Hôm thứ Năm, Canada đã tuyên bố sẽ yêu cầu công ty Facebook phải trả tiền cho các nội dung tin tức được đăng tải trên nền tảng của mình. Hiện Canada đang tìm kiếm đồng minh trong trận chiến truyền thông với những gã khổng lồ công nghệ và cam kết không lùi bước nếu nền tảng truyền thông xã hội chặn truy cập các hãng tin như họ đã làm với Úc.

Embed from Getty Images

Facebook đã chặn tất cả các nội dung tin tức của Úc do nước này đề xuất luật yêu cầu họ và Google phải trả phí tin tức cho hãng tin của Úc. 

Bộ trưởng Di sản của Canada Steven Guilbeault đã lên án hành động của Facebook và nói điều đó sẽ không làm Ottawa nhụt chí. Ông hiện là người phụ trách soạn thảo dự luật tương tự nước Úc và dự kiến sẽ trình nó lên trong những tháng tới.

“Canada đang ở trên tuyến đầu của cuộc chiến này… chúng tôi thực sự nằm trong nhóm các nước đầu tiên trên thế giới làm điều này,” ông nói với các phóng viên, theo Reuters.

Năm ngoái, các tổ chức truyền thông Canada đã cảnh báo rằng họ đang mất dần thị trường nếu chính phủ không hành động. Họ cho biết nếu Canada thực hiện luật giống như Úc, điều này sẽ  cho phép các nhà xuất bản lấy lại được 620 triệu đôla Canada mỗi năm. Họ cảnh báo, nếu không hành động, Canada sẽ mất 70o việc làm trong tổng số 3.100 việc của ngành báo in.

Ông Guilbeault nói Canada có thể áp dụng cách làm của Úc, theo đó yêu cầu Facebook và Google đạt thỏa thuận trả tiền cho các hãng tin được chia sẻ trên những nền tảng này; hoặc đồng ý với một mức giá qua phân xử trọng tài.

Một lựa chọn khác là làm theo nước Pháp, yêu cầu các nền tảng công nghệ lớn đàm phán công khai với các nhà xuất bản đang tìm cách đòi trả thù lao cho việc sử dụng nội dung tin tức.

“Chúng tôi đang làm việc để tìm mô hình nào thích hợp nhất,” ông đã phát biểu vào tuần trước với các đồng cấp Úc, Đức và Phần Lan về việc cùng phối hợp để bảo đảm đền bù công bằng cho nội dung trên trang web.

“Tôi hy vọng chúng ta sẽ sớm có 5, 10, 15 nước áp dụng các luật lệ tương tự… Facebook sẽ cắt đứt quan hệ với Đức, với Pháp ư?”  ông chất vấn, cho rằng đến một lúc nào đó cách tiếp cận của Facebook sẽ trở nên “hoàn toàn không bền vững.”

Giáo sư Đại học Toronto Megan Boler, chuyên về truyền thông xã hội, nói hành động của Facebook đã đánh dấu một bước chuyển, đòi hỏi cách tiếp cận quốc tế chung.

“Chúng ta có thể thực sự thấy một liên minh, một mặt trận thống nhất chống lại sự độc quyền này, nó có thể rất mạnh mẽ,” bà nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Tuần này, Facebook cho hay mảng tin tức chiếm không tới 4% nội dung mà mọi người xem trên nền tảng của họ. Facebook thậm chí còn cho rằng nhờ nền tảng của họ mà các hãng tin Úc đã kiếm thêm được khoảng 407 triệu đôla Úc vào năm ngoái. 

Google đã ký 500 thoả thuận trị giá khoảng một tỷ đôla qua với các hãng tin trên thế giới để sử dụng dịch vụ Giới thiệu Tin mới của họ trong vòng 3 năm, và hiện đang đàm phán với các công ty Canada.

Ông Gulbeault nói Google vẫn là chủ thể đối với luật mới của Canada, vì Ottawa muốn có một cách tiếp cận công bằng, minh bạch và có thể dự đoán được. 

“Điều đáng nói là liệu Google trong ngày mai, sáu tháng, hay một năm nữa có thay đổi ý định của họ và nói họ không muốn làm điều đó nữa hay không,” ông đặt câu hỏi.

Lauren Skelly, nữ phát ngôn của Google ở Canada, đã từ chối bình luận về nhận xét của ông Guilbeault, nói rằng công ty không biết chi tiết của dự luật.

Ngân Hà (theo Reuters)

Xem thêm: