Ngày 17/5, các nhóm đối lập Thái Lan đã nhóm họp để đàm phán thành lập liên minh sau khi đánh bại các đối thủ ủng hộ chính phủ quân sự trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên, một số thượng nghị sĩ do chính quyền quân sự chỉ định đã cảnh báo rằng họ sẽ cố gắng ngăn chặn lãnh đạo của đảng chiến thắng trở thành thủ tướng.

shutterstock 123319195
(Nguồn: Naypong Studio/ Shutterstock)

Đảng Tiến lên (MFP) cấp tiến đã nổi lên từ cuộc bầu cử hôm Chủ nhật (14/5) với tư cách là đảng giành được nhiều ghế nhất tại Hạ viện sau khi các cử tri Thái bác bỏ dứt khoát sự cầm quyền do giới quân sự ủng hộ trong gần một thập kỷ.

Lãnh đạo Pita Limjaroenrat của MFP đã gặp các quan chức cấp cao của năm đảng đối lập khác tại một nhà hàng ở Bangkok, chụp ảnh cùng với nhau trước khi đưa họ vào bên trong để đàm phán kín.

Anh Pita, 42 tuổi, đang cố gắng xây dựng liên minh với Đảng Pheu Thai, đảng từng thống trị chính trường Thái Lan trong hai thập kỷ, và bốn đảng nhỏ khác.

MFP giành được 152 ghế tại Hạ viện, Pheu Thai đứng thứ hai với 141 ghế. Liên minh với các đảng khác sẽ mang lại cho liên minh này hơn 300 ghế trong số 500 ghế tại Hạ viện.

Tuy nhiên, để đảm bảo giành được vị trí thủ tướng, liên minh cần phải chiếm đa số trong tổng số ghế của cả hai viện, bao gồm Thượng viện, nơi có 250 thành viên do chính quyền quân sự trước đây lựa chọn cẩn thận.

Do đó, MFP và các đồng minh của họ cần 376 phiếu bầu ở Hạ viện để đảm bảo rằng các thượng nghị sĩ không thể ngăn chặn anh Pita trở thành thủ tướng.

Một số thượng nghị sĩ đã lên tiếng phản đối anh Pita, lo ngại trước lập trường mạnh mẽ chống lại giới quyền uy của anh ấy, bao gồm các kế hoạch sửa đổi luật xúc phạm hoàng gia nghiêm ngặt của Vương quốc Thái Lan.

Lo ngại về cải cách khi quân, Thượng nghị sĩ (TNS) Jadet Inswang tuyên bố: “Tôi sẽ không chấp nhận [anh] Pita làm thủ tướng.”

TNS  Kittisak Ratanawaraha cũng từ chối ủng hộ anh Pita.

Ông giải thích: “Ứng cử viên thủ tướng cần phải yêu quốc gia, chế độ quân chủ.”

Đòn giáng mới vào MFP

Hôm 16/5, một lãnh đạo cấp cao của Pheu Thai kêu gọi hai đảng bảo thủ cỡ trung bình, Đảng Bhumjaithai và Đảng Dân chủ, giúp đỡ liên minh trong cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng 

Tuy nhiên, trong một đòn giáng mới vào MFP, tối hôm 17/5 Đảng Bhumjaithai tuyên bố rằng họ sẽ không ủng hộ một đảng muốn sửa đổi “luật khi quân”, được gọi là luật 112 sau phần của Bộ luật hình sự Thái Lan.

Trong một thông báo, Đảng Bhumjaithai nhấn mạnh: “Nếu một đảng muốn thay đổi hoặc hủy bỏ [luật] 112 có thể thành lập chính phủ, đảng Bhumjaithai sẽ sẵn sàng phản đối mạnh mẽ vì lợi ích của người dân và để bảo vệ chế độ quân chủ.”

 

Đảng Bhumjaithai là một phần trong liên minh sắp mãn nhiệm của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và hiện có 70 ghế tại Hạ viện.

Về lý thuyết, các đảng liên kết với quân đội có thể cố gắng thành lập một chính phủ thiểu số, dựa trên sự ủng hộ của Thượng viện để thông qua lựa chọn thủ tướng của họ. Tuy nhiên, với ít ghế ở Hạ viện, chính phủ thiểu số sẽ rất khó điều hành đất nước.

Các quan sát viên khu vực của tổ chức Mạng lưới Bầu cử Tự do châu Á (ANFREL) kêu gọi Thái Lan nên có một chính phủ “phản ánh ý chí của người dân”.

ANFREL hoan nghênh tỷ lệ cử tri Thái Lan đi bỏ phiếu đông đảo với hơn 75% và nhận định cuộc bầu cử lần này minh bạch hơn cuộc bầu cử lần trước vào năm 2019.

ANFREL đã triển khai 41 quan sát viên khu vực đến thăm 460 điểm bỏ phiếu ở 51 tỉnh thành của Thái Lan vào ngày bầu cử. Tổ chức này nhận định việc bỏ phiếu đã diễn ra “một cách hòa bình và trật tự”.

Phái đoàn quan sát lưu ý việc mua phiếu bầu là vấn đề được báo cáo nhiều nhất, mặc dù họ không đưa ra số lượng các trường hợp liên quan.

Gia Huy (Theo AFP)