Tại châu Âu, hàng loạt các cuộc biểu tình tại nhiều quốc gia đã nổ ra nhằm phản đối các biện pháp hạn chế phòng chống COVID-19 cũng như quy định bắt buộc tiêm vắc-xin và sử dụng thẻ thông hành xanh. Sự việc này diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại “lục địa già” đang diễn ra hết sức phức tạp dù có tỷ lệ tiêm chủng hàng đầu thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng dù số ca tăng mạnh nhưng vắc-xin vẫn có tác dụng. Tuy nhiên, chỉ mình vắc-xin có thể là chưa đủ, mà còn cần phải kết hợp với các biện pháp khác như đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách an toàn.  

châu Âu
(Ảnh minh họa: Par S. Pech/Shutterstock)

Cụ thể, có hàng chục nghìn người biểu tình đã tuần hành qua thủ đô Vienna hôm 20/11 sau khi chính phủ Áo tuyên bố phong tỏa trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 22/11 nhằm ngăn chặn số ca lây nhiễm COVID-19 tăng vọt.

Các cuộc biểu tình phản đối những biện pháp hạn chế dịch bệnh cũng diễn ra tại Thụy Sĩ, Croatia, Ý, Bắc Ireland và Hà Lan hôm 20/11, chỉ 1 ngày sau khi cảnh sát Hà Lan nổ súng vào những người biểu tình ở Rotterdam và khiến 7 người bị thương. Những người biểu tình đã tập trung để phản đối việc áp đặt các hạn chế virus corona và bắt buộc sử dụng thẻ thông hành COVID-19 ở nhiều nước châu Âu để có thể vào nhà hàng, khu chợ Giáng sinh hoặc các sự kiện thể thao, cũng như quy định bắt buộc tiêm chủng.

Tại Áo, việc phong tỏa diễn ra trong bối cảnh số ca tử vong trung bình hàng ngày tăng gấp 3 lần trong những tuần gần đây và các bệnh viện ở nhiều bang bị ảnh hưởng nặng nề đã cảnh báo rằng các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) sắp rơi vào tình trạng quá tải. Theo các quan chức, đợt phong tỏa này sẽ kéo dài ít nhất 10 ngày nhưng có thể lên tới 20 ngày. Mọi người sẽ chỉ có thể rời khỏi nhà vì những lý do cần thiết như mua hàng tạp hóa, đi khám bệnh hoặc tập thể dục. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng sẽ bắt buộc tiêm chủng bắt đầu từ ngày 1/2/2022.

Ở nước láng giềng Thụy Sĩ, có khoảng 2.000 người đã phản đối một cuộc trưng cầu dân ý sắp tới về việc có thông qua luật hạn chế COVID-19 của chính phủ hay không, khi cho rằng đó là hành vi phân biệt đối xử.

Tại Hà Lan, chỉ 1 ngày sau cuộc bạo động ở Rotterdam, hàng nghìn người đã tập trung tại Quảng trường Dam thuộ  trung tâm Amsterdam. Họ tuần hành một cách ôn hòa qua các con phố dưới sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát.

Tại Ý, khoảng 3.000 người đã đến rạp xiếc Maximus ở thủ đô Rome để phản đối việc bắt buộc sử dụng thẻ thông hành xanh COVID-19 được có thể đi làm, vào nhà hàng, rạp chiếu phim, rạp hát, địa điểm thể thao và phòng tập thể dục, cũng như lên tàu, xe buýt.

Bắc Ireland, vài trăm người phản đối hộ chiếu vắc-xin đã biểu tình bên ngoài tòa thị chính ở Belfast, nơi khu chợ Giáng sinh của thành phố mở cửa hôm 20/11, trong đó yêu cầu xuất trình bằng chứng tiêm chủng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 mới được vào.

Chính phủ Bắc Ireland đã bỏ phiếu trong tuần này nhằm đề xuất áp dụng quy định về xuất trình bằng chứng tiêm chủng để có thể vào các câu lạc bộ đêm, quán bar và nhà hàng bắt đầu từ ngày 13/12.

Một số người biểu tình đã bày tỏ sự phản đối và ví von các hạn chế COVID-19 với những hành động hà khắc dưới thời Đức Quốc xã.

Tại Croatia, hàng nghìn người đã tập trung tại thủ đô Zagreb để phản đối việc tiêm chủng và những gì họ mô tả là hạn chế quyền tự do của người dân.

Tại Pháp, những người biểu tình ở Guadeloupe đã đứng chật kín đường phố. Họ lên án việc bắt buộc sử dụng thẻ thông hành COVID-19 để có thể được vào nhà hàng và quán cà phê, địa điểm văn hóa, đấu trường thể thao. Họ cũng phản đối việc nước này bắt buộc tiêm vắc-xin cho các nhân viên y tế.

Theo AP,

Phan Anh

Xem thêm: