Ủy ban Chấp hành của Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC) đã công bố “Báo cáo Nhân quyền năm 2020”, chỉ ra rằng có bằng chứng mới cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “có thể phạm tội diệt chủng”  ở Tân Cương, đồng thời lên án thực trạng ĐCSTQ vẫn đang bức hại Pháp Luân Công.

Bản báo cáo dài 373 trang, liệt kê hàng loạt vi phạm nhân quyền và đàn áp tự do chưa từng có của ĐCSTQ trong năm qua, đặc biệt là ở Hồng Kông và Tân Cương. Báo cáo cho biết: “Đây là điều rõ ràng nhất của (chính sách đàn áp) ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Có bằng chứng mới cho thấy tội ác chống lại loài người – và thậm chí có thể là diệt chủng – đang xảy ra”. Đài VOA Mỹ đưa tin, nội dung “Báo cáo Nhân quyền năm 2020” của CECC cho thấy ĐCSTQ đã tăng cường đàn áp xã hội Trung Quốc thông qua kiểm duyệt, đe dọa, bắt giữ và bỏ tù tùy tiện những cá nhân thực hiện các quyền cơ bản.

Kêu gọi Chính phủ Mỹ xác định vấn đề “tội ác diệt chủng”

Báo cáo đề cập rằng hiện ước tính có khoảng 1,8 triệu người ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ – Tân Cương (bao gồm người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan, Kyrgyz, tộc Hồi, và các dân tộc thiểu số khác) đang bị giam giữ tùy tiện trong các trại giam tập thể, họ phải chịu những hình thức bức hại như lao động cưỡng bức, tra tấn, và nhồi nhét tư tưởng chính trị.

Báo cáo cũng tiết lộ rằng ĐCSTQ tiếp tục bức hại Pháp Luân Công. Nội dung trích dẫn thông tin từ từ Minghui.com, “Năm 2019 có 96 học viên Pháp Luân Công đã bị tra tấn đến chết và 774 học viên Pháp Luân Công đã bị kết án; trong quý đầu tiên của năm 2020 có 6 học viên Pháp Luân Công đã bị hại chết trong trại giam và 11 người khác bị ngược đãi, khi được thả đã qua đời”. Báo cáo cũng trích dẫn “Tạp chí Luân lý Y khoa BMC” (BMC Medical Ethics) cho biết, ĐCSTQ đã giả mạo số liệu hiến tạng, tiếp tục thu hoạch nội tạng người.

“Trong năm qua Chính phủ Trung Quốc đã có những hành động gây sốc chưa từng có tiền lệ hủy hoại nhân quyền và pháp quyền tại Trung Quốc”, trong một tuyên bố nghị sĩ liên bang phe Dân chủ McGovern (Jim McGovern, D-MA) là Chủ tịch CECC cho biết, “Mỹ phải tiếp tục sát cánh với người dân Trung Quốc và đoàn kết thế giới chống lại những vi phạm nhân quyền của chính phủ Trung Quốc.”

Thượng nghị sĩ Marco Rubio (R-FL) phe Cộng hòa là đồng chủ tịch CECC cho biết trong một tuyên bố rằng, báo cáo hàng năm của CECC ghi lại những hành động tàn bạo dã man của ĐCSTQ đối với người dân Trung Quốc, qua đó kêu gọi hành động để giải quyết thực trạng này. “Báo cáo này một lần nữa cho chúng ta thấy cái giá đáng sợ gây ra từ việc ĐCSTQ lạm dụng quyền lực một cách tùy tiện, giải thích tại sao cộng đồng quốc tế phải tìm cách hỗ trợ người dân Trung Quốc”, Thượng nghị sĩ Rubio nói trong một tuyên bố.

Báo cáo của CECC kêu gọi chính quyền Mỹ đưa ra quyết định chính thức để xác định thực trạng vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ tại Tân Cương có xếp vào tội ác diệt chủng hay không. Giới quan sát phỏng đoán rằng cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ và chính quyền sắp tới của ông Biden sẽ tiếp tục có quan điểm cứng rắn đối với vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.

Trong một tuyên bố hồi tháng Tám năm ngoái, nhóm vận động của ông Biden đã cho biết việc ĐCSTQ đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở tây bắc Tân Cương là “tội diệt chủng”, “ông Biden cực lực phản đối tình trạng này”.

Hôm thứ Tư, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) và Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) đã thông báo về hành động mới trong thực thi pháp luật của Chính phủ Mỹ: cấm nhập khẩu vào Mỹ tất cả các sản phẩm bông và cà chua do các doanh nghiệp và tổ chức ở Tân Cương sản xuất, lý do là những sản phẩm này bị cáo buộc làm ra bằng lao động cưỡng bức đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ ở Tân Cương. Đây là động thái đối phó mới nhất của Chính phủ Mỹ nhắm vào thực trạng ĐCSTQ vi phạm nhân quyền đối với các dân tộc thiểu số ở Tân Cương.

Phá bỏ nguyên tắc “một nước, hai chế độ” cam kết tại Hồng Kông, cánh tay kiểm duyệt nối dài ra thế giới

Báo cáo cho rằng “khuôn khổ một nước hai chế độ của Hồng Kông đã bị phá bỏ”, làm suy yếu nghiêm trọng pháp quyền ở Hồng Kông trong vấn đề nhân quyền và tự do mà người dân Hồng Kông vẫn được hưởng trong quá khứ. Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng Ngoại trưởng Mỹ đã lần đầu tiên xác định “Hồng Kông không còn được duy trì độ tự chủ cao” kể từ sau khi chuyển giao chủ quyền cho Trung Quốc vào năm 1997.

Báo cáo cho biết, hiện nay ĐCSTQ vẫn không có bất kỳ hành động nào để giảm bớt căng thẳng ở Hồng Kông, thay vào đó còn gây tình trạng trầm trọng hơn qua việc đưa ra Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông vào ngày 30/6/2020 mà không qua Hội đồng Lập pháp Hồng Kông. Động thái đó làm sói mòn quyền lợi hợp pháp và quyền tự do ngôn luận cũng như hội họp của Hồng Kông..

Báo cáo chỉ ra “Luật An ninh Quốc gia” đặt ra các vấn đề nhân quyền và pháp quyền vì vi phạm “nguyên tắc suy đoán vô tội” trong xử án tại Hồng Kông. Định nghĩa về tội hình sự trong “Luật An ninh Quốc gia” của ĐCSTQ rất mơ hồ, mở đường cho việc hạn chế sự quá độ và tùy tiện về các quyền tự do cơ bản. Báo cáo nhận định mục đích lập pháp của Luật An ninh Quốc gia rõ ràng là nhằm vào xã hội dân sự vốn giúp Hồng Kông phát triển hùng mạnh, đe dọa hoạt động của các tổ chức ở Hồng Kông, bao gồm hoạt động nhân quyền.

Lần đầu tiên báo cáo đề cập về cách ĐCSTQ nối dài cánh tay kiểm duyệt ngôn luận và Internet ra khắp thế giới, ngăn chặn nội dung trên mạng xã hội, phá hoại tự do học thuật, đe dọa các nhà hoạt động nhân quyền, và gây áp lực lên Mỹ và các công ty quốc tế, cưỡng ép tuân thủ quan điểm chính trị của chính phủ Trung Quốc.

Ngày tôn giáo: Ngoại trưởng Pompeo lên án hiểm họa vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ

Tại Mỹ, ngày 16/1 (thứ Bảy) vừa qua là Ngày Tự do Tôn giáo Quốc gia. Dịp này, Ngoại trưởng Pompeo đã đăng ba dòng tweet chỉ ra rằng tự do tôn giáo là nền tảng thịnh vượng của một quốc gia,  ĐCSTQ là mối đe dọa thực sự đối với Mỹ trong nguyên tắc này.

“[Đối với Mỹ] ĐCSTQ là một nguy cơ. Người dân Trung Quốc thì không. Trong 50 năm qua, Mỹ đã khuất phục trước ĐCSTQ, chỉ dưới chính quyền Trump [chuyện này] mới dừng lại.”

“Những bậc khai quốc của chúng ta đã làm rõ, một quốc gia chỉ thịnh vượng khi mọi người có thể thực hiện quyền tự do tôn giáo của họ. Chính phủ nên bảo vệ quyền này, không chỉ thúc đẩy một hệ tư tưởng tôn giáo nhất định. Vào Ngày Tự do Tôn giáo Quốc gia, chúng tôi muốn nhắc lại cam kết: bảo vệ quyền lợi phổ biến này”.

“Chính quyền Trump đã chấm dứt chính sách đối ngoại xoa dịu và sai lệch [của Mỹ] đối với ĐCSTQ trong nhiều thập kỷ. [Bây giờ] chúng tôi sẽ không còn bỏ qua những khác biệt cơ bản về chính trị và ý thức hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, đó là sự khác biệt giữa tự do và chuyên chế.”

Hai “Báo cáo Nhân quyền” quốc tế khác trực tiếp tố cáo ĐCSTQ

Ngoài “Báo cáo Nhân quyền 2020” của CECC nêu trên, gần đây còn có hai báo cáo nhân quyền quốc tế khác nhắm trực tiếp vào ĐCSTQ.

Ngày 13/1, Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ Anh đã công bố báo cáo kêu gọi Chính phủ Anh làm gương trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng nhân quyền ở Trung Quốc. Báo cáo có tiêu đề “Đêm tối âm u hơn: Đàn áp Nhân quyền của Trung Quốc giai đoạn 2016-2020” (The Darkness Deepens: The Crackdown on Human Rights in China 2016-2020), qua đó tố cáo các hành vi vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Báo cáo chỉ ra “Việc lạm dụng tù đày và tra tấn, giám sát quy mô lớn, mổ cướp nội tạng, cưỡng bức nô lệ… là đáng ghê tởm. Thực tế đã minh chứng bản chất tàn bạo, dã man, vô nhân đạo, nguy hiểm và tội phạm của ĐCSTQ”, qua đó hối thúc Chính phủ Anh lãnh đạo thành lập một liên minh quốc tế gồm các nước dân chủ để ứng phó với “nguy cơ nhân quyền toàn cầu” do ĐCSTQ gây ra.

Cùng ngày, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) đã công bố “Báo cáo Nhân quyền Thế giới năm 2021”, báo cáo nêu rõ thực tế ĐCSTQ đã che giấu dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán do virus corona khi khởi phát vào năm 2019 là nổi rõ nguy cơ của kiểu quản trị chính trị độc tài, mô hình đó đang đe dọa nhân quyền tại nhiều nơi trên thế giới mà đặc biệt nổi bật tại Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng. Báo cáo chỉ ra rằng ĐCSTQ cấm công bố thông tin về dịch bệnh, báo cáo trường hợp nhiễm bệnh không đúng thực trạng làm giảm mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, phủ nhận khả năng lây truyền từ người sang người, thậm chí giam giữ mọi người vì “tung tin đồn”, ngăn chặn truyền thông đưa tin, từ chối cho chuyên gia quốc tế vào Trung Quốc điều tra nguồn gốc virus.

Tiêu Nhiên, Vision Times tiếng Trung

Xem thêm: