Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên của toàn khối trong tuần này. Tuy nhiên, vị tướng hàng đầu của Myanmar, người đã lên nắm quyền hồi tháng 2 và làm đảo lộn một trong những cuộc chuyển đổi dân chủ ấn tượng nhất ở châu Á, đã không được mời tham dự hội nghị vì từ chối thực hiện các biện pháp để chấm dứt việc đàn áp  bạo lực chết người. 

Embed from Getty Images

Chính quyền quân sự Myanmar đã phản đối gay gắt việc ASEAN loại bỏ Thống tướng   khỏi hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Tướng Min Aung Hlaing hiện đang lãnh đạo chính phủ và hội đồng quân sự cầm quyền của Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính.

Brunei, hiện là chủ tịch ASEAN, sẽ tổ chức cuộc họp kéo dài ba ngày bắt đầu từ 26/10 qua video do lo ngại virus corona. Các cuộc họp sẽ có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Nga. Cuộc họp dự kiến sẽ tập trung thảo luận về cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng của Myanmar và đại dịch Covid-19 cũng như các vấn đề an ninh và kinh tế.

Biện pháp trừng phạt chưa từng có của ASEAN đối với Myanmar đã phá vỡ các nguyên tắc cơ bản về việc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyết định bằng sự đồng thuận. Quyết định đồng thuận có nghĩa là chỉ cần một thành viên cũng có thể ngăn chặn một quyết định của tổ chức này một cách hiệu quả. Myanmar đã viện dẫn việc vi phạm các nguyên tắc được ghi trong hiến chương của ASEAN để bác bỏ quyết định cấm nhà lãnh đạo quân sự của mình tham gia hội nghị thượng đỉnh.

Tuy nhiên, tổ chức khu vực này có một số lựa chọn khác bởi vì sự không nhân nhượng của vị tướng cầm quyền Myanmar này có nguy cơ bôi nhọ hình ảnh của tổ chức này như một nơi trú ẩn ngoại giao cho một số bạo chúa ngoan cố nhất ở châu Á.

Một nhà ngoại giao cấp cao của ASEAN, người đã tham gia cuộc họp khẩn cấp hôm 15/10 nơi các ngoại trưởng ASEAN đã quyết định từ chối để Myanmar tham dự hội nghị thượng đỉnh của khối này, tiết lộ rằng hai nguyên tắc không can thiệp và đồng thuận đó mang tính ràng buộc nhưng “sẽ không làm tê liệt” khối này. Nhà ngoại này gọi phản ứng mạnh mẽ hơn của ASEAN là “một sự thay đổi mô thức”. Tuy nhiên, ông dự đoán, các nguyên tắc bảo thủ của tổ chức Đông Nam Á này có thể sẽ vẫn tồn tại.

Nhà ngoại giao nói với hãng tin Associated Press (AP) trong điều kiện giấu tên vì thiếu thẩm quyền để thảo luận các vấn đề này một cách công khai: “Trong những trường hợp nghiêm trọng như thế này, khi tính khách quan và uy tín của ASEAN bị đe dọa, các quốc gia thành viên ASEAN hoặc thậm chí các nhà lãnh đạo và các bộ trưởng có quyền hạn rộng rãi để hành động.” 

Nhà ngoại giao này tiết lộ, thay vì mời vị thống tướng cầm quyền của Myanmar, ASEAN đã mời nhà ngoại giao kỳ cựu cấp cao nhất của nước này là ông Chan Aye tham dự hội nghị thượng đỉnh với tư cách là đại diện “phi chính trị”. Vẫn chưa rõ liệu ông Chan Aye có tham dự hay không.

Ngoại trưởng Myanmar do chính quyền quân sự bổ nhiệm đã tham gia cuộc họp khẩn cấp trực tuyến của ASEAN cách đây hai tuần. Cuộc họp này đã được tổ chức một cách thầm lặng. Tuy nhiên, một số ngoại trưởng đã bày tỏ một cách thẳng thắn sự phản đối của họ đối với việc quân đội Myanmar chiếm quyền lãnh đạo đất nước sau khi lật đổ nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi và đảng của bà, vốn đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái.

Theo nhà ngoại giao này, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan tuyên bố rằng chính phủ Singapore vẫn công nhận bà Suu Kyi và Tổng thống bị lật đổ Win Myint là những nhà lãnh đạo hợp pháp của Myanmar, mặc dù cả hai hiện đang bị quân đội giam giữ.

Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah, người chỉ trích gay gắt việc quân đội Myanmar chiếm quyền, nói với những người đồng cấp của mình trong ASEAN rằng nguyên tắc không can thiệp không thể được sử dụng “như một lá chắn để tránh các vấn đề cần được giải quyết” bởi vì cuộc khủng hoảng của Myanmar khiến khu vực lo lắng.

Trong một diễn đàn trực tuyến riêng biệt vào tuần trước, ông đã đề nghị các quan chức và những người khác thực hiện một số đánh giá sâu sắc và cẩn thận đối với ASEAN “về khả năng chuyển từ nguyên tắc không can thiệp sang nguyên tắc ‘tham dự mang tính xây dựng’ hoặc nguyên tắc ‘không thờ ơ’”.

ASEAN đã phải chịu rất nhiều áp lực của quốc tế trong việc thực hiện các biện pháp để giúp chấm dứt tình trạng bạo lực tại Myanmar đã khiến khoảng 1.100 dân thường thiệt mạng kể từ quân đội chiếm quyền và giam giữ bà Suu Kyi và những người khác. Điều này đã dẫn đến các cuộc biểu tình hòa bình trên khắp Myanmar và các cuộc phản kháng vũ trang chống lại chính quyền quân sự lan rộng khắp nơi.

Tuần trước, đặc phái viên Liên Hợp Quốc Schraner Burgener cảnh báo Myanmar “sẽ đi theo hướng của một nhà nước thất bại” nếu các cuộc xung đột bạo lực giữa quân đội với dân thường và các dân tộc thiểu số vượt khỏi tầm kiểm soát, cũng như sự thoái trào dân chủ không được giải quyết một cách hòa bình. 

Đảng của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng vang dội vào năm 2015 sau hơn năm thập kỷ cầm quyền của quân đội. Tuy nhiên quân đội Myanmar vẫn nắm nhiều quyền lực và tố cáo chiến thắng của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái là gian lận.

ASEAN đã không công nhận giới lãnh đạo quân sự của Myanmar mặc dù nước này vẫn là một thành viên của tổ chức này.

Ông Alexander Arifianto, một chuyên gia người Indonesia về chính trị khu vực của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, đề xuất, ASEAN “phải thực hiện biện pháp mạnh mẽ hơn để lên tiếng chống lại việc lật đổ phi dân chủ đối với chính phủ được bầu một cách dân chủ và các tội ác chống lại loài người đối với người dân Myanmar. ASEAN cần phải cải cách quy trình ra quyết định của mình.”

Các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí về một kế hoạch tiếp cận gồm 5 điểm trong một cuộc họp khẩn cấp vào tháng 4 tại Indonesia có sự tham dự của Tướng Min Aung Hlaing. Các nhà lãnh đạo đã kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay lập tức và bắt đầu đối thoại do một đặc phái viên ASEAN làm trung gian, người sẽ được phép gặp tất cả các bên. Tuy nhiên, quân đội Myanmar sau đó liên tục từ chối cho phép đặc phái viên này gặp bà Suu Kyi và các nhà chính trị khác đang bị giam giữ. Việc này đã dẫn đến sự bế tắc và đang thử nghiệm khả năng xử lý của tổ chức khu vực này.

ASEAN đã kết nạp Myanmar vào năm 1998 bất chấp sự phản đối dữ dội của Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu, vốn thường xuyên chỉ trích việc đàn áp dân chủ và nhân quyền của chính quyền quân sự Myanmar. Các thành viên khác của khối này là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Gia Huy (Theo AP)

Xem thêm:

Quân đội Myanmar hứa hẹn bầu cử, nói sẵn sàng làm việc với ASEAN