Giới quan sát phương Tây chỉ ra quân đội Nga cố gắng hủy diệt các mục tiêu dân sự tại Ukraine, hy vọng ngăn chặn Ukraine phản công chiếm lại các vùng lãnh thổ phía đông bị quân Nga chiếm đóng. Tuy nhiên, kế hoạch này khó thực hiện vì quân Nga cạn kiện nguồn tên lửa hành trình.

Nga tan cong
Văn phòng của Samsung Electronics ở Kyiv cũng bị trúng tên lửa của Nga hôm 10/10. (Ảnh cắt từ video)

Gần đây, Tổng thống Nga Putin cho ném bom dữ dội và chưa từng có vào các khu dân sự tại Ukraine. Động thái này được xem là một điềm xấu cho ông Putin và quân Nga. Các quan chức năng lượng Ukraine lưu ý rằng đây đợt ném bom bừa bãi lớn nhất kể từ khi quân Nga bắt đầu cuộc xâm lược. Với nỗ lực làm tê liệt “chuỗi cung ứng” điện, nên các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng và các mục tiêu dân sự khác trên khắp Ukraine.

Kế hoạch tàn phá Ukraine

“Mùa đông tới sẽ đầy thách thức”, Thủ tướng Denys Shmyhal của Ukraine cho biết hôm thứ Tư. “Vì vậy, chúng tôi một lần nữa kêu gọi mọi người chuẩn bị cho mùa đông. Chúng tôi mong rằng mỗi hộ gia đình đều có một số vật dụng cơ bản cần thiết: quần áo ấm, nến, đèn pin, ắc quy. Đề phòng một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn gây mất điện hoặc sưởi ấm, điểm này là rất quan trọng.”

Cuộc chiến xâm lược Ukraine là điều tồi tệ đối với Điện Kremlin, xu thế dư luận phổ biến cho rằng quân đội Nga có thể áp đảo hệ thống phòng thủ của Ukraine vì trên giấy tờ cho thấy quân Nga có lực lượng hùng hậu hơn và được trang bị tốt hơn. Tuy nhiên hiện nay, quân Nga đang phải đối mặt với viễn cảnh trái ngược dưới sức phản công mạnh mẽ của lực lượng Ukraine liên tục giành được những thắng lợi lớn.

Những kẻ theo đường lối cứng rắn của Nga coi chiến lược nhẫn tâm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng của Ukraine là con đường rõ ràng để giành chiến thắng trong cuộc chiến. “Cách tiếp cận của hoạt động quân sự đặc biệt (cách xảo biện của ông Putin cho cuộc chiến xâm lược Ukraine) đã thay đổi”, chính trị gia Nga Sergei Aksenov nói với truyền thông nhà nước Nga trong tuần này.

Aksenov là kẻ đứng đầu khu vực Crimea mà ông Putin dựng lên. Bán đảo này đã bị Moscow sáp nhập và chiếm đóng vào năm 2014 trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

“Tôi đã nói kể từ ngày đầu tiên của chiến dịch rằng nếu loại hành động phá hủy cơ sở hạ tầng của đối phương được thực hiện hàng ngày, chúng tôi sẽ có mọi thứ vào tháng 5”, ông Aksenov tuyên bố. “Tôi hy vọng bây giờ tốc độ hành động sẽ không chậm lại”.

Bộ trưởng Năng lượng Herman Harushenko của Ukraine đã xác nhận rằng lần đầu tiên từ khi phát động xâm lược, quân Nga đã “tấn công dữ dội” vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Theo Thủ tướng Ukraine, dù cơ quan chức năng Ukraine thừa nhận rằng các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga có gây những ảnh hưởng nhất định, nhưng cho biết vấn đề cung ứng điện đã được khôi phục cho “gần 4.000 khu định cư và hàng triệu người tiêu dùng”.

Trong khi đó, Tổng thống Zelensky của Ukraine cho biết: “Nếu không xảy ra cuộc tấn công hôm nay, chúng tôi đã khôi phục nguồn cung cấp năng lượng, cấp nước và thông tin liên lạc mà những kẻ khủng bố đã phá hủy trước đó. Công việc khôi phục vẫn đang tiến hành ở một số thành phố và khu vực, nhân viên năng lượng đang áp đặt các hạn chế tạm thời đối với việc cung cấp năng lượng dựa trên thời gian biểu, động thái chỉ nhằm duy trì sự ổn định của hệ thống năng lượng”.

Nga nem bom cau kinh Ukraine
Nga ném bom Cầu Kính của Ukraine. (Ảnh chụp màn hình video)

Nga có thể sắp cạn kiệt tên lửa hành trình, trong khi rất khó tái sản xuất

Nhưng chiến lược được ông Aksenov và những quan chức cứng rắn khác của Nga ưa chuộng không dễ dàng thành hiện thực, vì kho dự trữ tên lửa hành trình của Nga gần như cạn kiệt trong vài tháng qua.

Một quan chức quân sự cấp cao của châu Âu cho biết: “Chúng tôi biết rằng họ (người Nga) đã hết tên lửa hành trình. Nhân tiện xin nhấn mạnh đây là vũ khí tầm xa chính xác duy nhất mà họ vẫn có. Chẳng bao lâu nữa, vào đầu năm 2023, họ sẽ hết [tên lửa hành trình] vì đây là thứ mà ngành công nghiệp quốc phòng Nga không còn sản xuất được nữa”.

Một quan chức cấp cao khác của châu Âu cùng quan điểm: “Có những dấu hiệu cho thấy ông ta (Putin) đang thiếu hụt các loại vũ khí dẫn đường chính xác. Tôi cho rằng việc (quân đội Nga) phô trương vũ lực một cách tàn bạo và bạo lực là khá tốn kém, không chỉ về giá trị tiền tệ, mà còn ảnh hưởng đến kho dự trữ vũ khí dẫn đường chính xác tầm xa của Nga”.

Chính quyền Tổng thống Biden của Mỹ và các đồng minh toàn cầu đã nỗ lực để cắt đứt khả năng quân sự của Moscow bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, qua đó khiến Nga mất đi khả năng tiếp cận các nguyên liệu cần thiết để chế tạo vũ khí quan trọng.

Như Chiến lược An ninh Quốc gia mới được công bố của Nhà Trắng nêu rõ: “Chúng tôi đang hạn chế các lĩnh vực kinh tế chiến lược của Nga, bao gồm cả quốc phòng và không gian vũ trụ. Chúng tôi sẽ tiếp tục chống lại những nỗ lực của Nga nhằm làm suy yếu và gây bất ổn các nước có chủ quyền cũng như phá hoại các thể chế đa phương”; “Chúng tôi làm việc với các đồng minh và đối tác ở châu Âu và trên toàn thế giới để áp đặt các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu, như vậy sẽ làm suy yếu khả năng tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược trong tương lai của Nga”.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Institute for the Study of War) có trụ sở tại Washington đánh giá, “Các cơ quan tình báo phương Tây và Ukraine trước đây đã báo cáo rằng Nga đã chi một phần đáng kể cho các tên lửa chính xác cao, Putin có thể biết… rằng ông ta khó duy trì tấn công [bắn phá tên lửa]  cường độ này kéo dài”.

Theo đánh giá của phương Tây, ngoài tên lửa hành trình dẫn đường chính xác thì quân đội Nga còn có nhiều loại đạn pháo thông thường khác. Tuy nhiên, các lực lượng Ukraine bằng cách liên tục tấn công các tuyến tiếp tế hậu cần và các nút trung tâm của quân đội Nga, đã loại bỏ hiệu quả các nguồn cung cấp này của quân Nga.

Cựu đại sứ Bill Taylor của Mỹ tại Ukraine cho hay: “Putin không có nhiều lựa chọn. Ông ta không có nhiều vũ khí, ông ta đang rất khó khăn…  Ông ta khó mà tiếp tục hủy diệt [cơ sở hạ tầng của Ukraine], vì ông ta không còn nhiều vũ khí”.

Lãng phí nguồn lực vốn đang rất khan hiếm

Theo giới quan sát phương Tây, các cuộc tấn công bừa bãi gần đây của quân Nga vào các thành phố của Ukraine có thể chỉ đơn thuần là động lực thúc đẩy tâm lý cho phe diều hâu chiến tranh của Moscow, nhưng Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ lưu ý rằng “chúng đã lãng phí một số vũ khí chính xác vốn đang suy giảm của Nga để tấn công các mục tiêu dân sự mà không phải mục tiêu quân sự quan trọng”.

Một quan chức quân sự cấp cao của châu Âu cho biết: “Những cuộc tấn công này sẽ không có tác động chiến lược hoặc hoạt động sản xuất, bởi vì một mùa đông nghiêm trọng hoặc nhiều vụ ném bom hơn của Nga sẽ không thay đổi quyết tâm của người dân Ukraine… Nó không ảnh hưởng đến những gì đang xảy ra tại mặt trận tiền tuyến”.

Ông Putin có lẽ có lý do chính đáng để chọn không thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa như vậy trong những ngày đầu của cuộc xâm lược Ukraine. Việc ban đầu ông ta từ chối tấn công các mục tiêu dân sự Ukraine này, củng cố quan điểm rằng bắn phá bừa bãi như vậy là vô giá trị trong nỗ lực chiến tranh xâm lược của Nga.

Do đó, các nhà quan sát phương Tây đánh giá rằng quyết định thay đổi đường lối của ông Putin mới đây có thể được giải thích rõ hơn là do động cơ chính trị, hoặc có thể là do quân Nga không thể tấn công các mục tiêu cơ sở hạ tầng tác động tức thì hơn đến chiến trường, chẳng hạn như công trình giao thông.

Sĩ quan cấp cao của quân đội châu Âu đặt câu hỏi: “Đó là do họ (quân Nga) cố tình chọn các mục tiêu khác, các mục tiêu dễ bị tấn công hơn, hay họ không có khả năng đánh trúng mục tiêu với độ chính xác cao?”.

Quan chức này lý giải: “Theo góc nhìn của tôi, tôi cho rằng họ không có [khả năng tấn công] chính xác. Họ không có tin tình báo cần thiết… Vì vậy họ hành động đầy tính tượng trưng [ném bom cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine] không có tác động đến trận chiến trên tiền tuyến”.