Giải quyết vấn đề Bắc Hàn chưa bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng với bất kỳ Tổng thống Mỹ nào. Sau hơn 100 ngày nhậm chức, chính sách đối phó với quốc gia hiếu chiến này của tân Tổng thống Donald Trump đang dần hoàn thiện: Cô lập về ngoại giao và bao vây về quân sự.

Sau khi nắm quyền tại Bắc Hàn, lãnh đạo trẻ Kim Jong Un đang phô diễn sức mạnh hạt nhân cùng sự ương ngạnh, đe dọa an ninh thế giới và khu vực. Mỹ dưới sự lãnh đạo của Trump đã nhanh chóng tái khẳng định vị thế lãnh đạo thế giới, cũng dẫn đầu trong nỗ lực giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Bao vây quân sự

Nguy hiểm hạt nhân của Triều Tiên khiến Mỹ sát lại các đồng minh hơn bao giờ hết. Nếu kết thúc chính quyền Obama đánh dấu bởi sự thụt lùi về quân sự, được gọi là chính sách “lãnh đạo từ phía sau” khiến vị thế của Hoa Kỳ suy giảm nghiêm trọng, thì ông Trump lên nắm quyền đã mang theo cam kết một chính sách diều hâu, khôi phục sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ tới mức “không bao giờ cần sử dụng đến nó”.

Sau 2 vụ thử hạt nhân năm 2016 và hàng loạt các vụ thử tên lửa khác, tân chính quyền Mỹ coi vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là nguy cơ an ninh hàng đầu ở châu Á. Với chính sách được định hình như vậy, sức mạnh quân sự của chính quyền Trump dồn sang Đông Á, nhanh chóng lấy lại vị thế lãnh đạo ở khu vực này.

6/4/2017, trên bàn tiệc với Tập Cận Bình, Donald Trump tuyên bố quân đội của ông đã phóng 59 quả tên lửa vào căn cứ không quân của Syria. Tuyên bố này được xem như cảnh báo nghiêm túc gửi tới Bắc Hàn, đồng minh lâu năm và thân cận của Trung Quốc, rằng các hành động khiêu khích của họ sẽ không chỉ nhận được sự im lặng hay các tuyên bố lên án vô lực.

Trong tháng 4/2017, sau khi Bắc Hàn thử một quả tên lửa Scud, ông Trump tuyên bố cụm chiến hạm nguyên tử Carl Vinson đang trên đường tới bán đảo Triều Tiên. Hôm 23/4  tàu sân bay Carl Vinson có mặt tập trận cùng các tàu khu trục Nhật Bản.

Hôm 24/4, tàu ngầm hạt nhân USS Michigan mang 154 tên lửa Tomahawk, loại đã tấn công Syria cập cảng Hàn Quốc.

Ông Trump và các đồng sự cũng liên tục khẳng định, bằng cả lời nói và động thái quân sự, rằng lằn ranh đỏ của họ đối với Bắc Hàn không phải vạch trên cát. Nikkei Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cảnh báo Bắc Hàn không nên đẩy căng thẳng đến mức buộc Mỹ phải sử dụng vũ lực.

Những áp lực quân sự này có thể nói đã có tác dụng ở chừng mực nào đó. Một mặt, động thái nhanh chóng về quân sự khiến Mỹ nắm thế chủ động trong vấn đề Triều Tiên, buộc Trung Quốc phải thương lượng và nhượng bộ. Bắc Hàn, tuy vẫn giữ giọng điệu “cứng rắn cách mạng, sẵn sàng hy sinh để chống Mỹ”, nhưng chưa có động thái đe dọa nào về hạt nhân trong 2 dịp kỷ niệm lớn trong tháng 4 của mình. Hơn nữa, những lần thử tên lửa của Bắc Hàn đều thực hiện âm thầm và đều thất bại.

Cô lập về ngoại giao

Mặt trận ngoại giao là nơi tác giả của “nghệ thuật đàm phán” chứng minh năng lực và hiện thực hóa các cam kết của mình. Ông Trump liên tục xoa dịu Trung Quốc, bằng các nhượng bộ nhiều mặt, đã kéo Trung Quốc về làm việc cùng với mình để gây sức ép lên Bắc Hàn. Mặt khác, Mỹ tiếp tục triển khai hệ thống chống tên lửa THAAD tại Hàn Quốc, tái khẳng định cam kết an ninh với Nhật Bản. Các cuộc tập trận chung với Nam Hàn và Nhật Bản được tổ chức liên tục.

Cuộc cãi vã qua điện thoại với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull hồi cuối tháng 1 cũng đã được Trump giải quyết bởi cuộc gặp trực tiếp hôm 4/5. Trump tuyên bố quan hệ giữa họ “rất tốt”, Úc nhanh chóng ngả về phía Mỹ trong các tuyên bố lên án Bắc Hàn.

Quan hệ Trung – Triều, dưới chính sách ngoại giao của Trump cũng nhanh chóng nguội lạnh và bộc lộ các rạn nứt nguy hiểm. Báo chí nhà nước Bắc Kinh hết khuyên răn, yêu cầu rồi đe dọa nhà nước Triều Tiên quay đầu khỏi “lằn ranh nguy hiểm”, tới mức thông tấn xã Triều Tiên đã không nói bóng gió nữa mà mắng thẳng Bắc Kinh là kẻ phản bội.

Ông Trump, trong khi luôn khẳng định không loại trừ khả năng xung đột quân sự trực tiếp với Bắc Hàn, luôn nhấn mạnh rằng giải pháp ngoại giao là một lựa chọn tốt hơn nhiều. Các quan chức ngoại giao của Trump một mặt kêu gọi các nước châu Á vốn có quan hệ khá thân thiện với Bắc Hàn, cắt giảm hoạt động ngoại giao và ngừng dòng tài chính chảy vào giúp nhà nước hiếu chiến này phát triển vũ khí. Mặt khác, Nhà Trắng gây sức ép bằng nghị quyết trừng phạt mới và khắc nghiệt nhất, đưa vào sổ đen những cá nhân, tổ chức cung cấp dầu thô và tài chính cho Bình Nhưỡng.

Kết quả của chính sách này, cùng với sức ép quân sự đã khiến Bình Nhưỡng e sợ, hay ít nhất là lá thư họ gửi cho khu vực ASEAN hàng xóm đã cho thấy điều đó. Bức thư của ông Ri Yong Ho, Ngoại trưởng Bắc Hàn, yêu cầu cộng đồng khu vực đánh giá công bằng, đứng về phía Bình Nhưỡng để ngăn chặn một cuộc chiến hạt nhân do Hoa Kỳ bức bách mà xảy ra.

Một thành công khác của chính sách này là Ấn Độ, một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất và là nhà viện trợ lương thực lớn của Bắc Hàn, đã tuyên bố ngừng hoàn toàn các giao dịch thương mại với Bắc Hàn. Hồi cuối tháng 4/2017, chính phủ Ấn Độ ngừng mua bán tất cả các loại hàng hóa trừ thực phẩm và thuốc men với các cá nhân và tổ chức từ Bắc Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ chấp thuận các yêu cầu của Liên Hiệp Quốc trong việc trừng phạt Bắc Hàn.

Tất nhiên, trọng tâm trong chính sách bao vây ngoại giao của Trump là Trung Quốc, quốc gia nắm giữ mạch sống của chế độ Bình Nhưỡng. Trung Quốc nắm 90% ngoại thương của Bắc Hàn, là thị trường cung cấp hàng hóa và ngoại tệ chính của Bình Nhưỡng và có một đường ống dẫn dầu chạy thẳng qua biên giới hai nước, đảm bảo cho bộ máy Bắc Triều Tiên có thể vận hành được. Dự luật trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào những đơn vị cung cấp dầu thô cho Triều Tiên có thể sẽ gây thêm áp lực, buộc Trung Quốc khó xử, có thể phải giảm lượng dầu cung cấp như phân tích của Yonhap News.

Khó khăn phía trước

Nhìn chung, ông Trump đang dần vẽ ra một giải pháp ngoại giao và quân sự khá toàn diện trong khi giải quyết vấn đề Bắc Hàn, tuy nhiên, khó khăn đối với vị Tổng thống vẫn đang học việc này là vô cùng lớn. Trung Quốc, con át chủ bài để Mỹ tránh một cuộc xung đột quân sự với Bắc Triều Tiên, là một “con cáo già” với đầy tính toán cá nhân, tách biệt với lợi ích của Mỹ và các nước trong khu vực. Tân Tổng thống Hàn Quốc với lập trường hòa hoãn với Bắc Triều Tiên cũng có tiềm năng thách thức không nhỏ tới các chính sách an ninh hiện tại của Mỹ trong khu vực.

Câu hỏi quan trọng vẫn là: “Liệu Mỹ có sẵn sàng hy sinh Đài Loan, biển Đông, hay thậm chí lợi ích của đồng minh Nhật Bản để được Trung Quốc nhượng bộ, gây sức ép nhiều hơn buộc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán hay không? Nếu kịch bản Bắc Hàn dưới sự lãnh đạo của một lãnh tụ bị phương tây đánh giá là “không bình thường”, liều lĩnh bước qua lằn ranh đỏ hạt nhân thì Mỹ sẽ phải có hành động gì đáp trả?” Mỗi quyết định đều là những canh bạc khó khăn mà sai một ly có thể đánh đổi bằng tương quan sức mạnh, bối cảnh địa chính trị và thậm chí là cả tương lai chính trị của ông Trump.

Trọng Đức

Xem thêm: