Ngày 4/1 vừa qua, tờ Epoch Times đưa tin, một báo cáo của Hệ thống Đáp ứng Ghép tạng Trung Quốc (COTRS) bị rò rỉ đã tiếp tục củng cố bằng chứng về tội ác cưỡng bức thu hoạch tạng đang diễn ra tại Trung Quốc. Theo đó, báo cáo này cung cấp số liệu thống kê phân bổ và cấy ghép nội tạng trên toàn Trung Quốc, đồng thời tập trung vào tình hình cấy ghép tạng tại tỉnh Chiết Giang miền đông Trung Quốc từ ngày 1/1/2015 đến ngày 13/4/2018. Dữ liệu từ báo cáo đã chỉ ra những mâu thuẫn không thể chối cãi trong hệ thống cấy ghép nội tạng tại quốc gia này.

lạm dụng cấy ghép tạng, Wall Street Journal: "Cơn ác mộng" thu hoạch nội tạng người tại TQ

COTRS là một cơ quan do Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc thành lập vào năm 2011 để đăng ký và phân bổ nội tạng. Theo cơ chế này, các cơ quan nội tạng đăng ký trong COTRS được khớp và phân bổ cho bệnh nhân có nhu cầu. Cơ quan này là một phần của hệ thống cấy ghép nội tạng, được chính quyền Trung Quốc đưa ra để chống lại các cáo buộc về thu hoạch nội tạng từ tù nhân, trong đó những tù nhân còn sống bị giết thông qua việc mổ lấy nội tạng để cung cấp theo nhu cầu cho ngành công nghiệp cấy ghép tạng trị giá hàng tỷ USD tại Trung Quốc. Mặc dù vậy, không giống với các nước khác, dữ liệu từ COTRS không được minh bạch và không thể kiểm tra được từ bên thứ ba.

Báo cáo mới bị rò rỉ do COTRS biên soạn đã tiết lộ rằng từ ngày 1/1/2015 đến ngày 13/4/2018, 3.130 bộ phận nội tạng trên toàn Trung Quốc được đăng ký với COTRS chỉ sau khi các ca cấy ghép đã diễn ra.

“Điều này thật nực cười”, Tiến sĩ Torsten Trey, giám đốc điều hành của tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH), cho biết trong một email. Ông nói thêm, số lượng lớn các cơ quan nội tạng được đưa vào COTRS sau khi cấy ghép cho thấy một “sự vi phạm có hệ thống”.

Kể từ năm 2015, chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố rằng nội tạng để phẫu thuật cấy ghép chỉ đến từ những người hiến tặng tự nguyện. Trong một chương trình phân bổ nội tạng thông thường, những người hiến tặng nội tạng tiềm năng phải được báo cáo cho hệ thống phân bổ (trong trường hợp này là COTRS), hệ thống này sau đó sẽ khớp nội tạng với những người nhận phù hợp. “Nhưng ở đây các cơ quan nội tạng được phân bổ mà không có COTRS”, ông Trey nói.

Vào năm 2019, một tòa án độc lập đã kết luận rằng chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cưỡng bức thu hoạch nội tạng “trong nhiều năm”, trên “quy mô đáng kể”, một hoạt động vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Nạn nhân của hoạt động này là các tù nhân lương tâm, những người bị giam giữ chỉ vì tín ngưỡng của họ, bao gồm người tập Pháp Luân Công, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Phật giáo Tây Tạng và Kitô giáo. Trong đó, những người tập Pháp Luân Công là nạn nhân chủ yếu kể từ sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công diễn ra vào năm 1999. Từ năm 2017, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ cũng trở thành một “ngân hàng nội tạng” lớn bên trong các trại tập trung tại Tân Cương.

Tiến sĩ Trey chỉ ra, việc hàng ngàn cơ quan nội tạng đã bỏ qua quá trình phân bổ mà được cung cấp trực tiếp, sau đó mới được ghi nhận trên COTRS, cho thấy toàn bộ hệ thống không thể tin cậy được.

“Nếu 3.000 nội tạng không được nhập vào dữ liệu, làm sao chúng ta có thể đảm bảo rằng 30.000 nội tạng cũng không được nhập liệu?”

“Một khi quy trình bị vi phạm, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra”, ông Trey cho rằng COTRS có thể chỉ là một “cái vỏ rỗng” hoặc “lớp kẹo bọc đường” đối với phương Tây. “Các bác sĩ phương Tây đang bị lừa dối rằng COTRS tương tự như các chương trình phân bổ nội tạng khác”, ông nói.

Bên cạnh các dữ liệu tổng quan, báo cáo COTRS bị rò rỉ còn tập trung phân tích dữ liệu phân bổ và cấy ghép nội tạng ở tỉnh Chiết Giang từ ngày 1/1/2015 đến ngày 13/4/2018. Cùng với dữ liệu COTRS, báo cáo dựa trên dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia, Cơ quan Đăng ký Ghép Gan Trung Quốc và Cơ quan Đăng ký Khoa học Trung Quốc về Cấy ghép Thận, cũng như thông tin từ các văn phòng thu thập nội tạng của các bệnh viện.

Báo cáo cho biết trên toàn Trung Quốc, 2.036 cơ quan nội tạng đã được đăng ký trong COTRS mà không nêu rõ nguồn gốc.

Báo cáo cũng chỉ ra 104 nội tạng đã được phân bổ cho các bệnh viện ở Chiết Giang nhưng cuối cùng không được sử dụng để cấy ghép. Con số này đại diện cho 2,6% các cơ quan nội tạng được đăng ký COTRS ở tỉnh trong khoảng thời gian đó, theo số liệu được trích dẫn trong báo cáo.

Tiến sĩ Trey nhận xét rằng việc hơn 100 cơ quan nội tạng được phân bổ cho bệnh viện mà không được sử dụng là một điều “100% không thể” ở các khu vực khác có hệ thống cấy ghép phát triển như Hoa Kỳ và Châu Âu. Ông Trey cho rằng thậm chí chỉ 1 nội tạng không sử dụng cũng là không xảy ra.

Trong trường hợp một bệnh nhân qua đời trước khi phẫu thuật cấy ghép diễn ra, thì bệnh viện cần thông báo cho COTRS để tạm dừng chuyển tạng hoặc phân bổ lại. Hơn nữa theo ông Trey, không có khả năng xảy ra việc hơn 100 bệnh nhân chết trước khi cấy ghép.

“Nếu những nội tạng đó không được sử dụng, và không được phân bổ lại, điều đó cho thấy một tổ chức hoạt động chậm chạp hoặc một lượng nội tạng thừa thãi đến mức không ai quan tâm đến chúng”, ông Trey nhận xét.

Trong khi đó, Trung Quốc hiện đang trở thành điểm đến về cấy ghép nội tạng của rất nhiều bệnh nhân, đồng thời lượng bệnh nhân quốc nội cũng rất lớn, khiến hơn 700 bệnh viện cấy ghép tạng (số liệu 2016) hoạt động hết công suất. Như vậy nguyên nhân “hoạt động chậm chạp” là khó có thể chấp nhận.

Ngoài ra, chính báo cáo của COTRS đã chỉ ra rằng các bệnh viện ở Chiết Giang có thể đã “làm sai lệch dữ liệu y tế, thao túng việc phân phối nội tạng và lừa [hệ thống COTRS] để lấy nội tạng hiến tặng”. Báo cáo này phát hiện hơn 1.400 trường hợp dữ liệu của người hiến tặng hoặc người nhận bị thay đổi trong vòng một giờ trước khi cấy ghép hoặc những người nhận mới được thêm vào danh sách chờ ngay trước khi họ được cấy ghép.

Báo cáo của COTRS cũng chỉ ra 5 bệnh viện không được phép thực hiện cấy ghép nội tạng đã thực hiện 43 ca cấy ghép trong thời gian thống kê.

Ngoài ra, tờ Epoch Times còn cho biết, bệnh viện Shulan, một bệnh viện cấy ghép được đề cập đến trong báo cáo, cũng không nằm trong danh sách các bệnh viện cấy ghép tạng chính thức của chính quyền Trung Quốc.

“Nếu bệnh viện này không phải là bệnh viện cấy ghép chính thức, thì sẽ có bệnh viện nào khác cũng đang thực hiện cấy ghép [mà không được cấp phép] chăng?”, ông Trey đặt vấn đề.

Bắc Kinh đang liên tục mở rộng ngành công nghiệp ghép tạng bất chấp các cáo buộc về thu hoạch tạng. Ngay cả khi virus Trung Cộng (COVID-19) tàn phá Trung Quốc vào nửa đầu năm 2020, việc cấy ghép tạng vẫn không dừng lại. Thậm chí, chế độ còn sử dụng việc cấy ghép phổi để quảng cáo cho hệ thống cấy ghép tạng tại Trung Quốc, mặc dù việc này một lần nữa trở thành bằng chứng cho tội ác thu hoạch nội tạng. (Xem bài: TQ: Hàng loạt ca ghép phổi cho bệnh nhân COVID-19 cho thấy tội ác)

Trước đó, một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tạp chí Y khoa BMC đã cho thấy việc Trung Quốc cố tình làm sai lệch dữ liệu hiến tạng một cách có hệ thống, thông qua một phương trình bậc hai. (Xem bài: Tạp chí y khoa BMC: Trung Quốc che giấu tội ác thu hoạch tạng)

Minh Nhật biên tập

Xem thêm: Các tạp chí y học phương Tây hủy đăng nghiên cứu ghép tạng tới từ TQ

Mời xem video: