Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã hòa giải thành công thêm một thỏa thuận hòa bình lịch sử nữa sau hiệp định hòa bình Israel – UAE.  Hôm thứ Sáu (4/9), Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić và Thủ tướng Kosovo Avdullah Hoti đã ký một thỏa thuận tại Tòa Bạch Ốc, theo đó hai bên sẽ thiết lập mối quan hệ kinh tế mới.

Embed from Getty Images

Theo One America News Networks (OAN), Tổng thống Trump cũng đã ký một tài liệu làm chứng. Các thành viên chính quyền Trump như cố vấn an ninh Robert O’Brien, cố vấn Jared Kushner và cựu quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia Richard Grenell cũng đã có mặt trong sự kiện lịch sử này.

Thêm một ngày khác mọi người đã nghĩ sẽ là không thể! Chúc mừng Aleksandar Vučić của Serbia và Thủ tướng Avdullah Hoti của Kosovo về việc thực hiện bình thường hóa quan hệ kinh tế. Đây là một bước lớn hướng tới đem lại sự thịnh vượng và hòa bình cho khu vực Balkans và toàn thế giới. Tôi tự hào đã hỗ trợ những lãnh đạo này”, Tổng thống Trump nói.

Ông Grenell, cựu quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia và hiện là đặc phái viên Mỹ tại Serbia và Kosovo, đã nói rằng thỏa thuận này sẽ đặt dấu chấm hết cho nhiều thập kỷ chiến tranh. Ông cũng đã gọi cuộc xung đột Serbia – Kosovo là ác mộng.

Serbia và Kosovo đã dính vào một cuộc xung đột kéo dài từ sau khi Nam Tư tan rã năm 1989. Cuộc xung đột này thậm chí đã khiến NATO phải can thiệp vào năm 1999. Mỹ và NATO năm 1999 đã tiến hành chiến dịch ném bom vào các vị trí chiến lược tại Serbia để kết thúc việc tổng thống Serbia tiến hành hoạt động thanh trừng sắc tộc tại Kosovo.

Trong cuộc họp báo sau buổi ký kết tại Tòa Bạch Ốc, ông Grenell đã chia sẻ về cách Tổng thống Trump đã bác bỏ ý tưởng sử dụng đối thoại chính trị trong cuộc đàm phán này. Thay vào đó, ông Trump đã đề nghị các cuộc đàm phán giữa Serbia và Kosovo nên bắt đầu bằng các cuộc thảo luận về kinh tế.

Nếu chúng ta đã thực hiện công việc chính trị đặc trưng, nghe theo tất cả những con người rất thông minh tại của các tổ chức phi chính phủ và các nhóm tư vấn tại Washington D.C, thì chúng ta sẽ không có được thỏa thuận này”, ông Grenell nói.

Tuy nhiên, theo Axios, Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić đã nói với truyền thông trong nước rằng ông đã ký một thỏa thuận song phương với Mỹ, không phải với Kosovo.

Cũng theo Axios, ông Grenell trong buổi họp báo đã bày tỏ rõ ràng rằng Serbia và Kosovo đã ký các văn bản riêng rẽ nhưng nội dung giống hệt nhau, đồng thời ông Trump đã ký một văn bản thứ ba bày tỏ sự phê duyệt của ông về đề xướng bình thường hóa kinh tế Serbia và Kosovo.

Cố vấn an ninh Robert O’Brien giải thích thêm rằng Serbia và Kosovo sẽ đóng băng các chiến dịch không công nhận nhau trong vòng một năm để cung cấp “khoảng trống” cho các cuộc đàm phán về vấn đề này.

Ngoài ra, trong hội nghị lịch sử tại Tòa Bạch Ốc, chính quyền Trump còn đạt được một thành công khác khi cả Serbia và Kosovo đều thông báo củng cố và thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.

Kosovo, với 96% dân số theo Hồi giáo, đã loan báo họ sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao với nhà nước Do Thái Israel. Các quan chức Kosovo có kế hoạch sẽ bắt đầu tiến trình này bằng việc đặt đại sứ quán tại thành phố Jerusalem.

Serbia với đa số dân theo Công giáo chính thống, cũng sẽ chuyển đại sứ quán của họ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem.

Những thỏa thuận hòa bình nêu trên là một phần trong chiến dịch của Mỹ nhằm thúc đẩy cải thiện mối quan hệ giữa Israel với các quốc gia Hồi giáo khắp thế giới.

Theo Axios, Israel đã phát đi tuyên bố nói rằng Kosovo sẽ thành lập đại sứ quán tại Jerusalem, đưa họ trở thành quốc gia đa số dân Hồi giáo đầu tiên trên thế giới đặt cơ quan ngoại giao tại Jerusalem.

Theo AP, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang theo đuổi việc hòa giải mối quan hệ giữa Serbia và Kosovo song song với tiến trình của chính quyền Trump. Ông Vučić và ông Hoti dự kiến sẽ cùng tới Brussels, Bỉ nơi đặt trụ sở của EU vào ngày thứ Hai (6/9) để tiếp tục đàm phán.

Xuân Thành