Thủ tướng Justin Trudeau cho biết Canada và các quốc gia khác đang xem xét hành vi đàn áp người thiểu số Duy Ngô Nhĩ của chính quyền Trung Quốc là một tội ác diệt chủng.

diệt chủng
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. (Ảnh: Justin Trudeau – Wikimedia)

Điều này diễn ra sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump vào tháng 1/2020 cho biết việc Bắc Kinh giam giữ hầu hết các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi ở vùng Tân Cương xa xôi phía tây Trung Quốc là tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người.

“Tội ác diệt chủng chắc chắn là điều mà chúng ta nên xem xét trong trường hợp của người Duy Ngô Nhĩ,” ông Trudeau nói trong một cuộc họp báo.

“Tôi biết cộng đồng quốc tế đang xem xét rất kỹ lưỡng vấn đề đó và chắc chắn chúng tôi cũng nằm trong số này, và chúng tôi sẽ không ngần ngại trở thành một phần của các quyết định xung quanh những điều đó.”

Ông nói rằng “không có nghi vấn nào” trong những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng được báo cáo ở Tân Cương. “Chúng tôi vô cùng lo ngại về điều đó và đã nhiều lần nêu rõ những lo ngại của mình,” ông Trudeau cho biết thêm.

Các nhóm nhân quyền cho biết ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ khác đã bị giam giữ trong các trại giam ở Tân Cương.

Quyền truy cập độc lập vào khu vực nhạy cảm bị hạn chế rất nhiều, khiến cho việc báo cáo và xác minh các cáo buộc gần như là không thể.

Nhưng các nhân chứng và nhà hoạt động nói rằng Trung Quốc đang tìm cách cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ hòa nhập vào nền văn hóa của đa số người Hán bằng cách xóa bỏ các phong tục Hồi giáo, bao gồm cả việc ép buộc người Hồi giáo ăn thịt lợn và uống rượu – cả 2 điều này đều bị cấm bởi đức tin của họ – đồng thời áp đặt một chế độ lao động cưỡng bức.

Vào tháng 1/2020, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Mike Pompeo cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến nỗ lực tiêu diệt người Duy Ngô Nhĩ có hệ thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Người kế nhiệm của ông, Antony Blinken, cho hay rằng ông đồng ý dùng cụm từ “tội ác diệt chủng” đối với chính quyền Trung Quốc và hứa sẽ giữ thái độ cứng rắn với quốc gia này.

Trung Quốc đã phủ nhận hành động sai trái và cho rằng các trại giam của họ là trung tâm đào tạo nghề nhằm giảm bớt sức hút của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo sau các cuộc kích động tấn công.

Quan hệ Canada-Trung Quốc trở nên xấu đi vào cuối năm 2018 sau vụ bắt giữ giám đốc điều hành Công ty Công nghệ Huawei Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) và việc Trung Quốc giam giữ 2 người Canada là cựu ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor, điều mà chính quyền Ottawa gọi là hành vi trả đũa.

Theo SCMP,

Phan Anh

Xem thêm: