Gần đây, phóng viên chuyên tin Trung Quốc Jojje Olsson của Thụy Điển đã bị Đại sứ quán Trung Quốc đe dọa vì đưa tin về việc Trung Quốc tẩy chay thương hiệu Thụy Điển H&M. Đáp trả, hai đảng đối lập lớn ở Thụy Điển đã đưa ra yêu cầu trục xuất Đại sứ Quế Tùng Hữu (Gui Congyou) của Trung Quốc trú tại Thụy Điển.

Embed from Getty Images

Ngày 15/11/2019 Đại sứ Quế Tùng Hữu của Trung Quốc tại Thụy Điển đã nhận lời phỏng vấn của Đài SVT Thụy Điển (Nguồn: JONAS EKSTROMER/TT News Agency/AFP/Getty Images).

Nguồn tin dẫn Expressen của Thụy Điển cho biết, ngày 8/4, nhà báo tự do Jojje Olsson đã nhận được email từ Đại sứ quán Trung Quốc yêu cầu ông ngừng đưa tin chỉ trích Trung Quốc và cáo buộc ông âm mưu thúc đẩy Đài Loan độc lập và lan truyền thông tin sai trái khơi dậy tình cảm chống Trung Quốc, lên án ông bất lương và băng hoại đạo đức, sẽ phải đối mặt với hậu quả của hành động gây ra. Tờ Expressen cũng đang tìm đến bộ phận chính trị của Đại sứ quán Trung Quốc để hỏi nếu tiếp tục đưa tin về Trung Quốc như vậy thì hậu quả mà Jojje Olsson sẽ phải đối mặt là gì.

Giới quan sát chỉ ra, không ngạc nhiên trong chuyện phóng viên Jojje Olsson nhận được email hăm dọa từ cơ quan chức năng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vì thực tế họ cũng đã nhiều lần yêu cầu ông ngừng chỉ trích Trung Quốc. Tuy nhiên, lần này khác là giọng điệu email mang tính đe dọa nhiều hơn.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Đại sứ Quế Tùng Hữu gây áp lực với giới chính trị và phóng viên Thụy Điển.

Đáp lại, hai đảng đối lập lớn gồm Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và Đảng Dân chủ Thụy Điển đã mạnh mẽ phản đối.

Người phát ngôn Markus Wiechel của Đảng Dân chủ Thụy Điển cho biết hành vi kiểu uy hiếp như vậy của ông Đại sứ Quế Tùng Hữu nhắm vào giới phóng viên và chính khách Thụy Điển đã kéo dài nhiều năm, biểu hiện vô văn hóa không thể chấp nhận được. Từ năm 2019, Đảng Dân chủ của Thụy Điển đã xếp ông Quế Tùng Hữu vào danh sách “nhân vật không được hoan nghênh”. Hành vi của ông Quế làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước, khiến tình trạng của người Hoa ở Thụy Điển ngày càng trở nên tồi tệ.

Còn người phát ngôn ngoại giao Lars Adaktusson của Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo Thụy Điển thì nhận định biểu hiện của ông Quế Tùng Hữu là đáng sợ, nên được liệt vào danh sách những nhân vật không được chào đón.

Như vậy cả hai Đảng lớn của Thụy Điển đều muốn trục xuất ông Quế Tùng Hữu.

Tuy nhiên, phía Bộ Ngoại giao Thụy Điển lại cho thấy chưa sẵn sàng như vậy, nhấn mạnh đã nhiều lần chỉ ra với Đại sứ Trung Quốc rằng quyền tự do ngôn luận của Thụy Điển được Hiến pháp đảm bảo, do đó các phóng viên có quyền làm việc tự do, Trung Quốc nên tôn trọng điều đó, họ không thể chấp nhận những lời đe dọa từ Đại sứ quán.

Phía Chính phủ Thụy Điển khuyến khích đối thoại và trao đổi sâu rộng với Trung Quốc, nhấn mạnh rằng các hành động của đại sứ Trung Quốc không giúp gì trong cải thiện quan hệ song phương giữa Thụy Điển và Trung Quốc, đe dọa như vậy chỉ phản tác dụng.

Trước yêu cầu trục xuất Đại sứ Trung Quốc Quế Tùng Hữu từ các đảng đối lập, vừa qua Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde nói với tờ Expressen rằng Thụy Điển sẽ không trục xuất Đại sứ Trung Quốc. Thụy Điển sẽ không thể hiện thái độ chính trị bằng cách trục xuất Đại sứ vì mong muốn duy trì các kênh đối thoại, chỉ khi đảm bảo được nhiều hơn các kênh liên lạc thì mới giúp hai nước không ngừng thúc đẩy đối thoại để hiểu nhau hơn trong các vấn đề bất đồng.

Như đã biết, cáo buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương kéo theo một số thương hiệu quốc tế ngừng hợp tác mua bông Tân Cương, còn truyền thông nhà nước Trung Quốc đáp lại bằng cách kích động người dân tẩy chay các công ty phương Tây từ chối sử dụng bông Tân Cương, bắt đầu với thương hiệu thời trang Thụy Điển H&M và sau đó lan rộng đến các thương hiệu nổi tiếng như Adidas và Nike…  

Vương Quân, Vision Times

Xem thêm: