Những biện pháp hạn chế COVID-19 mà nhiều chính phủ quốc gia trên toàn thế giới đưa ra đang dần biến mất một cách nhanh chóng, nhưng điều đó không có nghĩa là dịch bệnh này được kiểm soát.

hạn chế COVID-19
(Ảnh minh họa: Par cktravels.com/Shutterstock)

Mới đây, hàng loạt chính phủ đã và đang gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát virus corona (gây bệnh COVID-19) còn sót lại cuối cùng với mong muốn thiết lập lại nhịp sống sau 2 năm “lao đao” vì dịch bệnh.

Giới chức y tế các nước luôn cảnh báo rằng COVID-19 là một phần không thể xóa bỏ trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Lý do là bởi chủng virus này vẫn đang lưu hành và có khả năng xuất hiện thêm các biến thể nguy hiểm mới, cũng như tiềm ẩn nguy cơ từ một đợt bùng phát đột biến theo mùa khác.

Trên thực tế, một số biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất (như phong tỏa đất nước) đã đẩy phần lớn các doanh nghiệp vào tình thế nguy hiểm, khiến người lao động mất việc làm cũng như buộc chính phủ phải kích hoạt các khoản vay lớn nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Bên cạnh đó, nó cũng gây ra nhiều vấn đề khác ngoài thiệt hại kinh tế, cụ thể là có khoảng gần 6 triệu người đã tử vong vì COVID-19.

Ở châu Âu, Thủ tướng Boris Johnson đã đẩy nhanh các kế hoạch về nới lỏng trong tuần này khi thông báo rằng các biện pháp hạn chế cuối cùng của Anh sẽ kết thúc vào cuối tháng 2. Na Uy và Đan Mạch đã bãi bỏ hầu hết các hạn chế. Thụy Điển thậm chí còn tuyên bố COVID-19 đã kết thúc tại nước này.

Ở Nam Phi, nơi biến thể Omicron lần đầu tiên được xác định trước khi lan truyền khắp thế giới, các quy định về tự cách ly đã bị loại bỏ.

Theo giới phân tích, trong khi các chính phủ hứa hẹn về “sự tự do” ở trạng thái bình thường mới nhằm củng cố niềm tin của cử tri, nhiều người vẫn cảm thấy bất bình trước những quy định liên quan đến tiêm chủng. Cụ thể, nhiều quốc gia như (trong đó có Pháp) đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình tương tự như ở Canada, vốn đang gây thiệt hại nặng đến hoạt động kinh doanh.

Giới chuyên gia y tế cộng đồng bày tỏ mối lo ngại rằng các chính trị gia sẽ bỏ quên những bài học trong 2 năm khủng hoảng vừa qua, đặc biệt là tình trạng áp đặt rồi lại gỡ bỏ những biện pháp hạn chế có thể khiến họ bị chệch hướng nếu làn sóng dịch bệnh mới bùng phát.

Theo Tiến sĩ Richard Hatchett, cựu cố vấn Nhà Trắng, người đứng đầu Liên minh Đổi mới Chuẩn bị sẵn sàng Ứng phó Dịch bệnh có trụ sở tại Oslo (Na Uy), các nhà chức trách cần phải sẵn sàng trước viễn cảnh khó lường của các biến thể mới, khả năng lây nhiễm đột biến sau tiêm vắc-xin và nguy cơ xảy ra các đại dịch trong tương lai.

Tiến sĩ Hatchett chia sẻ: “Người dân cần được nới lỏng sau khi đợt bùng phát do biến thể Omicron giảm xuống, nhưng các chính phủ đương nhiệm đừng quên rằng chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Điểm mấu chốt là từ góc độ chính phủ, từ góc độ quản lý rủi ro, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho một kịch bản xấu có thể xảy ra”.

Theo Bloomberg,

Phan Anh

Xem thêm: