịch bệnh ở “tâm bão” Ấn Độ đang không ngừng tăng lên. Các bệnh viện và lò đốt đã quá tải nghiêm trọng, người ta phải đốt xác người cả trên đường phố. Tuy nhiên, một bác sĩ Ấn Độ cảnh báo rằng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất, hai tuần tới “sẽ là địa ngục đối với chúng tôi.”

shutterstock 1961420257
Beewar, Rajasthan, Ấn Độ, ngày 23/4/2021. Thành viên gia đình, mặc đồ bảo hộ và thực hiện các nghi thức cuối cùng để tiễn đưa người đã chết vì COVID-19. (Ảnh: Sumit Saraswat / Shutterstock).

Chuyên gia Ấn Độ: 2 tuần tới sẽ là địa ngục

Tính đến ngày 26/4, trong 5 ngày liên tiếp tại Ấn Độ, số ca nhiễm mới mỗi ngày đã vượt quá con số 350.000, đạt mức cao kỷ lục. Mặc dù đến ngày 27, con số này đã giảm xuống còn 323.144 ca, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng đây có thể là do việc giảm xét nghiệm vào cuối tuần, chứ không phải là dấu hiệu cho thấy làn sóng lây nhiễm đang chậm lại.

Tổng hợp tin tức từ tờ Daily Mail và Sky News của Anh vào ngày 27/4, một bác sĩ tại “tâm bão” dịch cảnh báo rằng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất, hai tuần tới “sẽ là địa ngục”.

Bác sĩ Sachdev từ một bệnh viện chuyên khoa ở thủ đô New Delhi, nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề nói với Sky News: “Tình hình rất nguy cấp. Đây là đợt dịch tồi tệ nhất mà chúng tôi từng chứng kiến ​​cho đến nay. Hai tuần tới đối với chúng tôi sẽ là địa ngục.”

Theo báo cáo, đất nước với dân số gần 1,4 tỷ người này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu các cơ sở chăm sóc đặc biệt trong thời gian dài, và các bệnh viện cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu oxy y tế. Ngoài ra, do các dịch vụ tang lễ đã quá tải, nhiều người thân bệnh nhân buộc phải chuyển sang các cơ sở tạm bợ để tiến hành an táng và hỏa táng quy mô lớn cho người thân của mình.

Đồng thời, để giải quyết tình trạng thiếu giường bệnh, chính quyền Ấn Độ đang chuyển các toa tàu thành khu cách ly. Ấn Độ cũng đã bắt đầu vận chuyển các bình dưỡng khí qua đường hàng không đến các bang có nhu cầu và gửi đi các chuyến tàu đặc biệt được trang bị nguồn cung cấp ôxy.

Hệ thống y tế Ấn Độ đang phải vật lộn để đối phó với tình trạng gia tăng ca bệnh. Người nhà của các bệnh nhân đã tìm kiếm sự trợ giúp trên mạng xã hội và thủ đô New Delhi buộc phải gia hạn phong tỏa nghiêm ngặt.

Ngày 23/4, có 348 ca tử vong ở New Delhi, trung bình sau 4 phút lại có một người tử vong. Tại bang Karnataka ở miền Nam nước này, chính quyền địa phương buộc phải cho phép các gia đình hỏa táng hoặc chôn cất người chết trong trang trại, đất đai hoặc vườn của họ. Thủ hiến Karnataka tuyên bố rằng tình hình đã “vượt quá tầm kiểm soát” và nói thêm: “Cân nhắc đến hoàn cảnh đau buồn, chúng ta nên cẩn thận xử lý hài cốt theo cách phân cấp, kịp thời và tôn trọng, để tránh chen lấn tại các lò hỏa táng và nghĩa trang.”

Bảy lò hỏa táng ở thủ phủ Bangalore của bang Karnataka đang làm việc 24/24 và cố gắng xử lý khối lượng công việc gấp bốn lần bình thường. Các khu giàn thiêu bằng gỗ ở thành phố Ghaziabad đã được đặt trước hết, thi thể chỉ có thể được hỏa táng ở các chỗ trống giữa các bệ. Một lò điện hỏa táng thậm chí đã bị hư hỏng do sử dụng quá nhiều, trong khi ống khói của lò khác bị nứt do bị đốt nóng liên tục.

Lo lắng trong vài ngày tới tình hình có khả năng trở nên tồi tệ hơn, các chuyên gia virus cảnh báo đợt dịch thứ hai có thời gian lên tới đỉnh điểm khiến 500.000 người lây nhiễm mỗi ngày. Các chuyên gia chỉ ra rằng, mô hình virus cho thấy bất chấp những nỗ lực tiêm chủng, số ca nhiễm ở Ấn Độ sẽ vẫn tiếp tục tăng.

Nhà khoa học WHO: Số ca nhiễm thực tế ở Ấn Độ có thể lên tới 500 triệu

Các bệnh viện trên khắp Ấn Độ hiện đã quá tải. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giớ (WHO), đây có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”, mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh ở Ấn Độ có thể đã bị đánh giá thấp.

Ngày 26/4, trong một cuộc phỏng vấn với CNN, bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học của WHO cho biết, do năng lực kiểm tra hạn chế, tình hình dịch bệnh của Ấn Độ đã bị “đánh giá thấp nghiêm trọng”, số ca nhiễm thực tế ở Ấn Độ có thể đã gấp 20 đến 30 lần con số được báo cáo chính thức.

Như vậy theo cách tính này của bà Swaminathan, số ca nhiễm thực tế ở Ấn Độ có thể lên tới 350 đến 530 triệu.

Ngoài ra, độ tin cậy của dữ liệu chính thức từ chính quyền Ấn Độ đã vấp phải không ít nghi vấn. Ví dụ, Reuters đưa tin rằng một lò hỏa táng ở Surat, thành phố lớn thứ hai ở Gujarat, Ấn Độ, đã hỏa táng hơn 100 thi thể mỗi ngày theo thỏa thuận về việc hỏa táng cho các bệnh nhân tử vong do dịch. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, số ca tử vong mỗi ngày trong báo cáo chính thức của chính quyền thành phố chỉ vào khoảng 25 người. Tình trạng này tương tự như thông báo về dịch bệnh của chính quyền Trung Quốc.

Giang Tuyết, Vision Times

Xem thêm: