Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 21/6, thế giới ghi nhận thêm khoảng 240.934 ca mắc COVID-19 mới và 4.679 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 179.240.934 ca, trong đó có khoảng 3.884.679 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Manoej Paateel/Shutterstock)

Ngày 21/6, thế giới có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 91 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong do đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus corona.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 34.417.467 ca mắc và 617.411 ca tử vong. Ngày 21/6, Nhà Trắng công bố kế hoạch cung cấp 55 triệu liều vắc-xin COVID-19 còn lại trong tổng số 80 triệu liều vắc-xin mà Mỹ đã cam kết nhằm giúp đỡ các nước khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nhà Trắng cho biết khoảng 41 triệu trong số 55 triệu liều vắc-xin nói trên (tương đương 75%) sẽ được phân bổ cho các nước ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe, châu Á và châu Phi thông qua chương trình chia sẻ vắc-xin toàn cầu COVAX, trong khi 14 triệu liều còn lại (tương đương 25%) sẽ được chia sẻ cho “các khu vực ưu tiên”, bao gồm Colombia, Argentina, Iraq, Ukraine, Bờ Tây và Gaza.

Cụ thể, khoảng 14 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ được phân bổ cho khu vực Mỹ Latinh và Caribe, gồm Brazil, Argentina, Colombia, Peru, Ecuador, Paraguay, Bolivia, Uruguay, Guatemala, El Salvador, Honduras, Haiti và các quốc gia thuộc Cộng đồng Caribe (CARICOM), Cộng hòa Dominica, Panama và Costa Rica.

Khoảng 16 triệu liều cho châu Á, gồm Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Bhutan, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Lào, Papua New Guinea, Đài Loan, Campuchia và quần đảo Thái Bình Dương. Khu vực châu Phi sẽ được nhận 10 triệu liều vắc-xin và các nước sẽ được lựa chọn với sự phối hợp của Liên minh châu Phi (AU).

Châu Á đang được coi là khu vực có số ca mắc cao nhất thế giới. Với 75.858 ca mới trong 24 giờ qua, châu Á đã ghi nhận tổng cộng 54.555.314 ca mắc bệnh, trong đó có 768.590 ca tử vong. Châu Âu đứng thứ 2 với 47.481.947 ca mắc và 1.093.080 ca tử vong. Bắc Mỹ đứng thứ 3 với 40.342.355 ca mắc và 911.855 ca tử vong.

Tại Ấn Độ, nhằm đẩy mạnh chương trình tiêm chủng trong nước, chính phủ đã quyết định tiêm vắc-xin miễn phí cho tất cả những người trưởng thành. Theo đó, giới chức y tế thông báo đã mở rộng chương trình tiêm vắc-xin cho cả những người trưởng thành dưới 45 tuổi từ ngày 1/5, nhưng các bệnh viện nhà nước và tư nhân phải tự thu mua vắc-xin cho nhóm người trẻ tuổi này, dẫn đến tình trạng lộn xộn và thiếu hụt vắc-xin. Tuy nhiên sau đó, nhà chức trách tuyên bố sẽ mua 75% lượng vắc-xin và phân phối vắc-xin cho các bang để tiêm miễn phí cho người dân.

Ngày 21/6, bang Maharashtra của Ấn Độ đã ghi nhận 20 ca nhiễm biến thể mới của virus corona với tên gọi là B.1.617.2.1, là thể mới của biến thể được phát hiện trước đó tại Ấn Độ. Theo thông tin từ giới chức y tế địa phương, biến thể này có thể là một trong những nguyên nhân gây ra làn sóng dịch COVID-19 thứ hai tại Ấn Độ.

Trong những tháng gần đây, tốc độ tiêm vắc-xin COVID-19 tại Ấn Độ chậm đáng kể do thiếu vắc-xin và tâm lý e ngại của người dân dù nước này phải chật vật đối phó với làn sóng dịch bệnh bùng phát dữ dội trong tháng 4 và 5 vừa qua.

Đến nay, quốc gia Nam Á đã tiêm được 275 triệu liều vắc-xin, với chỉ 4% dân số được tiêm đủ liều. Chính phủ đặt mục tiêu tiêm chủng cho tất cả gần 1,1 tỷ người trưởng thành vào cuối năm nay.

Quốc gia láng giềng của Ấn Độ là Nepal đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa 1 tuần đến ngày 28/6 tới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, mặc dù có nới lỏng đáng kể một số quy định. Theo quy định mới, phương tiện cá nhân sẽ được được phép lưu hành theo quy định số chẵn-số lẻ và hầu hết các cửa hàng được mở cửa vào các ngày khác nhau trong tuần, trong đó các cửa hàng bách hóa lớn, trung tâm thương mại, cửa hàng bán đồ thể thao, may mặc, giầy dép, mỹ phẩm, quà tặng, sẽ được hoạt động trở lại vào các ngày thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hàng tuần.

Ấn Độ đã tiêm 8,5 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 trong ngày 21/6, mức cao nhất từ trước đến nay trong một ngày kể từ khi nước này khởi động chiến dịch tiêm chủng từ giữa tháng 1/2021.

Bộ Y tế Ấn Độ cho hay mức tăng đột biến này diễn ra trong ngày đầu tiên Ấn Độ triển khai giai đoạn phổ cập mới vắc-xin ngừa COVID-19 bắt đầu từ ngày 21/6. Theo đó, chính phủ sẽ mua 75% vắc-xin từ các nhà sản xuất và phân phối cho các bang để tiêm miễn phí cho toàn bộ người trưởng thành. Trước đó, Chính phủ Ấn Độ chỉ cung cấp vắc-xin miễn phí cho người từ 45 tuổi trở lên và các nhân viên tuyến đầu.

Chính sách tiêm chủng sửa đổi được đưa ra sau khi số liều vắc-xin tiêm hàng ngày bắt đầu giảm vào tháng 5. Từ ngày 11-20/5, trung bình chỉ có 1,57 triệu liều vắc-xin được tiêm mỗi ngày. Tốc độ tiêm chủng đã tăng lên 3,4 triệu liều/ngày trong khoảng thời gian từ ngày 11-20/6. Tuy nhiên, nếu Ấn Độ muốn hoàn thành mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho tất cả người trưởng thành vào cuối năm 2021, nước này cần tiêm 8,21 triệu liều/ngày.

Tính đến nay, 17,1% dân số trong gần 1,4 tỷ dân của Ấn Độ đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin COVID-19 và 3,7% dân số được tiêm đủ liều. Hiện số ca mắc COVID-19 mới tại Ấn Độ đang giảm mạnh, với việc ngày 21/6 chỉ ghi nhận 53.256 ca nhiễm mới, mức thấp nhất trong gần 3 tháng.

Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 21/6, các nước thuộc khối ASEAN ghi nhận thêm 29.711 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 88.400 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới do COVID-19: Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Myanmar.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: