Một video cho thấy những du khách Trung Quốc đã nhìn thấy một ông cụ bị ngã trên đường khi họ đang du lịch ở Nhật Bản. Lúc đó người qua đường và nhân viên siêu thị đều đến đỡ ông cụ dậy. Nhưng du khách Trung Quốc trên xe lại hét lên rằng: “không được đỡ ông ấy”, vì cho rằng ông lão định “ăn vạ” để lừa tiền.

p3321451a152794858
Một nhóm du khách Trung Quốc đến Nhật Bản du lịch, họ đã chứng kiến ​​cảnh một ông lão ngã xuống đường và hét lên “không được đỡ ông ấy”. (Ảnh: Twitter)

Tai nạn giao thông giả lừa gạt kiểu “ăn vạ” thường xảy ra ở Trung Quốc Đại Lục, khiến nhiều người Trung Quốc được giáo dục rằng “thêm một việc chi bằng bớt một việc” “chớ (giúp người mà) rước họa vào thân”, dẫn đến việc nhìn thấy có người bị thương trên đường, họ cũng không dám bước tới giúp, tạo thành một xã hội kỳ dị.

Video này được lan truyền trên mạng cách đây vài ngày. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, những du khách người Trung Quốc đang ngồi trên xe buýt tình cờ chứng kiến ​​cảnh một cụ già đang băng qua đường thì bị ngã nhào về phía trước.

Lúc đó, một người đi xe đạp lập tức dừng lại đỡ ông cụ dậy. Nhân viên bán hàng trong siêu thị gần đó cũng chạy ra dìu ông đứng lên.

Tuy nhiên, có vẻ như một em bé trên xe du khách Trung Quốc đã hét lên: “Không được đỡ ông ấy”. Lúc này, một bà lão đáp lại: “Khác với hoàn cảnh chỗ chúng ta”. Nhưng cậu bé vẫn hét lên: “Ông ấy sẽ ăn vạ, không được đỡ ông ấy dậy.”

Gần đây, video này đã gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc. Một số cư dân mạng Trung Quốc để lại lời nhắn:

“Đất nước này thật vô vọng!”

“Thật quá sốc!”

“Thật đáng xấu hổ!”

“Điều đó chỉ có thể chứng minh rằng xã hội của chúng ta rất nguy hiểm.”

“Lại là từ miệng của trẻ con.”

“Không được đỡ ông ấy dậy là vì có quá nhiều sự cố ở Trung Quốc, nhưng đừng nghĩ rằng thế giới này là Trung Quốc.”

“Nhìn như không thấy, với tâm thái ấy mà chỉ số hạnh phúc lại đứng đầu thế giới?”

(Nội dung tweet: “Cư dân mạng chia sẻ, một cụ già ở Nhật Bản bị ngã khi đang đi bộ. Cùng lúc đó, một du khách Trung Quốc đi ngang qua đã thốt lên: “Không được đỡ ông ấy dậy!”)

Nhiều cư dân mạng Twitter Nhật Bản cũng xem video này, một số người nói rằng họ rất ngạc nhiên và sốc trước những gì đứa trẻ nói trong video và quan niệm của cậu.

Ngoài ra, một số cư dân mạng Nhật Bản cũng suy đoán rằng có thể là do những “chuyện ăn vạ” như vậy liên tục xuất hiện trong xã hội Trung Quốc Đại Lục. Do đó, khi trẻ nhỏ nhìn thấy ai đó ngã trên đường, chúng đã có niềm tin chủ quan rằng mình đang bị lừa.

“Bí Ngô”, một YouTuber thường chia sẻ nhiều chuyện lạ, giải thích rằng vào năm 2006, “vụ án Bành Vũ” đã xảy ra ở Nam Kinh, Trung Quốc, gây chấn động dư luận.

Đương sự Bành Vũ (Peng Yu) chỉ ra rằng khi anh xuống xe buýt, thì phát hiện bà cụ Từ Thọ Lan bị ngã trước mặt mình, nên anh lập tức chạy đến đỡ bà dậy, và đưa bà đến bệnh viện để khám.

Nhưng bà Từ Thọ Lan lại cho rằng Bành Vũ đã va vào bà, và yêu cầu anh bồi thường chi phí y tế. Cả hai bên đều khăng khăng giữ ý kiến ​​​​của mình, nên thẩm phán đã phán quyết rằng Bành Vũ phải chịu 40% chi phí.

Thậm chí, trong bản phán quyết, Bành Vũ còn bị hỏi rằng: “Nếu không phải anh va vào bà ấy thì sao anh lại đỡ bà ấy dậy?” Vụ án này đã gây chấn động dư luận Trung Quốc.

“Bí Ngô” cho biết, kể từ sau vụ Bành Vũ, “những vụ tai nạn ăn vạ” ở Trung Quốc mọc lên như nấm sau mưa. Nhiều người vì muốn ngồi mát ăn bát vàng, nên cố tình đổ lỗi cho những người tốt bụng giúp đỡ họ bằng cách giả vờ ngã. Kết quả là sau này, ngay cả khi mọi người thấy rằng ai đó thực sự cần giúp đỡ, họ cũng sẽ chọn cách đứng nhìn vì sợ bị liên lụy.

Vì vậy, “những vụ tai nạn ăn vạ” đã hủy hoại nghiêm trọng lòng tin giữa con người với nhau, gây tổn hại lớn đến đạo đức xã hội. Kể từ sau vụ án Bành Vũ, các giá trị đạo đức của người dân Trung Quốc đã thụt lùi nghiêm trọng.