Kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền Biden đã tăng cường liên lạc với các đồng minh, cùng ứng phó với những thách thức của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tuy nhiên, sự mơ hồ về một số chính sách cụ thể với Trung Quốc đã khiến đảng Cộng hòa đặt câu hỏi, liệu họ có tiếp tục đường lối cứng rắn của chính quyền Trump đối với ĐCSTQ hay không.

unnamed
Joe Biden và Tập Cận Bình (Ảnh: china-embassy.org)

Chính quyền Biden có quan điểm cứng rắn về các vấn đề Biển Đông, đoàn kết các đồng minh, duy trì an ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương

Tối 27/1, Ngoại trưởng Blinken đã điện đàm với ông Locsin, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines đối với an ninh của hai nước. Đồng thời cho biết hiệp ước này được áp dụng khi các lực lượng vũ trang, tàu chính phủ và máy bay của Philippines đang bị tấn công vũ trang ở Thái Bình Dương. Ông nói rằng điều này bao gồm cả Biển Đông. Đây là quan điểm rõ ràng và cứng rắn nhất từ ​​trước đến nay của chính quyền mới nhậm chức được một tuần của ông Biden về vấn đề Biển Đông.

Cuối tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi tuyên bố rằng, quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi áp dụng của Điều 5 trong “Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật”, Hoa Kỳ tiếp tục phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.

Bắc Kinh gọi quần đảo Senkaku là quần đảo Điếu Ngư thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Đồng thời thường đưa tàu và máy bay của chính phủ vào vùng biển và vùng trời gần quần đảo này.

Ông Blinken đã gọi điện riêng cho ngoại trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc vào ngày 26/1, khẳng định tầm quan trọng của liên minh Mỹ – Nhật và liên minh Mỹ – Hàn đối với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Ngày 26/1, Bộ trưởng Quốc phòng mới được bổ nhiệm Austin đã nói chuyện với ông Reynolds, Bộ trưởng Quốc phòng Australia, nhắc lại sự ủng hộ của ông đối với việc ứng phó trước các thách thức an ninh ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương theo cách tương tự. Trước đó, ông Austin đã nói chuyện với các bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Hàn Quốc, xác nhận một mối quan hệ đồng minh bền chặt.

Ngày 27/1, quân đội ĐCSTQ đã bắt đầu hàng loạt cuộc tập trận ở Biển Đông. Động thái này được coi là một phép thử của ĐCSTQ đối với lập trường về Biển Đông của chính quyền Biden.

Cuối tuần trước, đội tác chiến USS Roosevelt đã tiến vào Biển Đông. Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố rằng điều này nhằm đảm bảo quyền tự do trên biển, củng cố mối quan hệ đối tác, thúc đẩy an ninh hàng hải, đồng thời trấn an các đồng minh và đối tác.

Sửa chữa quan hệ với Liên minh Châu Âu, hợp tác với Trung Quốc

Ngày 28/1, ông Blinken đã nói chuyện với ông Borrell, Đại diện Cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh của EU, nhằm sửa chữa quan hệ với EU và cùng đối phó với những thách thức mà cả hai bên phải đối mặt. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập cụ thể rằng, hai bên nhất trí tiếp tục điều tiết chính sách về Trung Quốc.

Nhưng tuyên bố của EU không đề cập đến Trung Quốc. “Đại diện cấp cao và Ngoại trưởng Blinken nhất trí cùng nỗ lực tăng cường chủ nghĩa đa phương và một hệ thống toàn cầu dựa trên luật lệ. Việc Hoa Kỳ quay trở lại “Hiệp định Paris” và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được hoan nghênh. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực này. Họ cũng thảo luận về một một loạt các ưu tiên và thách thức về chính sách Ngoại giao và An ninh“, tuyên bố cho biết.

Vào cuối tuần đầu tiên sau khi nhậm chức, ông Biden đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo trong đồng minh châu Âu, bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ về các ưu tiên chính sách đối ngoại mà các bên cùng quan tâm, và ưu tiên hàng đầu việc cần đối phó với ĐCSTQ như thế nào.

Vài tuần trước khi ông Biden nhậm chức, Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận đầu tư trên diện rộng với Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của Mỹ. Hiệp định Đầu tư EU-Trung Quốc phải chờ Nghị viện các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu và Nghị viện Châu Âu thông qua.

Liệu ông Biden có tiếp tục đường lối cứng rắn với Trung Quốc hay không, “hãy chờ xem”

Mặc dù chính quyền Biden liên tục đưa ra các thông điệp kể từ khi nhậm chức, rằng có thể tiếp tục đường lối cứng rắn của chính quyền Trump đối với ĐCSTQ. Tuy nhiên, sự mơ hồ của các quan chức đương nhiệm và sắp kế nhiệm ​​về các chính sách lớn đối với Trung Quốc, đã khiến một số đảng viên Cộng hòa đặt dấu hỏi, liệu chính quyền mới có kiên quyết phản ứng trước sự uy hiếp của ĐCSTQ hay không.

Đầu tiên là lập trường đối với Huawei. Chính quyền Trump đã đưa ra một loạt hạn chế đối với ‘gã khổng lồ’ viễn thông Trung Quốc Huawei vì lý do an ninh quốc gia. Ví dụ, Huawei đã được đưa vào Danh sách thực thể (bị chế tài) của Bộ Thương mại năm 2019, nhằm hạn chế ảnh hưởng của Huawei đối với các công nghệ và sản phẩm quan trọng của Hoa Kỳ.

Ngày 25/1, khi phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki được hỏi, liệu chính phủ mới có tiếp tục chính sách hạn chế, chống lại Huawei hay không, cô đã không trả lời trực tiếp mà nói: “Chúng ta phải tiến hành các biện pháp phòng vệ tốt hơn. Điều này phải bao gồm cả việc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về sự không công bằng và các hành động phi pháp của mình, đảm bảo rằng công nghệ của Mỹ sẽ không tạo điều kiện cho việc xây dựng quân đội của Trung Quốc.”

Ngày 26/1, bà Gina Raimondo, ứng cử viên của ông Biden cho vị trí Bộ trưởng Thương mại, đã được Thượng nghị sĩ Cruz hỏi tại phiên điều trần xác nhận của Thượng viện rằng, liệu bà có thể hứa sẽ tiếp tục đưa Huawei vào danh sách các thực thể của Bộ Thương mại hay không. Bà Raimondo đã không đưa ra cam kết. Bà ấy nói rằng mình sẽ đưa ra một quyết định có lợi cho Hoa Kỳ sau khi tìm hiểu và tham khảo các ý kiến.

Ngày 27/1, ông McCaul, lãnh đạo đảng Cộng hòa của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đã đưa ra một tuyên bố, kêu gọi các đồng nghiệp tại Thượng viện không chấp thuận việc bổ nhiệm bà Raimondo, cho đến khi chính quyền Biden làm rõ, liệu có giữ Huawei trong danh sách các thực thể bị chế tài của Bộ Thương mại hay không.

Ông McCaul nói: “Huawei không phải là một công ty viễn thông bình thường. Đây là một công ty quân đội của ĐCSTQ, gây nguy hiểm cho an ninh của hệ thống thông tin di động 5G của đất nước chúng ta, ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và ủng hộ cuộc diệt chủng của ĐCSTQ ở Tân Cương và vi phạm nhân quyền ở khắp mọi nơi tại Trung Quốc.”

Tại phiên điều trần xác nhận của Thượng viện vào tuần trước và cuộc họp báo ngày 27/1, Ngoại trưởng Blinken đã đồng ý với kết luận của ông Pompeo, rằng ĐCSTQ đã thực hiện tội ác diệt chủng ở Tân Cương. Tuy nhiên, bà Thomas-Greenfield, đại diện thường trực của Hoa Kỳ do ông Biden đề cử, cho biết hôm thứ Tư rằng, Bộ Ngoại giao vẫn đang đánh giá nhận định này của chính quyền Trump.

Thượng nghị sĩ Marc Rubio nói với Fox vào ngày 27/1 rằng, ông lo lắng các thành viên nội các của ông Biden chỉ cứng rắn với ĐCSTQ để được bổ nhiệm, nhưng cuối cùng họ sẽ không hành động. Ông cũng tuyên bố rằng, “Quốc hội phải chú ý” đến việc liệu chính quyền Biden có tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc hay không, “chúng ta hãy chờ xem”.

Ông nói rằng, thái độ của Đảng Dân chủ đối với vấn đề ĐCSTQ hiện đã thay đổi, nhưng nhiều người vẫn bám vào nhận thức của họ trong quá khứ.

“Vẫn còn một lượng lớn những người [đảng viên Dân chủ] ở Washington. Họ là những người kiên trì và theo đuổi tư tưởng trong quá khứ [về chính sách đối với Trung Quốc]. Họ nghĩ rằng, Trung Quốc là một nước nghèo, một khi trở nên giàu có, họ sẽ giống chúng ta hơn,” ông nói.

Cựu tổng thống Trump đã ban hành một số lệnh hành pháp, tuyên bố rằng, Huawei, ByteDance, công ty mẹ của TikTok và Tencent thuộc sở hữu của WeChat, có thể lấy và cung cấp thông tin, dữ liệu của công dân và tổ chức Mỹ cho Bắc Kinh, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ và ra lệnh cho Bộ thương mại trừng phạt các công ty này.

Tiêu Nhiên, Vision Times

Xem thêm: