Ngày 29/7, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã tìm cách thúc đẩy mối quan hệ an ninh với Việt Nam, vốn đang dần thắt chặt hơn trong bối cảnh cả hai nước đều chứng kiến các hoạt động đáng cảnh báo của Trung Quốc tại Biển Đông.

Embed from Getty Images

(Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – Ông Lloyd Austin/Nguồn ảnh: Getty Images)

Sau hơn bốn thập kỷ từ lúc Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, mặc dù quan hệ quân sự giữa hai nước đã trở nên chặt chẽ hơn tuy nhiên Chính quyền Biden nhận định rằng mối quan hệ này sẽ còn nhiều hạn chế cho đến khi Việt Nam đạt được những tiến bộ về nhân quyền.

Gần đây Việt Nam nổi lên như một đối thủ ‘cứng rắn’ trước yêu sách của Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ trên Biển Đông, và đã nhận hỗ trợ khí tài quân sự từ Hoa Kỳ, trong đó có cả các tàu chiến tuần duyên.

Trước cuộc gặp với quan chức đồng cấp tại Hà Nội, ông Austin cho biết Hoa Kỳ không yêu cầu Việt Nam phải đưa ra lựa chọn giữa các quốc gia.

Ông Austin phát biểu: “Một trong những mục tiêu trọng tâm của chúng tôi là đảm bảo các đồng minh cũng như đối tác của chúng tôi có quyền tự do và không gian để thiết lập tương lai của chính họ.”

Tuy không đề cập thẳng đến Trung Quốc, nhưng câu nói của ông Austin có mang ngụ ý rằng tại châu Á, Trung Quốc đang khiến các quốc gia phải đưa ra lựa chọn giữa họ và Hoa Kỳ trong bối cảnh căng thẳng giữa hai cường quốc đang gia tăng.

Vào thứ Tư (ngày 28/7), một tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ đã quá cảnh qua Eo biển Đài Loan. Mặc dù các hoạt động như vậy diễn ra theo thường lệ nhưng có thể khiến Bắc Kinh tức giận.

Ông Greg Poling, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ, nhận định: “[Việt Nam] muốn biết rằng Mỹ sẽ tiếp tục can dự quân sự, tiếp tục hiện diện ở Biển Đông.”

Hai bên đã ký một “biên bản ghi nhớ” với Đại học Công nghệ Texas và Đại học Harvard nhằm xây dựng một hệ cơ sở dữ liệu giúp Việt Nam tìm kiếm những người mất tích sau chiến tranh.

Hôm Chủ nhật (ngày 25/7), Hoa Kỳ đã vận chuyển 3 triệu liều vắc-xin COVID-19 của Moderna đến Việt Nam, nâng tổng số lượng vắc-xin mà Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam, thông qua chương trình vắc-xin COVAX toàn cầu, lên 5 triệu liều.

Tuy vậy, cũng có một số giới hạn ngăn Hoa Kỳ sẵn sàng thắt chặt quan hệ hơn nữa với Việt Nam liên quan đến việc Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền của mình.

Trong các thập kỷ gần đây, Việt Nam đã có những thay đổi về mặt xã hội và đã trải qua những cải cách kinh tế sâu rộng, tuy nhiên Đảng Cộng sản cầm quyền vẫn duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với truyền thông và hầu như không chấp nhận bất đồng chính kiến.

Hôm thứ Ba (ngày 27/7), tại Singapore,  ông Austin cho biết Hoa Kỳ sẽ luôn dẫn đầu với các giá trị của chính họ. Ông chia sẻ: “Chúng tôi sẽ thảo luận về những giá trị đó với bạn bè và đồng minh của chúng tôi ở bất cứ nơi đâu chúng tôi đến và chúng tôi sẽ làm việc này một cách rất cởi mở.”

Tháng này, ông Marc Knapper, người được Chính quyền Biden đề cử làm đại sứ tiếp theo của Hoa Kỳ tại Việt Nam tuyên bố sẽ thúc đẩy quan hệ an ninh giữa hai nước, nhưng cho biết họ chỉ có thể phát huy hết tiềm năng nếu Việt Nam đạt được tiến bộ đáng kể về mặt nhân quyền.

Trong cuộc gặp với ông Austin vào sáng ngày 29/7, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cho biết ông rất mong đợi chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Phó Tổng thống Hoa Kỳ, bà Kamala Harris.

Theo tờ Reuters, bà Harris có thể sẽ đến Việt Nam và Singapore vào tháng 8.

Vy An (Theo Reuters)

Xem thêm: