Phát ngôn viên Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) thông báo, hôm thứ Hai (12/7), sau cuộc họp với nhà sản xuất vắc-xin Pfizer, các quan chức y tế Mỹ nhắc lại rằng những người Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ không cần phải tiêm liều tăng cường.

Embed from Getty Images

Tuần trước, Pfizer cho biết họ đã lên kế hoạch yêu cầu các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ cấp giấy phép cho liều vắc-xin COVID-19 tăng cường của hãng này, dựa trên bằng chứng là rủi ro nhiễm bệnh cao hơn sau 6 tháng tiêm chủng và cũng như sự lây lan khó kiểm soát của biến chủng Delta.

Theo phát ngôn viên Bộ Y tế Mỹ, hôm thứ Hai (12/7), các quan chức HHS đã có một cuộc họp ngắn với Pfizer để thảo luận về dữ liệu sơ bộ mới nhất của hãng này về việc tiêm chủng và sẽ tiếp tục thảo luận khi các liều tiêm nhắc lại cần thiết trong tương lai.

Pfizer tiết lộ, hãng này đã lên kế hoạch công bố “dữ liệu rõ ràng hơn” trên một tạp chí bình duyệt.

Phát ngôn viên Sharon Castillo của Pfizer cho hay: “Cả Pfizer và chính phủ Mỹ có cùng cảm giác cấp bách phải đi trước loại virus gây ra bệnh COVID-19, và chúng tôi cũng đồng ý rằng dữ liệu khoa học sẽ chỉ định các bước tiếp theo trong quy trình quản lý nghiêm ngặt mà chúng tôi luôn tuân thủ.”

Sự lây lan của biến chủng Delta lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ và hiện là chủng chi phối gây ra các nhiễm virus corona mới tại nhiều quốc gia, làm dấy lên nhiều lo ngại về việc liệu các loại vắc-xin hiện có có đủ khả năng bảo vệ hay không. Một số chuyên gia cho rằng liều tiêm tăng cường sẽ cần thiết nếu số lượng người đã được tiêm chủng bị nhiễm bệnh phải nhập viện hoặc tử vong tăng lên nhiều.

Về phần mình, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm 12/7 rằng các nước giàu mạnh không nên đặt hàng các liều tiêm tăng cường cho những người đã được tiêm chủng của nước mình khi mà các quốc gia khác vẫn chưa nhận được vắc-xin COVID-19.

Nhật Minh (Theo Reuters)

Xem thêm: