Hỗ trợ cho Ukraine bị chiến tranh tàn phá sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự tại các cuộc đàm phán tài chính G7 vào thứ Năm (11/5), nhưng các bộ trưởng và giám đốc ngân hàng trung ương cũng sẽ cân nhắc những lo ngại từ sự không chắc chắn của ngân hàng đến nỗi lo vỡ nợ của Hoa Kỳ.

Embed from Getty Images

Hội nghị kéo dài ba ngày của Nhóm Bộ trưởng G7 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn còn bất ổn sau nhiều năm đại dịch COVID, cùng với ảnh hưởng từ cuộc xâm lược của Nga.

Vì vậy, các cuộc đàm phán tại thành phố ven biển Niigata ở miền Trung Nhật Bản là cơ hội để đặt ra tầm nhìn về sự ổn định tài chính trước khi các nhà lãnh đạo G7 gặp nhau vào cuối tuần tới tại Hiroshima.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã đến tham gia hội nghị trong bối cảnh bế tắc về giới hạn nợ của Washington, mà Tổng thống Joe Biden cho rằng điều đó thậm chí có thể buộc ông phải hủy bỏ việc tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima.

Tuy nhiên, tại Niigata, bà Yellen sẽ tập trung vào việc giải quyết “những thách thức chung – bao gồm cả những thách thức bắt nguồn từ cuộc chiến bất hợp pháp của Nga ở Ukraine”, theo Bộ Tài chính.

Khi các bộ trưởng tài chính G7 gặp nhau hồi tháng 4 tại Washington, họ đã ca ngợi việc IMF chấp thuận khoản tài trợ 15,6 tỷ USD cho Kyiv, khuyến nghị áp dụng các biện pháp trừng phạt Moscow và cam kết sẽ có “các hành động tiếp theo khi cần thiết”.

Theo đánh giá của ông John Kirton, giám đốc Nhóm nghiên cứu G7 tại Đại học Toronto, không có dấu hiệu chính thức nào cho thấy các biện pháp mới sẽ được thống nhất trong các cuộc đàm phán tuần này, nhưng cánh cửa vẫn mở.

Ông nói với AFP, hành động mới có thể xoay quanh việc “tăng cường trừng phạt việc trốn tránh chế tài của các nước thứ ba, bắt đầu với Trung Quốc”.

Các quan chức EU đã thảo luận về việc ngừng xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm cho 8 công ty Trung Quốc vì nghi ngờ họ bán chúng cho Moscow.

Ông Kirton cho hay, G7 cũng có thể cố gắng ngăn chặn các tàu chở dầu lén lút bán dầu Nga vi phạm giới hạn giá dầu hoặc mở rộng các lệnh cấm xuất khẩu.

“Với việc Ủy ban EU ủng hộ sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, G7 sẽ đạt được thỏa thuận và đi đến hành động nghiêm túc hơn nữa,” ông cho biết trước các cuộc đàm phán ở Niigata. Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergii Marchenko sẽ tham gia trực tuyến sự kiện này.

Ổn định ngân hàng

Chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn, quy định về tiền điện tử và tài chính cho khí hậu cũng sẽ là những luận điểm được các bộ trưởng, giám đốc ngân hàng trung ương, người đứng đầu IMF, OECD và Ngân hàng Thế giới đưa ra thảo luận.

“Tăng cường khả năng phục hồi kinh tế trước những cú sốc trong tương lai (và) tăng cường hợp tác” sẽ là chìa khóa, bà Madhavi Bokil, Phó Chủ tịch cấp cao của Dịch vụ Nhà đầu tư của Moody nhận xét với AFP.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki tuần này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải cảnh giác với cuộc khủng hoảng ngân hàng.

Ba ngân hàng khu vực của Hoa Kỳ đã sụp đổ kể từ đầu tháng 3, gây ra sự hoảng loạn cho khách hàng và hỗn loạn đối với cổ phiếu của các tổ chức cỡ trung bình.

Tại Niigata, “các thành viên G7 có thể đồng thuận về một thông điệp thống nhất, mạnh mẽ để trấn an và thuyết phục khách hàng và các đối tác ngừng tấn công” đối với những người cho vay như vậy, ông Kirton nhận định.

Nhưng những bất đồng có thể nảy sinh giữa các thành viên G7 châu Âu và Hoa Kỳ về nhu cầu điều chỉnh hoạt động của ngân hàng kỹ thuật số, ông cảnh báo.

Ngoài ra, cũng còn vấn đề tồn tại trong chính sách tiền tệ, mà hầu hết các ngân hàng trung ương lớn ngoại trừ Nhật Bản đều tăng lãi suất để giải quyết lạm phát trong những tháng gần đây.

Liên minh bao gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Anh, Pháp, Canada, Ý và EU, dự kiến sẽ thảo luận về đầu tư cơ sở hạ tầng ở các quốc gia kém phát triển.

Nhật Bản kỳ vọng thông qua G7 năm nay có thể tiếp cận với các quốc gia ngoài nhóm. Các bộ trưởng tài chính từ Ấn Độ, Indonesia và Brazil sẽ tham gia các cuộc đàm phán ở Niigata, cùng với các bộ trưởng Hàn Quốc và Singapore.

Minh Ngọc (Theo AFP)