Theo truyền thông Thụy Điển, hôm 29/1 vừa qua, phong trào quốc tế Black Lives Matter (BLM) đã giành được giải thưởng nhân quyền Olof Palme của Thụy Điển năm 2020.

Tổ chức BLM đã được vinh danh vì hoạt động thúc đẩy “sự bất tuân dân sự ôn hòa chống lại sự tàn bạo của cảnh sát và bạo lực chủng tộc trên toàn thế giới”, các nhà tổ chức giải thưởng cho biết trong một tuyên bố.

Phong trào BLM được thành lập vào năm 2013 tại Hoa Kỳ bởi bà Patrisse Cullors, Alicia Garza và Opal Tometi, đã “phơi bày sự khó khăn, đau đớn và phẫn nộ của thiểu số người Mỹ gốc Phi vì không được coi trọng như những người da màu khác theo cách thức độc đáo”, tuyên bố cho biết .

Phong trào đã có một bước “đột phá quốc tế lớn” vào mùa hè năm 2020 sau cái chết của George Floyd và Breonna Taylor, theo tuyên bố.

Các nhà tổ chức giải thưởng ghi nhận rằng ước tính có khoảng 20 triệu người đã tham gia các cuộc biểu tình Black Lives Matter chỉ riêng ở Hoa Kỳ và hàng triệu người khác trên khắp thế giới.

“Điều này chứng tỏ rằng phân biệt chủng tộc và bạo lực phân biệt chủng tộc không chỉ là một vấn đề trong xã hội Mỹ, mà là một vấn đề toàn cầu,” tuyên bố tiếp tục.

Giải thưởng Olof Palme là giải thưởng thường niên trị giá 100.000 đô la do Quỹ Tưởng niệm Olof Palme trao tặng.

Giải thưởng này được thiết kế để tưởng nhớ đến thủ tướng Đảng Dân chủ Xã hội của Thụy Điển Olof Palme, một nhà vận động nhân quyền quốc tế và là người từng phản đối kịch liệt việc Mỹ can dự vào Chiến tranh Việt Nam. Ông đã bị ám sát ở Stockholm năm 1986.

Kể từ năm 1987, giải thưởng đã vinh danh những người bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới bao gồm bác sĩ người Congo từng đoạt giải Nobel Hòa bình Denis Mukwege hay cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan.

Lễ trao giải trực tuyến đã diễn ra tại Stockholm vào thứ Bảy (30/1). Bà Patrisse Cullors, một trong số người sáng lập BLM đã nhận giải thưởng và cho biết bà “rất xúc động khi phong trào đã gây được ảnh hưởng trên toàn thế giới.” Bà cũng nói rằng năm nay tổ chức BLM “rất vui” vì đã loại bỏ được “tên phát xít” [ám chỉ cựu TT Trump]. 

Trước đó, một Nghị sĩ Na Uy đã đề cử phong trào BLM cho giải Nobel Hòa bình năm 2021 vì đã “nâng cao nhận thức và ý thức về bất công chủng tộc trên thế giới”.

Lê Vy

Xem thêm: