Sự đàn áp nhân quyền của chế độ Cộng sản Trung Quốc đang lan rộng và ngày càng gia tăng. Trong vòng 5 năm qua, cuộc tấn công tàn bạo của Tập Cận Bình đối với các quyền cơ bản của con người đã gia tăng với sự hung ác và tốc độ kinh hoàng.

Và trong khi việc giam giữ, cưỡng bức triệt sản và nô dịch hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ đang ngày càng được ghi nhận là tội ác diệt chủng; và trong khi việc triệt hạ quyền tự do và quyền tự chủ đã được hứa hẹn với Hồng Kông là vi phạm nghiêm trọng một hiệp ước quốc tế; thì chúng ta còn cần phải ghi nhớ rằng rất nhiều nhóm người khác nhau tại Trung Quốc đang bị tấn công.

Các Kitô hữu ở Trung Quốc đang phải đối mặt với những điều kiện tồi tệ nhất kể từ sau cuộc Đại Cách mạng Văn hóa, phong trào tinh thần Pháp Luân Công tiếp tục bị săn đuổi, đàn áp ở Tây Tạng gia tăng và những người bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động xã hội dân sự, blogger, nhà báo công dân, luật sư và những người bất đồng chính kiến ​​đều trở thành mục tiêu [bị đàn áp].

Các vụ bắt giữ tùy tiện, mất tích và bỏ tù, tra tấn, cưỡng bức thú tội trên truyền hình, cưỡng bức thu hoạch nội tạng, lao động nô lệ và việc giám sát độc tài đã tổ hợp thành một cỗ máy đàn áp cấp độ quốc gia. Nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trong số đó đã được đưa ra trong một báo cáo mới của Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ, tập trung vào cuộc đàn áp nhân quyền ở Trung Quốc trong bốn năm qua.

Bằng chứng cho thấy không ai được an toàn bên trong sự cai trị của chế độ tàn ác này, kể cả công dân nước ngoài. Ông Gui Minhai, quốc tịch Thụy Điển, sinh ra ở Trung Quốc, đã bị bắt cóc từ Thái Lan về Trung Quốc vào năm 2015 và bị kết án 10 năm tù vào năm ngoái, chỉ vì điều hành một nhà xuất bản ở Hồng Kông chuyên sản xuất sách về các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Simon Cheng, một cựu nhân viên của Lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông, đã bị bắt giam và tra tấn dã man ở Trung Quốc. Nhà hoạt động Đài Loan Lee Ming-che và hai người Canada, Michael Kovrig và Michael Spavor, đang ở trong tù. Doanh nhân người Anh Peter Humphrey và vợ đã phải ngồi tù 2 năm, ông bị buộc phải thú tội và cảnh quay được truyền hình trên truyền thông nhà nước. Ông Humphrey nói với Ủy ban rằng: “Tôi bị đặt vào một chiếc ghế kim loại với một thanh khóa trên đùi, đeo còng tay và mặc áo tù màu cam, và ngồi bên trong một cái lồng bằng thép”.

Lao động nô lệ tại Trung Quốc là phổ biến. Theo Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), người Duy Ngô Nhĩ đã bị buộc phải làm việc trong các nhà máy sản xuất của ít nhất 83 thương hiệu nổi tiếng toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ, quần áo và ô tô. Từ năm 2017 đến năm 2019, hơn 80.000 người Duy Ngô Nhĩ đã bị đưa đến làm việc tại các nhà máy trên khắp Trung Quốc. Ông Humphrey tuyên bố rằng lao động trong tù cũng là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu, và nêu ra các sản phẩm do tù nhân sản xuất được cung cấp cho các công ty. Sau khi các phương tiện truyền thông tiết lộ điều này, một số công ty đã điều tra và đình chỉ quan hệ với các nhà cung cấp Trung Quốc, nhưng nhiều thương hiệu toàn cầu khác vẫn chưa hành động.

Chế độ đã phát triển và triển khai các công nghệ giám sát hàng loạt, những công nghệ là nền tảng lõi phục vụ cho việc tăng cường đàn áp. Tiến sĩ Yang Jianli của tổ chức phi chính phủ Sáng kiến ​​cho Trung Quốc nói với Ủy ban rằng: “Vũ khí giám sát hàng loạt của Trung Quốc đã cho thấy khả năng kiểm soát tuyệt đối dân số… Hệ thống sử dụng các công nghệ tiên tiến để kiểm soát hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống người dân”. Các công ty công nghệ Trung Quốc là trung tâm phát triển và triển khai các hoạt động này.

Cách Trung Quốc ứng phó với đại dịch COVID-19 đã được ca ngợi trong một thời gian. Nhưng đừng quên rằng các bác sĩ và nhà báo công dân, những người cố gắng cảnh báo về vi-rút ngay từ đầu đã bị đe dọa, bị bịt miệng hoặc bị bắt cóc. Thay vì đối phó với vi-rút, chế độ đã dập tắt sự thật về nó. Và các công nghệ được phát triển để ứng phó với đại dịch sẽ chỉ củng cố sự kìm kẹp độc tài của chế độ.

Dựa trên bằng chứng này, đã đến lúc chính phủ Anh phải tiến hành xem xét toàn diện và kỹ lưỡng chính sách Anh-Trung, dẫn đến việc điều chỉnh lại và thiết lập lại mối quan hệ với Trung Quốc, cũng như điều chỉnh lại và thiết lập lại chiến lược của Vương quốc Anh. Anh nên làm việc với Hoa Kỳ và các đồng minh khác để điều phối một phản ứng quốc tế đối với cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc. Quốc gia này nên áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tìm cách thiết lập các cơ chế trách nhiệm giải trình và tiếp thu đề xuất của hơn 50 chuyên gia hiện tại của Liên Hợp Quốc, để thành lập một cơ chế báo cáo của Liên Hợp Quốc đối với vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.

Đặc biệt, Quốc hội nên bỏ phiếu cho việc sửa đổi Dự luật Thương mại để thêm vào cách ứng phó với hành vi diệt chủng. Điều này sẽ cho phép các tòa án của chúng ta đưa ra quyết định trong các trường hợp đối tác thương mại của Anh bị cáo buộc phạm tội diệt chủng và, nếu được chứng minh, tòa sẽ yêu cầu chính phủ không ký các thỏa thuận thương mại với quốc gia phạm phải ‘tội ác của tội ác’ này. Bản sửa đổi đã được Thượng viện thông qua vào tháng trước với tuyệt đại đa số và nhận được sự ủng hộ của một số thượng nghị sĩ nổi tiếng nhất của Vương quốc Anh. Khi các nghị sĩ Iain Duncan Smith và Nus Ghani đưa ra sửa đổi tương tự tại Hạ viện vào tuần tới, các nghị sĩ không có lý do gì để bác bỏ nó.

Bằng chứng về cuộc đàn áp nhân quyền của Trung Quốc phải được xem xét một cách nghiêm túc. Nó không thể – và không được phép – bị bỏ qua.

Biên dịch từ bài viết trên Hong Kong Watch
Tác giả: Benedict Rogers
Minh Nhật biên dịch

Ông Benedict Rogers là nhà hoạt động nhân quyền, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ Anh, nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch.

Xem thêm: Luật sư chống thu hoạch tạng nhận giải Nhà lãnh đạo Nhân đạo Toàn cầu 2020

Mời xem video: