Bác sĩ Sasa, đặc phái viên lưu vong của Quốc hội Myanmar bị giải thể, đã thúc giục những nước có thiện ý trên toàn cầu phối hợp cùng nhau để trừng phạt các tướng lĩnh quân đội thay vì chờ đợi hành động của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Screen Shot 2021 04 05 at 3.21.03 PM
Hội thảo trực tuyến của Tổ chức người Rohingya Miến Điện tại Anh (Ảnh chụp màn hình)

Phát biểu tại một cuộc thảo luận trực tuyến về những nỗ lực quốc tế quanh cuộc đảo chính, bác sĩ Sasa – hiện đang sống ở nước ngoài và bị truy nã ở Myanmar – nói rằng ông “thất vọng” vì những nước láng giềng, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á không gây sức ép tối đa với Hội đồng Bảo an trước những hành động bạo lực chống lại dân thường đang diễn ra tại Myanmar.

“Họ hoàn toàn có sức mạnh  để… ngăn chặn những tội ác chống lại loài người diễn ra liên tiếp này,” bác sĩ Sasa, một đồng minh của bà Aung San Suu Kyi, phát biểu tại cuộc hội thảo trực tuyến của Tổ chức người Rohingya Miến Điện tại Anh hôm 1/4.

“Đây không phải vấn đề họ có thể làm điều đó hay không, mà là vấn đề vì sao họ không làm điều đó,” vị bác sĩ nói. Ông đã đào thoát khỏi sự truy bắt của quân đội chống lại các thành viên của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ.

Những diễn giả khác, gồm Thomas Andrews, điều tra viên về nhân quyền đối với Myanmar của Liên Hợp Quốc và Matthew Smith, tổng giám đốc điều hành  tổ chức nhân quyền Fortify Rights, đồng ý với những khiếu nại của bác sĩ Sasa và cho rằng những nước này nên “được khuyến khích” để hành động.

Nếu “để mặc họ”, Trung Quốc và các nước Asean sẽ đứng nhìn giới quân sự Myanmar “tàn sát những người biểu tình không vũ trang vô tội,” ông Smith nói.

Những diễn giả khác cho rằng các nước đang sẵn sàng hành động không có lý do gì phải ngồi chờ Nghị quyết của Hội đồng Bảo an, mà họ còn có thể có những lựa chọn khác, như đệ trình vấn đề lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Hội đồng Bảo an LHQ gồm 15 quốc gia, có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh toàn cầu. Hôm thứ Tư tuần trước, Hội đồng đã nhóm họp lần thứ hai trong vòng hai tháng về cuộc khủng hoảng tại Myanmar sau khi giới quân sự nắm quyền ngày 1/2.

Vương quốc Anh, nước đã kêu gọi tổ chức buổi họp kín khẩn cấp, cho biết các thành viên Hội đồng đã thống nhất việc lên án tình trạng bạo lực và đang tìm kiếm thêm các giải pháp.

Nhưng giống như cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Bảo an hồi đầu tháng Ba, phát biểu của đặc phái viên Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun cho thấy không có sự đồng thuận nào về việc trừng phạt các tướng lĩnh gây ra cuộc đảo chính.

Ông Zhang tuyên bố rằng các biện pháp chế tài và “những biện pháp ép buộc” khác sẽ chỉ “làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng và đối đầu” tại đất nước Đông Nam Á này.

Trung Quốc, một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, đã sử dụng quyền phủ quyết chống lại bất kỳ biện pháp và chế tài nào nhằm trừng phạt các tướng lĩnh Myanmar.

Tham gia với Trung Quốc còn có Nga, hai nước này không muốn thông qua hành động chống lại những người tiến hành cuộc đảo chính, bao gồm Thống tướng Min Aung Hlaing và những người dưới quyền của ông ta. Cả Nga và Trung Quốc đều có mối quan hệ lâu đời với Tatmadaw – hay còn được gọi là quân đội Myanmar.

 

Bác sĩ Sasa nói các biện pháp mà ông và những đồng hương của ông đang tìm kiếm, bao gồm lệnh cấm vận vũ khí, mở rộng các biện pháp trừng phạt và ngưng nguồn thu của các tướng lĩnh, không cần thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bởi “có rất nhiều điều quý vị có thể làm với đất nước quý vị, công ty quý vị để chặn những kẻ giết người này.”

Theo ông Kikoler, giám đốc Trung tâm Simon-Skjodt về Ngăn chặn diệt chủng của Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust tại Mỹ, những cuộc thảo luận hiện nay trong Hội đồng Bảo an là “rất khó” đối với tình trạng ở Myanmar vì “Trung Quốc che chắn quá hiệu quả” cho đất nước Đông Nam Á này.

Kikoler và Andrew, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về nhân quyền tại Myanmar, thúc giục Đại hội đồng LHQ (gồm 194 quốc gia thành viên) tranh luận về vấn đề này.

Không giống Hội đồng Bảo an có thể thông qua những nghị quyết có tính pháp lý bắt buộc, phê chuẩn các biện pháp trừng phạt hoặc hoạt động quân sự, Đại hội đồng không có thực quyền vì quyết định của nó không có tính bắt buộc đối với các quốc gia thành viên.

Mặc dù vậy, ông Andrew nói Đại hội đồng có thể thông qua điều được coi là giải pháp “Đoàn kết vì hòa bình” để có thể thảo luận vấn đề tại một “diễn đàn mở hoàn toàn” thay vì bàn cãi sau những cánh cửa đóng kín của Hội đồng Bảo an.

Điều này có thể dẫn đến việc các quốc gia cùng chí hướng thi hành một loạt hành động chống Myanmar đồng thời “thúc đẩy Hội đồng Bảo an” thực hành những biện pháp tương tự, ông nói.

Cuộc hội thảo trực tuyến cũng tập trung vào lĩnh vực dầu khí của Myanmar. Các diễn giả cho rằng cần áp đặt các biện pháp trừng phạt khẩn cấp đối với lĩnh vực này vì đó là nguồn thu nhập lớn duy nhất của quân đội.

Smith, tổng giám đốc điều hành tổ chức nhân quyền Fortify Rights, cho biết “những khoản chi khổng lồ” mà các công ty dầu khí đa quốc gia tiếp tục thanh toán cho nhà nước Myanmar – trên thực tế là cho quân đội – là một vấn đề đáng lo ngại vì các tướng lĩnh “không có quyền quản lý thu nhập thuộc về người dân Myanmar.”

Chevron Corp và Total nằm trong số những công ty dầu khí lớn gần đây đã bị giám sát chặt chẽ về vấn đề này, ông nói.

Các công ty khác như PIT Exploration and Production của Thái Lan; Petronas thuộc Malaysia; Posco International của Hàn Quốc cũng như các công ty năng lượng của Ấn Độ và Trung Quốc nằm trong một “chuỗi các công ty đóng góp cho điều này và những khoản thanh toán đó nên dừng lại,” ông Smith nói.

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: