Hôm thứ Hai (15/2, giờ địa phương), vài giờ sau khi lực lượng an ninh Myanmar nổ súng để giải tán một cuộc biểu tình ở miền bắc nước này, Chính quyền quân sự Myanmar đã cắt dịch vụ internet và triển khai binh lính khắp đất nước, cho thấy dấu hiệu của một cuộc đàn áp đáng sợ đối với các cuộc biểu tình chống đảo chính.

Embed from Getty Images

Chính quyền quân sự Myanmar gần đây đã gia tăng các nỗ lực nhằm dập tắt chiến dịch bất tuân dân sự đang bùng phát khắp đất nước đòi hỏi sự trở lại của nhà lãnh đạo quốc gia bị quân đội lật đổ, bà Aung San Suu Kyi.

Hôm thứ Hai (15/2), internet đã bị cắt ngay sau khi các hình ảnh phát trực tiếp được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội cho thấy các phương tiện quân sự và binh lính đang di chuyển qua một số vùng của nước này.

Tổ chức giám sát Netblocks cho biết “việc ngắt thông tin do nhà nước ra lệnh” đã khiến Myanmar hầu như cách biệt hoàn toàn với bên ngoài.

Các binh sĩ ở Myikyina đã bắn hơi cay, sau đó bắn vào một đám đông tụ tập tại một thành phố phía bắc Myanmar để ngăn chặn việc cắt điện được đồn đại.

Một nhà báo ở hiện trường cho biết không rõ cảnh sát đã sử dụng đạn cao su hay đạn thật.

Các hãng truyền thông địa phương cho biết ít nhất năm nhà báo theo dõi cuộc biểu tình đã bị bắt giữ, đồng thời các hãng tin này đã đăng hình ảnh một số người bị thương trong vụ biểu tình.

Tuyên bố chung của các đại sứ Mỹ, Anh và Liên minh châu u yêu cầu lực lượng an ninh Myanmar không được làm hại dân thường.

Các đại sứ nói: “Chúng tôi yêu cầu lực lượng an ninh [Myanmar] kiềm chế bạo lực chống lại những người biểu tình vốn đang phản đối việc lật đổ chính phủ hợp pháp của họ.”

Đại sứ Mỹ khuyến cáo công dân Mỹ nên trú ẩn tại chỗ và không nên mạo hiểm bất chấp lệnh giới nghiêm suốt đêm do chính quyền quân sự Myanmar áp đặt.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc Tom Andrews cho biết những nỗ lực của chính quyền quân sự Myanmar nhằm kiềm chế phong trào biểu tình đang lan rộng nhanh chóng khắp nước này là một dấu hiệu của “sự tuyệt vọng” và chẳng khác gì với một lời tuyên chiến chống lại chính người dân của mình.

Ông viết trên Twitter: “Các tướng lĩnh chú ý: các ông sẽ phải chịu trách nhiệm.”

Sự náo động của quốc gia

Phần lớn đất nước Myanmar đã trở nên náo động kể từ khi quân đội bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và các đồng minh chính trị hàng đầu của bà, chấm dứt một nền dân chủ non trẻ mới được một thập kỷ sau nhiều thế hệ dưới sự cầm quyền của chính quyền quân sự.

Bà Aung San Suu Kyi, người đoạt giải Nobel Hòa bình đã trải qua nhiều năm bị quản thúc tại gia trong thời gian cầm quyền của chế độ độc tài quân sự trước đó, đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi bà bị bắt giữ vào ngày 1/2, giữa lúc internet bị cắt trước đó.

Việc ngắt internet vào cuối tuần trước không thể dập tắt sự phản kháng khi các đám đông khổng lồ tập trung tại các trung tâm đô thị lớn và tại các ngôi làng biệt lập ở biên giới.

Nhóm giám sát của Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị cho biết các công nhân nổi bật dẫn đầu chiến dịch bất tuân dân sự nằm trong số ít nhất 400 người đã bị bắt giữ kể từ sau cuộc đảo chính.

Tuy nhiên, nỗi lo sợ bị bắt giữ đã không ngăn cản được đám đông lớn quay trở lại đường phố trên khắp đất nước trong ngày thứ 9 liên tiếp của cuộc biểu tình trên đường phố vào hôm Chủ Nhật (14/2).

Tại thành phố Dawei nằm ở phía nam Myanmar, bảy nhân viên cảnh sát đã rời bỏ hàng ngũ để tham gia vào nhóm biểu tình chống đảo chính. Các bài báo của truyền thông địa phương đã phản ánh tình trạng đào tẩu rời khỏi lực lượng chấp pháp trong những ngày gần đây.

Nhiều vùng của nước này trong những ngày qua đã thành lập các đội canh gác khu phố để giám sát cộng đồng của họ và ngăn chặn việc bắt giữ những cư dân tham gia phong trào bất tuân dân sự.

Anh Myo Ko Ko, một thành viên của đội tuần tra đường phố ở Yangon, cho biết: “Chúng tôi không tin bất kỳ ai vào lúc này, đặc biệt là những người mặc đồng phục.”

Gần ga xe lửa trung tâm của thành phố, người dân đã lăn những thân cây xuống đường để chặn xe cảnh sát và ngăn cản các nhân viên cảnh sát đang cố gắng đưa các nhân viên đường sắt đang đình công trở lại làm việc.

Quốc tế lên án

Ban lãnh đạo quân sự mới của Myanmar cho đến nay vẫn không bị lay chuyển trước làn sóng lên án của quốc tế.

Một phiên họp khẩn của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu (12/2) đã yêu cầu chính quyền quân sự mới của Myanmar trả tự do cho tất cả những người “bị giam giữ tùy tiện” và yêu cầu quân đội Myanmar trao lại quyền lực cho chính quyền của bà Suu Kyi.

Chính quyền quân sự Myanmar khẳng định họ đã nắm quyền một cách hợp pháp và chỉ thị các nhà báo trong nước không được đề cập họ như một chính phủ lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính.

Chính quyền quân sự cũng chỉ thị các nhà báo tại Myanmar “không được viết để gây ra bất ổn trong công chúng” trong khi đưa tin về các sự kiện tại nước này.

Gia Huy (Theo AFP)

Xem thêm: