Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm thứ Bảy (8/6) đã cáo buộc Trung Quốc đang để trượt giá đồng Nhân dân tệ nhằm bù đắp ảnh hưởng của thuế quan mà Mỹ đang áp lên hàng Trung Quốc, tránh tăng chi phí cho người tiêu dùng Mỹ.

USD RMB
(Ảnh: Getty Image)

Phát biểu bên lề hội nghị lãnh đạo tài chính G-20 tại Nhật Bản hôm 8/6, ông Mnuchin cho hay: “Theo suy nghĩ của tôi, không ngẫu nhiên khi mà đồng tiền [Trung Quốc] đã chuyển từ 6,30 Nhân dân tệ đổi 1 USD thành 6,90 Nhân dân tệ đổi 1 USD.”

“Theo truyền thống để thao túng một loại tiền tệ, sự can thiệp chính thức vào thị trường ngoại hối phải được tiến hành theo một cách nhất định. Can thiệp để hỗ trợ tỷ giá hối đoái của một loại tiền tệ không được coi là thao túng tiền tệ,” ông Mnuchin nói.

“Tuy nhiên, khi mà thị trường đang kỳ vọng can thiệp vì đã đang có can thiệp để hỗ trợ một loại tiền tệ trong một thời gian dài – cho dù do Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác thực hiện – thì khi không còn can thiệp nữa, điều đó có thể tạo ra ảnh hưởng lớn tới thị trường,” ông Mnuchin giải thích. “Quyết định không can thiệp sau khi can thiệp trong một khoảng thời gian dài có thể khiến thị trường cho rằng có mong muốn thấy đồng tiền yếu đi.”

Cũng trong phát biểu hôm 8/6, ông Mnuchin nói rằng các công ty Trung Quốc đang hấp thụ phần lớn việc tăng thuế quan của Mỹ vì họ muốn ngăn chặn việc tăng giá bị chuyển qua người tiêu dùng Mỹ và họ sẽ lựa chọn mặt hàng thay thế khác.

Phát biểu nêu trên của ông Mnuchin đến sau khi Tổng thống Trump viết trên Twitter hôm thứ Sáu (7/6) rằng Mỹ đang thu được hàng tỷ USD vì thuế quan cao hơn.

Tuy nhiên, theo tờ Hoa Nam Buổi Sáng (Hồng Kông), quan điểm của Tổng thống Trump và Bộ trưởng Mnuchin vấp phải sự phản đối của các chuyên gia kinh tế, trong đó có các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trong một báo cáo phát hành vào tháng trước IMF nói rằng “nguồn thu thuế quan chủ yếu đến từ các nhà nhập khẩu Mỹ” và “một số khoản thuế này đã bị chuyển cho người tiêu dùng Mỹ.”

Cáo buộc của ông Mnuchin về việc Trung Quốc đang thả nổi đồng Nhân dân tệ là đồng điệu với báo cáo về chính sách ngoại hối của Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố gần đây. Trong báo cáo mỗi 6 tháng/lần này, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục không gắn nhãn Trung Quốc thao túng tiền tệ, nhưng đã xếp Trung Quốc và 8 nước khác vào danh sách cần phải theo dõi đặc biệt để giám sát nghiêm ngặt về chính sách tiền tệ.

Trao đổi về cách thức giảm ảnh hưởng thuế quan lên người tiêu dùng Mỹ, hôm 8/6 ông Mnuchin cho biết chính quyền Trump sẽ cấp quy chế ngoại lệ cho các công ty mà chưa thể chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong thời gian ngắn vì hạn chế chuỗi cung ứng.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng cho biết thỏa thuận Mỹ – Trung nhằm giải quyết tranh chấp thương mại song phương đã hoàn thành 90%, nhưng vẫn tồn đọng khác biệt trong một số vấn đề quan trọng.

“Nếu Trung Quốc nghiêm túc và muốn quay lại đàm phán một thỏa thuận thực sự, thì Mỹ sẽ chuẩn bị đàm phán hướng tới một hiệp định mang tính lịch sử. Nếu không, Mỹ sẽ tiếp tục tiến trình thuế quan theo kế hoạch,” ông Mnuchin nói.

Ông Mnuchin cho biết ông sẽ thảo luận về các vấn đề thương mại thông thường với Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Giang vào Chủ Nhật (9/6), nhưng sẽ để cho Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi về các vấn đề tranh chấp thương mại rộng hơn. Ông Trump và ông Tập dự kiến sẽ có cuộc hội đàm bên lề Thượng đỉnh G-20 tại Nhật Bản vào cuối tháng Sáu này.

Như Ngọc