Trong bối cảnh Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh khai mạc, có thông tin cáo buộc không ít thành viên của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) có vấn đề quan hệ lợi ích với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nên phớt lờ thực trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của nhà cầm quyền này.

shutterstock 1603167550
Nhiều thành viên của Ủy ban Olympic Quốc tế có quan hệ lợi ích tại Trung Quốc. (Ảnh: Mirko Kuzmanovic / Shutterstock)

Vài tháng qua, nhiều thành viên của IOC đã kiên định bảo vệ quan điểm của IOC đối với thực trạng nhân quyền ở Trung Quốc. Để hiểu sâu hơn về vấn đề này, ngày 5/2 Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) dẫn tin từ trang tin tức Daily Beast của Mỹ phanh phui về một số công ty của các thành viên IOC có quan hệ lợi ích chặt chẽ với Bắc Kinh.

Tiêu biểu như Phó chủ tịch John Coates của IOC khi đối mặt với yêu cầu của cộng đồng quốc tế về việc dùng vấn đề nhân quyền gây áp lực với Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Mùa đông, ông nói rằng đây không phải chức trách của IOC: “Chúng ta phải tôn trọng chủ quyền của nước chủ nhà Olympic”. Công ty của John Coates có mối quan hệ chặt chẽ với ĐCSTQ, từ năm 2007 ông là chủ tịch của công ty đấu giá ngựa thuần chủng William Inglis & Son của Úc với thị trường quan trọng là Trung Quốc. Chỉ riêng những con ngựa Trung Quốc được công ty ông John Coates bán đấu giá hồi năm ngoái đã được định giá hơn 13 triệu USD. Ngoài ra, nhà đấu giá này còn tổ chức sự kiện thi đấu ngựa “Cup William Inglis & Son Trung Quốc – Úc” tại Trung Quốc.

Thông tin cho biết, trong số 101 thành viên IOC còn nhiều người khác phản đối gây áp lực lên Bắc Kinh về các vấn đề nhân quyền. Như thành viên IOC người Canada là Dick Pound, từng nói: “IOC không có gì để nói về chính trị… và vấn đề nhân quyền là vấn đề chính trị”. Ông này cũng không bảo đảm tuyển thủ nước ngoài ở Trung Quốc thảo luận về những vấn đề này mà có thể không phải chịu hậu quả gì. Trang web công ty luật Stikeman Elliott LLP của Canada mà Pound làm cố vấn có tuyên bố “cung cấp dịch vụ pháp lý cho nhiều công ty nổi tiếng của nhà nước Trung Quốc” như CNPC, CITIC Group, China Investment Corporation… Pound cũng viết trong một cuốn sách năm 2013 rằng công ty luôn quan tâm đến Trung Quốc, và trong năm 2005 và 2006 đã hợp tác chặt chẽ với cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc là Balloch để hiểu rõ hơn về thị trường Trung Quốc. Pound nói rằng ông không biết gì về các lệnh trừng phạt của Trung Quốc vào năm ngoái đối với luật sư của Chính phủ Anh vì đã cố vấn về vấn đề diệt chủng ở Tân Cương.

Bản danh sách thành viên IOC có quan hệ kinh doanh với Trung Quốc có lẽ cũng còn dài. Ủy viên Anh Sebastian Coe cho biết vào năm 2021 rằng một cuộc tẩy chay ngoại giao quốc tế đối với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh là “vô nghĩa và gây tổn thương”. Nhưng theo tạp chí Private Detective của Anh, Coe từng là giám đốc không điều hành của công ty khai thác mỏ FMG (Fortescue Metals Group) của Úc, với mức lương hàng năm hơn 130.000 USD, trong khi cổ đông lớn nhất của FMG là một công ty nhà nước Trung Quốc, 90% doanh thu của công ty FMG đến từ Trung Quốc.

Cuối năm ngoái, tờ New York Times đã đưa tin rằng IOC và ĐCSTQ là “bạn cũ” cộng sinh và cùng có lợi, IOC đã giúp ĐCSTQ giành được quyền đăng cai, đổi lại Bắc Kinh đã cung cấp cho IOC cơ hội tiếp cận 1,4 tỷ người hâm mộ thể thao tiềm năng và một số tiền lớn.

Năm 2014 Truyền hình Trung ương Trung Quốc  (CCTV) và IOC đã ký một hợp đồng phát sóng ước tính trị giá khoảng 550 triệu USD. Bắc Kinh cũng đã yêu cầu các công ty đứng ra tài trợ, chẳng hạn như Alibaba và IOC đã đạt được thỏa thuận tài trợ khoảng 800 triệu USD.

Thông tin cũng cáo buộc Samaranch (người đã lãnh đạo IOC trong 20 năm) có một quỹ ở Trung Quốc mang tên ông do con trai ông thành lập. Người con này cũng là Chủ tịch Ủy ban điều phối viên IOC cho Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022, có ba thành viên IOC người Trung Quốc cũng là thành viên ban điều hành quỹ này.

Chuyên gia: IOC hủ bại đã giúp Bắc Kinh được đăng cai Thế vận hội

Một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney là Feng Chongyi nói với Epoch Times, theo một nghĩa nào đó thì việc Bắc Kinh được đăng cai Thế vận hội cho thấy có vấn đề hủ bại ở IOC.

Ông cho biết vào thời điểm đó, IOC đã cho Bắc Kinh tổ chức Thế vận hội Olympic 2008 vì vấn đề Bắc Kinh cam kết cởi mở về truyền thông và cải thiện về nhân quyền. Nhưng rồi tình hình nhân quyền ở Trung Quốc không có gì cải thiện.

“Sự đàn áp (của ĐCSTQ) ở Tây Tạng và nạn diệt chủng ở Tân Cương, phá hủy nền dân chủ ở Hồng Kông, triệt tiêu xã hội dân sự cùng giới luật sư nhân quyền là những vấn đề toàn thế giới đều biết”, ông nói.

“Mọi thứ mà chế độ ĐCSTQ làm đều đi ngược lại với tinh thần của Thế vận hội, nhưng IOC vẫn kiên quyết giao quyền đăng cai Thế vận hội cho Bắc Kinh, thậm chí không tiếc công sức giúp ĐCSTQ xây dựng hình ảnh trong sạch, cho nên đây là một tổ chức quá hủ bại”.

Ông chỉ trích các thành viên IOC đã vì lợi ích thương mại và lợi ích cá nhân giúp ĐCSTQ sử dụng Thế vận hội như một công cụ chính trị và tuyên truyền để xóa nhòa tội ác chống lại loài người và những vi phạm nhân quyền có hệ thống của nhà cầm quyền này. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh cách làm của IOC khiến các vận động viên tham gia phải khó xử: “Họ phải đưa ra lựa chọn một cách đau khổ giữa sự nghiệp thể thao với các nguyên tắc đạo đức và quyền con người”.

Tờ Epoch Times dẫn lời phó giám đốc điều hành Andy Doong của một tổ chức tư vấn tại Đài Loan, nói rằng chính quyền ĐCSTQ có sở trường về thủ đoạn này: hợp tác với Bắc Kinh về các vấn đề chính trị thì có thể thu được những lợi ích thương mại lớn, do đó nhiều người từ các nước khác đã nói những lời tốt đẹp về ĐCSTQ. Ông cho rằng không chỉ IOC mà Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng thành công tương tự ở nhiều tổ chức quốc tế khác để có được nhiều tiếng nói tốt đẹp cho ĐCSTQ. Điều này khiến các quốc gia như Mỹ muốn rút khỏi cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc.

Andy Doong tin rằng đối với một số sự kiện thể thao quốc tế lớn, “Các tổ chức đứng sau không chỉ đơn thuần là vấn đề thể thao, mà trong nhiều trường hợp là về chính trị, kinh tế và trao đổi lợi ích. Đây đều là những vấn đề cần phải lưu ý khi thúc đẩy các hoạt động thể thao quốc tế”.

Ông tin rằng hiện tại cần có thêm nhiều dữ kiện để nhiều người có thể chú ý và nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề, để nhiều người có thể thấy rõ những tính toán và lý do đằng sau những người phát biểu cho ĐCSTQ này, chỉ có vậy mới có cơ hội loại bỏ những người này khỏi các vị trí chủ chốt.

Cùng quan điểm, ông Feng Chongyi tại Đại học Công nghệ Sydney cũng kêu gọi cơ quan chống tham nhũng quốc tế điều tra IOC và các thành viên liên quan.

Trong diễn biến liên quan, mới đây IOC cũng bị bẽ mặt khi xảy ra chuyện tại lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh có một phóng viên của Đài Phát thanh Công cộng Hà Lan (NOS) tại Trung Quốc bị nhân viên an ninh của ĐCSTQ mặc thường phục đeo băng đỏ xua đuổi, tình cảnh làm dấy lên lo ngại của truyền thông nước ngoài sẽ không được phép làm việc tự do tại Trung Quốc trong thời gian diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh. IOC đã khẩn cấp giải thích vào ngày 5/2 rằng đây là điều hy hữu, sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động đưa tin về Thế vận hội Mùa đông của truyền thông nước ngoài, IOC cũng đã liên hệ với Đài Phát thanh Công cộng Hà Lan, nhưng sau đó nhà đài này đã phủ nhận rằng họ đã đã kết nối với IOC liên quan chuyện xảy ra vào ngày 4/2. Phóng viên bị trục xuất cũng cho biết đây không phải lần đầu tiên anh gặp phải chuyện như vậy.

Mộc Vệ (t/h)

Xem thêm: