Chính phủ Canada hôm thứ Sáu (1/3) đã chuẩn thuận tố tụng dẫn độ đối với Giám đốc Tài chính Tập đoàn Công nghệ Huawei, Trung Quốc, bà Mạnh Vãn Châu. Động thái này đúng với dự đoán của các chuyên gia pháp lý, nhưng cũng thúc đẩy phản ứng giận dữ từ Trung Quốc.

mạnh vãn châu
Bà Mạnh Vãn Châu tại một hội nghị tổ chức ở Milan, Italia vào tháng 11/2018 (Ảnh từ Shutterstock)

Bà Mạnh Vãn Châu, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính Tập đoàn Huawei, con gái của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, đã bị giới chức Canada bắt giữ tại Vancouver vào tháng Mười Hai năm ngoái và hiện đang bị quản thúc tại gia. Vào cuối tháng Một vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội bà Mạnh và Huawei tội âm mưu vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đang áp đặt lên Iran.

Theo Reuters, bà Mạnh sẽ ra hầu tòa tại Vancouver vào 10h sáng ngày 6/3 (giờ Mỹ, 18h00 giờ GMT). Tại phiên tòa này, thẩm phán sẽ định ngày diễn ra phiên tòa dẫn độ bà Mạnh.

Trong một tuyên bố phát đi hôm 1/3, Chính phủ Canada cho hay: “Hôm nay, Bộ Tư pháp Canada đã ban hành lệnh truy tố chính thức để bắt đầu tiến trình dẫn độ trong vụ án của bà Mạnh Vãn Châu.”

Trung Quốc vốn đang có quan hệ căng thẳng với Canada sau khi bà Mạnh bị bắt đã lên án mạnh mẽ quyết định cho phép truy tố dẫn độ của Bộ Tư pháp Canada và Bắc Kinh lặp lại yêu cầu Ottawa phải thả bà Mạnh vô điều kiện.

Trước đó, các chuyên gia pháp lý đã dự đoán rằng chính phủ cấp tiến của Thủ tướng Justin Trudeau sẽ thực hiện truy tố dẫn độ vì mối quan hệ tư pháp gần gũi giữa Canada và Mỹ.

Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cũng nhận định rằng tiến trình dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ có thể phải kéo dài nhiều năm vì hệ thống tư pháp lỗi thời của Canada cho phép kháng cáo nhiều quyết định.

Theo luật Canada, quyết định cuối cùng về việc có dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ hay không nằm trong thẩm quyền của Bộ trưởng Tư pháp Canada. Bộ trưởng Tư pháp David Lametti sẽ phải đối mặt với hai lựa chọn: một là khiến Mỹ tức giận khi từ chối dẫn độ hoặc sẽ khiến Trung Quốc phản ứng dữ dội nếu chấp nhận chuyển bà Mạnh sang Mỹ.

Giáo sư Wesley Wark của Khoa sau đại học về các vấn đề Quốc tế và Công cộng của Đại học Ottawa nói với Reuters qua điện thoại: “Canada sẽ chịu tổn hại trong toàn bộ tiến trình này.”

Ông Wark nói thêm: “Tôi ngờ rằng chính quyền Trudeau rất hy vọng Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận với Trung Quốc [về trường hợp bà Mạnh].”

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng Mười Hai năm ngoái đã nói với Reuters rằng ông sẽ can thiệp nếu nó phục vụ cho lợi ích quốc gia Mỹ hoặc giúp khép lại thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Khi đó, Canada đã phản ứng bằng việc nhấn mạnh rằng tiến trình dẫn độ không nên bị chính trị hóa. Tuy nhiên, theo Reuters, tuần trước ông Trump đã hạ thấp ý tưởng bãi bỏ buộc tội bà Mạnh và Huawei.

Sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh, Trung Quốc đã bắt hai công dân Canada với lý do gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và một tòa án Trung Quốc sau đó đã kết án tử hình một công dân Canada khác trước đó chỉ bị phạt tù 15 năm do phạm tội buôn lậu ma túy.

Giáo sư Charles Burton của Đại học Brock, cựu nhà ngoại giao Canada có 2 nhiệm kỳ làm việc ở Trung Quốc, đã nói rằng Bắc Kinh có thể sẽ trả đũa thêm nữa.

Trao đổi với Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Canada hôm 1/3, Giáo sư Burton nói: “Họ sẽ không chịu nằm yên… [chúng ta] sẽ rùng mình khi nghĩ về những hậu quả có thể là gì.” Ông Burton cho rằng Bắc Kinh có thể trấn áp các chuyến hàng canola của Canada chuyển vào Trung Quốc hoặc chặn không cho sinh viên Trung Quốc du học Canada.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada hôm 1/3 phát đi tuyên bố nói: “Phía Trung Quốc rất không hài lòng và cực lực phản đối việc [Chính phủ Canada] ban hành tố tụng [dẫn độ bà Mạnh].”

Các luật sư của bà Mạnh nói rằng họ thất vọng và đánh giá những buộc tội của Mỹ đối với thân chủ của họ là động cơ chính trị.

Reuters cho biết họ đã liên hệ với Bộ trưởng Tư pháp Canada David Lametti và Huawei để yêu cầu bình luận về việc Canada vừa chuẩn thuận tố tụng dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu, nhưng đều không nhận được phản hồi.

Tân Bình