Một báo cáo mới cảnh báo, bất chấp lệnh cấm của chính quyền liên bang Hoa Kỳ cho rằng công nghệ Trung Quốc là nguy cơ an ninh quốc gia, vẫn còn không ít cơ quan Mỹ vẫn mua những công nghệ bị cấm này. Động thái này là kẽ hở cho hoạt động gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

shutterstock 1569486610
Huawei và ZTE (Ảnh: Ascannio/ Shutterstock)

Một nguồn tin độc quyền từ Fox News đưa tin, hôm 26/10 Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế của Đại học Georgetown lần đầu báo cáo về vấn đề này, tiết lộ rằng từ năm 2015 – 2021 có 1681 cơ quan tiểu bang và địa phương ở ít nhất 49 bang đã mua công nghệ thông tin  – truyền thông – dịch vụ (ICTS)  bị chính quyền liên bang cấm.

Báo cáo chỉ ra 3 vấn đề nguy cơ từ các công ty do Trung Quốc sở hữu: Tiến hành các hoạt động độc hại ở Mỹ bằng việc xâm nhập vào lỗ hổng kỹ thuật hoặc cửa hậu; lỗ hổng do con người tạo ra có thể cho phép kỹ thuật viên cài đặt phần mềm độc hại hoặc xóa dữ liệu; và dựa vào các đối thủ toàn cầu để thu hoạch rủi ro kinh tế của các công nghệ quan trọng.

Các tác giả báo cáo cho biết vì vấn đề hạn chế tiếp cận dữ liệu nên số lượng các cơ quan liên quan có thể bị đánh giá thấp hơn thực tế.

Báo cáo kết luận rằng có nhiều kẽ hở trong các chính sách liên bang, cho phép chính quyền địa phương bất chấp các hạn chế của liên bang để vẫn tiếp tục mua công nghệ rẻ hơn từ Trung Quốc.

Các tác giả báo cáo đã theo dõi các tổ chức mua sắm sản phẩm công nghệ từ 5 công ty Trung Quốc là Huawei, ZTE, Hikvision, Dahua và Hytera sản xuất, qua đó phát hiện tổng cộng 5700 giao dịch công nghệ trị giá 45,2 triệu USD. Những sản phẩm liên quan bao gồm như: Điện thoại thông minh, camera giám sát, máy quét nhiệt độ, bộ đàm cầm tay, thiết bị mạng.

Một trong những tác giả của báo cáo là Kratsios nói với Fox News: “Tổ chức liên quan bao gồm từ nhiều lĩnh vực như trường học, bệnh viện, hệ thống giao thông và các cơ sở công ích khác. Hầu hết việc mua sắm là từ các trường học và đại học công lập, nhưng cũng có không ít trường hợp trong cơ quan công vụ, thậm chí ngay cả trong ngành tư pháp”. Ông nhấn mạnh: “Chỉ bằng một thiết bị được kết nối ngầm người ta có thể tác động vào bất kỳ hệ thống mạng internet nào liên quan. Chúng tôi thấy đây là vấn đề thực sự nguy hiểm”.

Nhiều năm qua, giới lập pháp Dân chủ và Cộng hòa cũng như các cơ quan thực thi pháp luật liên bang Mỹ đã có những cảnh báo rõ ràng về đe dọa do công nghệ Trung Quốc gây ra. Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết vào năm 2020 rằng cứ sau khoảng 10 giờ là Mỹ lại mở một vụ án phản gián mới liên quan đến Trung Quốc, ông nhấn mạnh rằng Chính phủ Trung Quốc có quyền truy cập vào dữ liệu nhạy cảm về hầu hết người Mỹ và tiến hành các hoạt động gián điệp từ kinh tế cho đến học thuật.

Theo Reuters, vào tháng 7/2020 chính quyền Tổng thống Biden đã mở một cuộc điều tra ‘gã khổng lồ’ viễn thông Trung Quốc Huawei vì lo ngại thiết bị của họ có thể thu thập dữ liệu nhạy cảm từ các căn cứ quân sự và hầm chứa tên lửa của Mỹ.

Ngoài ra từ tháng 5/2021 – 2/2022, các nhóm hacker do ĐCSTQ hậu thuẫn đã thực hiện nhiều hoạt động xâm nhập mạng quy mô lớn liên quan chính quyền tại 6 bang của Mỹ. Vào tháng 5/2021, một cuộc tấn công mạng lớn nhắm vào đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất của Mỹ (Colonial Pipeline) đã gây ra tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên ở Bờ Đông, vấn đề cho thấy tính dễ bị tổn thương của cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Mỹ trước các tin tặc nước ngoài.

Nhiều luật cấm các cơ quan liên bang sử dụng công nghệ và dịch vụ của một số công ty Trung Quốc hoặc hạn chế việc sử dụng quỹ liên bang cho các giao dịch mua như vậy. Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (National Defense Authorization Act) năm 2019 cấm Chính phủ sử dụng thiết bị của 5 công ty Trung Quốc, trong khi quy định của Bộ Thương mại Mỹ cho phép ngăn chặn việc mua sắm một số công nghệ nhất định từ Trung Quốc.

Báo cáo cho biết, luật pháp về công nghệ nước ngoài cho đến nay vẫn chưa được nhiều bang quán triệt; chỉ có các bang như Florida, Georgia, Louisiana, Texas và Vermont áp đặt các hạn chế tương ứng trên cơ sở an ninh quốc gia.

Ngoài ra, cũng một phần vì chuỗi cung ứng ICTS hiện đại trải dài hàng chục nghìn công ty, khiến các cơ quan gặp khó khăn trong việc tìm hiểu nguồn gốc của các sản phẩm đã mua. Do đó báo cáo khuyến nghị các chính quyền địa phương “điều chỉnh các quyết định mua sắm theo hướng dẫn của liên bang”.

Ở cấp liên bang, báo cáo kêu gọi Bộ Thương mại thực thi hiệu quả các ủy quyền của liên bang đối với ICTS và kêu gọi Ủy ban Truyền thông Liên bang chặn việc cấp phép cho thiết bị của công nghệ nước ngoài không đáng tin cậy.

Báo cáo cũng yêu cầu chính quyền liên bang xây dựng và chia sẻ một danh sách tổng thể các ICTS nước ngoài không đáng tin cậy giúp chính quyền tiểu bang và các địa phương cũng như các tổ chức tư nhân làm tốt hơn trong hoạt động bảo vệ hệ thống mạng của mình.

Cuối cùng báo cáo kêu gọi giới hoạch định chính sách cho phép các khu vực pháp lý liên quan hỗ trợ các nỗ lực “chia tách và thay thế” thông qua dùng nguồn tài trợ của liên bang để giảm chi phí thay thế các ICTS nhạy cảm.