Ngày 22/1, người đứng đầu quân đội Na Uy công bố một ước tính mới cho thấy, đến nay, quân đội Nga có khoảng 180.000 người thiệt mạng hoặc bị thương ở Ukraine, trong khi con số này của Ukraine là 100.000 thương vong về quân sự và 30.000 thường dân thiệt mạng.

Eirik Kristoffersen
Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Eirik Kristoffersen (Ảnh chụp màn hình video)

“Tổn thất của Nga đang bắt đầu lên tới khoảng 180.000 binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương,” Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Eirik Kristoffersen cho biết trong một cuộc phỏng vấn với TV2. Tuy nhiên, ông không nói rõ cách tính toán các con số.

Na Uy, quốc gia có chung biên giới với Nga, là thành viên của NATO kể từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 1949.

“Tổn thất của Ukraine có lẽ là hơn 100.000 người chết hoặc bị thương. Ngoài ra Ukraine có khoảng 30.000 dân thường thiệt mạng trong cuộc chiến khủng khiếp này,” vị tướng Na Uy tiếp tục.

Cả Moscow và Kyiv đều không cung cấp các thống kê đáng tin cậy về những tổn thất của họ trong nhiều tháng qua.

Hồi tháng 11, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Mark Milley nhận định, quân đội Nga đã thiệt hại hơn 100.000 người chết hoặc bị thương; và con số “có thể” là tương tự ở phía Ukraine.

Tuy nhiên, những số liệu này không thể được kiểm chứng độc lập.

Bất chấp những tổn thất nặng nề, “Nga có thể tiếp tục (cuộc chiến này) trong một thời gian khá dài”, ông Kristoffersen nhận xét hôm 22/1, viện dẫn khả năng huy động và sản xuất vũ khí của Moscow.

Ông nhấn mạnh: “Điều đáng lo ngại nhất là liệu Ukraine có thể tiếp tục ngăn chặn lực lượng không quân Nga tham chiến hay không.” Về cơ bản, đến nay hiện tại họ đã có thể làm được điều đó “nhờ hệ thống phòng không của Ukraine”.

Phần lớn các cuộc tấn công của Nga trong những tháng gần đây đều được thực hiện bằng tên lửa tầm xa.

Vị tướng Na Uy cũng kêu gọi phương Tây nhanh chóng cung cấp xe tăng chiến đấu cho Ukraine. Ông nói: “Nếu họ chuẩn bị tấn công vào mùa đông, họ (người Ukraine) cần phải sẵn sàng.”

Dù vậy, bất chấp những lời kêu gọi khẩn cấp từ Ukraine và một số nước châu Âu, Berlin hôm 20/1 đã từ chối cung cấp xe tăng Leopard cho Kiev.

Một số quốc gia châu Âu khác, bao gồm cả Na Uy cũng sở hữu những chiếc xe tăng hạng nặng này, nhưng việc chuyển giao chúng cho Ukraine về lý thuyết phải được Đức chấp thuận.

Minh Ngọc (Theo AFP)