Có cảnh báo cho rằng vấn đề nghiêm trọng của vụ việc leo thang xung đột Nga – Ukraine chính là tiềm ẩn nguy cơ Nga ngày càng thân cận với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hơn.

Embed from Getty Images

Cảnh người biểu tình ngày 24/2/2022 ở Berlin nước Đức phản đối việc Nga xâm lược Ukraine, cầm biểu ngữ “Ai sẽ ngăn cản Putin?” (Nguồn: Hannibal Hanschke / Getty).

Lúc 5:30 sáng ngày 24/2, Tổng thống Nga Putin đã có một bài phát biểu đặc biệt trên truyền hình thông báo rằng Nga sẽ phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Trước đó, ông Putin đã ký sắc lệnh chính thức công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine, sau đó bắt đầu các hoạt động quân sự tiếp theo. CNN đưa tin, theo một đoạn video do lực lượng biên phòng Ukraine công bố, quân đội Nga đã tiến vào Ukraine thông qua Crimea. Hãng tin AFP dẫn nguồn từ lực lượng biên phòng Ukraine cho biết, quân đội Nga đã tiến vào khu vực Kiev của Ukraine. Hiện nay tình hình vẫn đang tiếp tục leo thang.

Thù địch giữa Nga và phương Tây gia tăng

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Epoch Times, chuyên gia truyền thông Hồ Bình (Hu Ping) của tạp chí Mùa xuân Bắc Kinh (Beijingspring) của người Hoa tại Mỹ cho biết, vấn đề nghiêm trọng của vụ việc leo thang xung đột Nga – Ukraine là nó làm gia tăng đối đầu giữa Nga với Mỹ và phương Tây, qua đó có thể khiến Nga ngả về ĐCSTQ nhiều hơn.

Chuyên gia này cho rằng cả hai bên trong cuộc tranh chấp này đều có đạo lý riêng.

Ví dụ, trước thời Liên Xô cũ thì vùng Crimea thuộc về Nga (thời vương triều Romanov), cho đến năm 1954 khi Liên Xô thông qua nghị quyết [để vùng Crimea] cho Ukraine, sau đó Liên Xô tan rã, còn Nga thì không công nhận nghị quyết năm 1954 và muốn đòi lại; tất nhiên từ góc nhìn của Ukraine cũng như nhiều nước khác thì không ai muốn thay đổi những gì đã rồi của quá khứ xa xôi, vì vậy vấn đề biến thành cuộc tranh chấp. Hai khu vực phía đông [Ukraine mà Putin tuyên bố công nhận độc lập] cũng tương tự, vì nhiều lý do mà ở đó có đông người Nga.

Từ năm 2015, hai nơi ở Đông Ukraine đó đã ly khai khỏi Ukraine thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, nhưng chưa được quốc tế công nhận, kể cả Nga. Thời điểm đó, Nga và một số nước châu Âu đã đạt được cái gọi là “Thỏa thuận Minsk”, tương đương với việc đóng băng nguyên trạng.

“Tất nhiên, Putin đã tiến lên một bước dài, vì một khi công nhận nền độc lập của hai vùng đó thì Nga có thể cử quân đội đến dưới danh nghĩa gìn giữ hòa bình. Các nước phương Tây dù cho rằng Putin xâm lược nhưng họ chỉ có thể trừng phạt kinh tế chứ không thể tham chiến, hiển nhiên bước đi này của Putin là rất thành công, dù phải trả giá bằng việc bị phương Tây bao vây kinh tế”.

Dù vậy, ông Hồ Bình tin rằng nếu ông Putin có hành động leo thang hơn sẽ dẫn đến nhiều lệnh trừng phạt và thậm chí là can thiệp quân sự của các nước phương Tây.

Quan hệ Trung – Nga như mèo và chuột

W020220204728247677856
Tập Cận Bình gặp gỡ Vladimir Putin trước thềm Olympic Bắc Kinh 2022 (Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022, ông Putin đã đến thăm Bắc Kinh và sau đó hai bên đã ra Tuyên bố chung Trung – Nga. Về vấn đề này, người sáng lập tổ chức nhân quyền Kazakhstan là ông Serikzhan Bilash tin rằng việc ông Putin tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh chỉ là màn diễn.

“Tập Cận Bình đã chi nhiều tiền như vậy để biểu diễn cho thế giới thấy thành công của ĐCSTQ. Nếu Ukraine bị tấn công vào thời điểm đó thì ai trên thế giới sẽ xem Olympic Bắc Kinh? Putin đợi đến khi Thế vận hội kết thúc mới bắt đầu phát động chiến tranh. Tương tự như vậy là chuyện trước đây Nga đã tấn công Gruzia hồi tháng 8/2008 khi Bắc Kinh tổ chức Thế vận hội”, ông Serikzhan Bilash cho biết.

Nhà đấu tranh nhân quyền này nhận định, biểu hiện giữa ĐCSTQ và Nga như trò chơi của mèo và chuột. Chẳng hạn năm 2014, ông Putin đã ký giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của đường ống 500 tỷ Nga – Trung, nhiều phương tiện truyền thông ở Nga cho rằng đây là đơn hàng lớn nhất thế giới và là thỏa thuận lớn nhất thế giới. Nhưng ĐCSTQ không có bất kỳ hành động thiết thực nào sau khi ký kết hợp đồng, luôn viện lý do để thoái thác. Còn Putin kiêu ngạo và độc đoán thì cũng thay đổi quyết định sau khi ký hợp đồng.

Serikzhan Bilash cho rằng phương Tây nên có chính sách chia rẽ ĐCSTQ và Nga. Ông đánh giá cao các chính sách của cựu Tổng thống Trump, ông Trump biết rằng Nga không có khả năng chính trị và kinh tế nào khác ngoài vũ khí, vì vậy thúc đẩy quan hệ tốt với Nga để không cho Nga kết thân ĐCSTQ, theo cách này có thể cô lập ĐCSTQ.

Ông nói: “Kết quả là chính sách của Trump đã không tiến triển. Giờ đây, những chính trị gia kém năng lực ở phương Tây này đã khiến ĐCSTQ và Nga nhích lại gần nhau, họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn mà cả thế giới chỉ biết nhìn mà ngao ngán”.

Mỹ cần tập trung để đối phó với ĐCSTQ

Ông Hồ Bình kể lại chuyện khi ông Trump vừa thắng cử tổng thống Mỹ, nhiều người phương Tây đã gợi ý rằng Mỹ nên đánh con bài Trung Quốc kiểu thời cựu Tổng thống Nixon, tức là làm hòa với Nga để chống lại ĐCSTQ. Ông hưởng ứng cách này, nhưng cũng thấy rất khó thực hiện. Hồi đó Nixon kết thân ĐCSTQ để chống lại Liên Xô là nhờ quan hệ Trung – Xô khi đó không tốt, còn bối cảnh hiện nay dù quan hệ Nga – Trung không thuận Nga nhưng cũng không chia rẽ nên không dễ để Mỹ chen vào lôi kéo.

Chuyên gia Hồ Bình lưu ý, ĐCSTQ và Nga đang lợi dụng lẫn nhau, và Nga hiểu rõ Mỹ không thể dốc toàn lực để đối phó Nga vì phải tập trung vào ĐCSTQ. Đây là lý do khiến Putin tự tin thúc đẩy bước đi này.

Là một nhà hoạt động dân chủ, ông Hồ Bình cho rằng Mỹ không nên phản ứng thái quá trong xử lý vấn đề với Nga. Ông nhắc lại bài học Mỹ  tham gia quá sâu vào hoạt động chống khủng bố và Chiến tranh Iraq, làm hao mòn sức mạnh quốc gia của họ quá nhiều, đã mang lại cho ĐCSTQ cơ hội trong khoảng thời gian 20 năm được gọi là phát triển trong hòa bình.

“Từ bài học đó, tôi thực sự không muốn Mỹ và phương Tây có thái độ đặc biệt cứng rắn đối với Nga. Nếu quá cứng rắn với Nga sẽ lại trở thành cơ hội mới cho ĐCSTQ. Hiện nay cần tập trung toàn lực để đối phó với ĐCSTQ”, ông nói.