Theo một báo báo mới của Bộ Ngoại giao Mỹ, Trung Quốc đang sử dụng đội quân mạng to lớn của mình và mạng lưới các nhà ngoại giao cấp thấp để “thao túng và chi phối” dư luận toàn cầu về việc đàn áp các nhóm thiểu số người Hồi giáo ở Tân Cương. Báo cáo nêu chi tiết mức độ và quy mô của chiến dịch thông tin sai lệch nổi bật nhất của Bắc Kinh.

Embed from Getty Images

Hôm thứ Tư (24/8), Trung tâm Tương tác Toàn cầu (GEC) cho biết, các tài khoản trực tuyến liên kết với Cộng hòa Nhân dân Trung đang làm việc tích cực để khuếch đại những câu chuyện tích cực về khu vực Tân Cương, đồng thời bác bỏ những lời chỉ trích và tìm cách làm mất uy tín các nguồn tin độc lập. Phần lớn các hoạt động này diễn ra trên các trang web mạng xã hội phương Tây như Twitter, vốn bị cấm tại Trung Quốc. 

Các tổ chức nhân quyền lưu ý, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số chủ yếu là người Hồi giáo đã bị giam giữ ở Tân Cương, nằm ở phía tây bắc Trung Quốc, như một phần trong chiến dịch kéo dài nhiều năm mà Bắc Kinh biện minh là để đối phó với chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Những người sống sót đã làm chứng cho việc giam giữ hàng loạt trong cái gọi là trại “cải tạo” và các nhà nghiên cứu coi các kế hoạch được nhà nước Trung Quốc phê chuẩn là nhằm “tối ưu hóa” dân số người Hồi giáo của Trung Quốc thông qua các biện pháp cưỡng chế kiểm soát sinh sản.

Sau khi xem xét các tài liệu bao gồm các tài liệu chính sách của Trung Quốc, một báo cáo đặc biệt của Liên Hợp Quốc hồi tuần trước đã nhận định rằng “hợp lý để kết luận” rằng cưỡng bức lao động vẫn đang diễn ra tại Tân Cương và Tây Tạng.

Trong khi đó, Hoa Kỳ đã xác định các chính sách của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ tương đương với tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người, những cụm từ lựa chọn có hàm nghĩa theo luật pháp quốc tế. Một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 4 cho hay, các hoạt động vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh vẫn đang diễn ra. Nhà Trắng cũng coi đánh giá của Bộ Ngoại giao Mỹ là cơ sở để cấm các sản phẩm từ Tân Cương như một phần của luật đã có hiệu lực vào tháng 6.

Chính phủ Trung Quốc chỉ trích các cáo buộc vi phạm nhân quyền là bịa đặt và tiếp tục khẳng định người dân Tân Cương hạnh phúc hơn trước đây. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không cho phép bà Michelle Bachelet, cao ủy nhân quyền của LHQ, tiếp cận không hạn chế khu vực Tân Cương khi bà đến thăm quốc gia cộng sản này hồi tháng 5. Các báo cáo tiết lộ, Trung Quốc hiện đang tích cực cố gắng ngăn chặn văn phòng của bà Bachelet công bố bản đánh giá về các điều kiện ở khu vực Tân Cương, một tài liệu sẽ đến hạn công bố trước khi bà kết thúc nhiệm kỳ trong tháng này.

Báo cáo của GEC cáo buộc: “Các tác nhân có liên kết và chịu sự chỉ đạo của CHND Trung Hoa dẫn đầu một kế hoạch phối hợp để khuếch đại những luận điệu được ưa thích của Bắc Kinh về Tân Cương, để lấn át và gạt bỏ những luận điệu chỉ trích sự đàn áp của CHND Trung Hoa đối với người Duy Ngô Nhĩ, đồng thời để quấy rối những người chỉ trích CHND Trung Hoa.”

Báo cáo tiếp tục, Trung Quốc sử dụng hình thức ngụy biện “anh cũng vậy” đối với những lời chỉ trích trong nỗ lực làm chệch hướng sự giám sát quốc tế đối với các chính sách của họ ở Tân Cương. Bắc Kinh cũng “thuê ngoài và tư nhân hóa” các hoạt động thông tin của mình để tiếp cận khán thính giả nước ngoài, bằng cách sử dụng hỗn hợp các biện pháp thông qua những người có ảnh hưởng và bắt nạt trực tuyến để đạt các mục tiêu của mình.

Theo GEC, “Các chiến thuật của những kẻ troll CHND Trung Hoa bao gồm bảo vệ CHND Trung Hoa, tấn công và cố gắng làm mất uy tín những người chỉ trích, gây tranh cãi, lăng mạ và quấy rối. Trên các công cụ tìm kiếm và nguồn cấp dữ liệu mạng xã hội, CHND Trung Hoa tràn ngập các cuộc trò chuyện để lấn át các thông điệp mà họ cho là không có lợi cho lợi ích của mình, đồng thời để khuếch đại những luận điệu được ưa thích của Bắc Kinh về cách đối xử của họ đối với người Duy Ngô Nhĩ.”

“Các bên liên quan mật thiết ủng hộ CHND Trung Hoa tràn ngập các hệ sinh thái thông tin bằng các luận điệu ngược lại, thuyết âm mưu, và các mục tin tức không liên quan để trấn áp các tường thuật miêu tả chi tiết hành vi tàn bạo của chính quyền CHND Trung Hoa ở Tân Cương. Các tài khoản mạng xã hội của chính phủ, các phương tiện truyền thông liên kết với CHND Trung Hoa, các tài khoản cá nhân, và các cụm bot, có khả năng do chính quyền CHND Trung Hoa chỉ đạo, đều hỗ trợ cho nỗ lực này.”

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, bộ máy tuyên truyền và mạng của Trung Quốc tuyển dụng hai triệu người trên toàn quốc và thêm 20 triệu “tình nguyện viên văn minh mạng” bán thời gian. Tuy nhiên, thực hiện vai trò đối mặt với công chúng nhiều hơn là một số nhà ngoại giao mà báo cáo gọi là “những sứ giả hung hăng” của Trung Quốc.

Các quan chức cấp thấp này thường xuyên tham gia, đôi khi đối đầu, trên Twitter để bảo vệ các chính sách của Bắc Kinh theo những cách khác thường trên những nền tảng của phương Tây mà phần lớn công chúng Trung Quốc không được phép truy cập.

Trên Twitter hồi tháng 3/2021, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã so sánh những người hái bông Duy Ngô Nhĩ tươi cười ở Tân Cương với những công nhân đồn điền ở khu vực miền nam Hoa Kỳ (Deep South) vào năm 1908.

Báo cáo của GEC nhận định: “Có nhiều khả năng là những cá nhân này cố gắng phủ nhận, ‘bác bỏ’, và làm chệch hướng những câu chuyện phản đối thông điệp chính thức của CHND Trung Hoa.” Đây là báo cáo thứ hai của GEC về thông tin sai lệch của Trung Quốc trong năm nay.

Hoa Kỳ từ lâu đã biết về những nỗ lực ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc để định hình dư luận ở phương Tây thông quá các mạng xã hội tư nhân phổ biến như Twitter và Facebook. Tuy nhiên, không dễ mà tìm ra một giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Hồi tháng 5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đề cập đến vấn đề này: “Đã quá lâu rồi, các công ty Trung Quốc được quyền tiếp cận thị trường của chúng tôi nhiều hơn rất nhiều so với các công ty của chúng tôi có được ở Trung Quốc. Ví dụ, người Mỹ muốn đọc báo China Daily hoặc giao tiếp qua WeChat đều được tự do để làm điều đó, nhưng tờ The New York Times và Twitter lại bị cấm đối với người Trung Quốc, ngoại trừ những người đang làm việc cho chính phủ [Trung Quốc] sử dụng các nền tảng này để tuyên truyền và truyền bá thông tin sai lệch.”

Ông kết luận: “Việc thiếu sự có đi có lại này là không thể chấp nhận được và không thể biện hộ được.”

Nhật Minh (Theo Newsweek)