Ông James Gorrie, tác giả cuốn sách “The China Crisis” (Khủng hoảng Trung Quốc), nói rằng các học viên Pháp Luân Công sẽ có đóng góp lớn trong việc chấm dứt sự cai trị của ĐCSTQ.

id13971409 LDB0108 700x420 600x400 1
Ngày 2/10/2022, học viên Pháp Luân Công diễu hành ở Brooklyn, thành phố New York, kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại của ĐCSTQ. (Ảnh: Trương Tĩnh Sơ / Epoch Times)

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với NTDTV, ông Gorrie nói: “Tất cả những điều xấu xa trong lịch sử, mọi chế độ – dù xấu hay tốt – đều có khởi đầu và kết thúc. Do đó, từ góc độ lịch sử, chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ biến mất. Tôi nghĩ rằng Pháp Luân Công sẽ đóng một vai trò quan trọng (trong quá trình diệt vong của ĐCSTQ)”.

Ông Gorrie cho biết, chính quyền Trung Quốc coi Pháp Luân Công hoặc “bất kỳ thực thể nào có thẩm quyền vượt trên chính phủ” là một mối đe dọa. Ông nói thêm: “Đừng nhầm lẫn, tôn giáo nhà nước của Trung Quốc là chủ nghĩa Mác ‘mang đặc sắc Trung Quốc’, về bản chất là tàn hại nhiều sinh mạng hơn.”

Cuộc đấu tranh lịch sử vĩ đại

Ông Gorrie cũng đề cập đến sự kiện “thỉnh nguyện ôn hòa vạn người” của Pháp Luân Công vào ngày 25/4/1999. Vào ngày này, khoảng 10.000 học viên Pháp Luân Công đã đến Cục Thỉnh nguyện Quốc gia ở Bắc Kinh theo quy định của pháp luật, kêu gọi chính quyền trả tự do cho 45 học viên Pháp Luân Công bị bắt ở Thiên Tân vào ngày 23 và 24/4/1999.

Tháng 4 năm đó, “Thanh Thiếu Niên Bác Lãm”, một tạp chí quốc gia, đã đăng bài do ông Hà Tộ Hưu, anh rể của Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương ĐCSTQ viết, phỉ báng Pháp Luân Công. Tiếp đó, cảnh sát chống bạo động Thiên Tân đã đánh đập và bắt bớ tùy tiện những học viên Pháp Luân Công đến tòa soạn phản đối tạp chí này.

Trên thực tế, từ tháng 6/1996, khi Ban Tuyên giáo của ĐCSTQ hạ lệnh yêu cầu chính quyền các cấp chỉ trích Pháp Luân Công, nhiều vụ sách nhiễu học viên Pháp Luân Công đã liên tục xảy ra.

Ngày 25/4/1999, ông Chu Dung Cơ, khi đó là Thủ tướng Quốc vụ viện ĐCSTQ, đã rời khỏi Trung Nam Hải, đến gặp gỡ các học viên Pháp Luân Công đang thỉnh nguyện. Sau khi hai bên đạt được giải pháp (hòa bình), các học viên Pháp Luân Công đã lặng lẽ giải tán.

Tuy nhiên, chưa đầy 3 tháng sau, tức ngày 20/7/1999, ông Giang Trạch Dân, lãnh đạo của ĐCSTQ khi đó, đã chính thức phát động chiến dịch bức hại tàn bạo các học viên Pháp Luân Công trên toàn quốc, chiến dịch này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Ông Gorrie nói rằng mặc dù cuộc thỉnh nguyện của Pháp Luân Công vào tháng 4 năm đó diễn ra ôn hòa, nhưng cuối cùng chính quyền ĐCSTQ đã quyết định đàn áp, vì lo sợ nhóm này sẽ “thu hút sự chú ý của quốc tế, khiến (các nhóm khác) làm theo, đoạt chính quyền, và lớn mạnh hơn.”

Ông nói: “Chính phủ không nên sợ hãi người dân. Nhưng ĐCSTQ đã gây chiến với người dân Trung Quốc trong một thời gian dài, vì vậy điều mà họ sợ nhất là chính người dân của mình”.

Ông cũng trích dẫn một báo cáo từ Financial Times rằng so với hơn một thập kỷ trước, việc phân bổ kinh phí của Trung Quốc cho các cơ quan an ninh quốc gia đã vượt quá ngân sách quốc phòng.

Báo cáo được công bố vào năm 2018 cho biết, ngân sách an ninh quốc gia của ĐCSTQ cao hơn gần 20 điểm phần trăm so với ngân sách quốc phòng. Báo cáo cũng cho biết, năm 2010, ngân sách an ninh quốc gia của ĐCSTQ lần đầu tiên vượt ngân sách quốc phòng. Trước đó, tháng 7/2009, một cuộc đổ máu quy mô lớn đã nổ ra ở Urumqi, thủ phủ của Tân Cương.

Ông Gorrie nói rằng để biện minh cho cuộc đàn áp của mình, ĐCSTQ “đã làm những gì mà các chế độ độc tài, chế độ toàn trị và chế độ bất hợp pháp thường làm. Đó là dựng lên một kẻ thù tưởng tượng, hoặc bịa đặt một sự kiện, sau đó mô tả họ đang ‘vây hãm’, ‘nổi loạn’, hay ‘bạo loạn’.”

Ông tin rằng sự phản kháng của các học viên Pháp Luân Công rất đáng khâm phục, giống như “một chồi xanh vượt qua sự đàn áp và bức hại cứng như một tấm bê tông.”

“Về lâu về dài, tôi nghĩ đây là một chuyện rất tích cực, một nhà lãnh đạo tuyệt vời, một người tiên phong trong cuộc đấu tranh cho tự do và quyền biểu đạt của con người,” ông nói.

James Gorrie
(Ảnh ghép: James Gorrie)

Cuộc chiến chính tà trong lĩnh vực tâm linh

Ông Gorrie nói rằng Pháp Luân Công đã được hoan nghênh ở hơn 100 quốc gia, hoàn toàn trái ngược với cuộc bức hại của ĐCSTQ. Điều này cho thấy một cuộc chiến chính tà đang diễn ra trong cõi tâm linh của con người.

“Hầu hết mọi người đều muốn một xã hội dựa trên các nguyên tắc công bằng, kiềm chế, khiêm tốn và bình đẳng.”

Ông cũng nói rằng ĐCSTQ đã làm rất nhiều chuyện xấu xa ở Trung Quốc. Vì vậy, khi mọi người được truyền cảm hứng bởi lòng dũng cảm mà đạn dược và nhà tù không thể dập tắt, nỗi sợ hãi của ĐCSTQ sẽ tăng lên. “Cho nên đương nhiên họ là sợ. Nói thật, chế độ không được (người dân) thừa nhận sẽ sợ đủ thứ, còn chế độ được công nhận thì không sợ người dân.”

Ông nói rằng những nỗ lực tổng thể của các học viên Pháp Luân Công, nhằm chống lại sự bôi nhọ và bức hại của ĐCSTQ, cũng như đấu tranh chống lại sự tà ác và bạo ngược là những hành động vĩ đại mang tính lịch sử, rất đáng ngưỡng mộ.

“Họ sẽ tiếp tục đóng một vai trò to lớn trong tương lai. Bởi vì Trung Quốc (ĐCSTQ) càng bức hại họ, thì hình ảnh của ĐCSTQ trong cộng đồng quốc tế càng xấu đi.”

“Các học viên Pháp Luân Công đang truyền bá Nho giáo, và văn hóa (truyền thống) sâu sắc hàng ngàn năm tuổi của Trung Quốc. Những tinh túy này phần lớn đã bị (ĐCSTQ) hủy hoại. Có thể nhiều người đã quên chúng, nhưng chúng vẫn được một số người tiếp nối. Tôi nghĩ rằng các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đang nhắc nhở mọi người coi trọng các giá trị truyền thống.

Những người đấu tranh ôn hòa này thể hiện sự kiềm chế, kỷ luật tự giác và sự khiêm tốn phi thường trong cách họ hành xử, tất cả đều xuất phát từ trái tim, khiến mọi người phải kinh ngạc. Pháp Luân Công chứa đựng những đức tính tuyệt vời, và là một sức mạnh rất quan trọng ở Trung Quốc, đặc biệt là vào lúc này.”

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện tinh thần dựa trên nguyên tắc đạo đức cốt lõi “Chân Thiện Nhẫn”, gồm thiền định và các bài công pháp khác. Pháp Luân Công đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc vào những năm 1990, ước tính có khoảng 70 triệu đến 100 triệu học viên vào thời kỳ đỉnh cao.

Số lượng các học viên Pháp Luân Công đông đảo đã khiến chính quyền ĐCSTQ sợ hãi và lo lắng rằng chế độ độc tài của họ sẽ bị đe dọa. Ngày 20/7/1999, các nhà chức trách đã phát động một cuộc đàn áp toàn diện đối với Pháp Luân Công, nhằm mục đích xóa bỏ môn tập luyện này.

Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Công, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động và các cơ sở khác. Hàng trăm nghìn người trong số họ đã bị tra tấn trong quá trình giam giữ.

Hannah Ng và Tiffany Meier / Epoch Times