Canada đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với bốn quan chức và một tổ chức ở Trung Quốc “do họ tham gia vào các vi phạm nhân quyền mang tính hệ thống và nghiêm trọng” đối với cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ thuộc Tân Cương (XUAR).

Embed from Getty Images

Hôm thứ Hai (22/3), Bộ các Vấn đề Toàn cầu Canada (Global Affairs Canada) tuyên bố, các biện pháp trừng phạt này đang được thực hiện dưới sự phối hợp của Hoa Kỳ, Vương quốc Anh cùng với Liên minh châu Âu và sẽ có hiệu lực từ ngày 22/3.

Các cá nhân và tổ chức trong danh sách nêu trên sẽ bị đóng băng tài sản. Người Canada cũng như cư dân sinh sống ở Canada cũng bị cấm “tham gia vào bất kỳ hoạt động nào liên quan đến bất kỳ khối tài sản nào của những cá nhân này, hoặc cung cấp các dịch vụ tài chính cũng như các dịch vụ liên quan cho họ”.

Các cá nhân bị chính phủ Canada trừng phạt bao gồm: Ông Chu Hải Luân (Zhu Hailun) – cựu Phó Ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân khu tự trị Tân Cương; Ông Vương Quân Chính (Wang Junzheng) – Phó Bí thư Đảng ủy khu tự trị Tân Cương và Bí thư Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương; Ông Vương Minh Sơn (Wang Mingshan) – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy kiêm Bí thư Ban Chính trị và Pháp luật của Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, và ông Trần Minh Quốc (Chen Mingguo)  – Phó Chủ tịch Chính phủ Nhân dân kiêm Giám đốc Sở Công an của Khu tự trị Tân Cương. Ngoài ra còn có một tổ chức của ĐCSTQ bị chế tài, là Cục An ninh của Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, một tổ chức bán quân sự do nhà nước điều hành.

Bộ các Vấn đề Toàn cầu Canada lưu ý rằng chiến dịch đàn áp nhân quyền do nhà nước chỉ đạo đã dẫn đến tình trạng bắt bớ tùy tiện và giam giữ có hệ thống hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ cũng như các nhóm dân tộc thiểu số theo Hồi khác ở vùng Tân Cương.

“Chúng tôi vẫn cảm thấy quan ngại sâu sắc trước những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đang diễn ra ở Tân Cương dưới bàn tay của nhà nước Trung Quốc,” Bộ trưởng Ngoại giao Canada Marc Garneau nhấn mạnh trong một thông cáo báo chí.

“Hôm nay, chúng tôi đang cùng với các đối tác kêu gọi Chính quyền Trung Quốc chấm dứt chiến dịch đàn áp có hệ thống đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số theo Hồi giáo khác, và buộc những người có trách nhiệm phải đứng ra giải trình.”

Hiện ngày càng nhiều quốc gia công nhận chiến dịch đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là hành động diệt chủng, trong đó phải kể đến các phương thức như cải tạo chính trị, lao động cưỡng bức, tra tấn và cưỡng bức triệt sản trên cơ sở tôn giáo và dân tộc của họ.

“Canada đã đặt vấn đề với các nhà chức trách Trung Quốc và liên tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc đàn áp các cộng đồng thiểu số [của chính quyền cộng sản] tại các diễn đàn quốc tế, bao gồm cả tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc,” thông cáo nêu rõ.

Trước đó, ngày 12/1, Canada và Vương quốc Anh đã cùng công bố một loạt các biện pháp liên quan đến tình hình nhân quyền ở Tân Cương, qua đó nhằm ngăn chặn nguy cơ hàng hóa sản xuất do lao động cưỡng bức từ bất kỳ quốc gia nào gia nhập chuỗi cung ứng của Canada và toàn cầu, cũng như nhằm bảo vệ các doanh nghiệp Canada tránh khỏi đồng lõa với tội diệt chủng này.

Cùng ngày 22/3, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố áp biện pháp chế tài 11 cá nhân và 4 thực thể vi phạm nhân quyền trên thế giới, trong đó cũng có 4 quan chức Trung Quốc và một tổ chức bán quân sự của Trung Quốc, tương tự như Canada.

Theo “Cơ chế trừng phạt nhân quyền toàn cầu” của EU ban hành ngày 7/12/2020, tài sản của các cá nhân và thực thể nằm trong danh sách trừng phạt sẽ bị đóng băng tại EU, các cá nhân bị trừng phạt không được phép vào EU. Ngoài ra, mọi cá nhân và tổ chức thuộc EU  cũng không được phép trực tiếp hoặc gián tiếp cung cấp tiền hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh với những đối tượng trong danh sách trừng phạt.

Minh Ngọc (T/h)

Xem thêm: