Tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố chung vào ngày 10/11, hứa hẹn sẽ tăng cường các hành động chống lại biến đổi khí hậu trong mười năm tới. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, chế độ cộng sản Trung Quốc không phải là một đối tác chân thành trong vấn đề biến đổi khí hậu và họ có một động cơ khác đằng sau đó.

Embed from Getty Images

Khói thải thoát ra từ một nhà máy nhiệt điện than ở Sơn Tây, Trung Quốc vào ngày 26/11/2015 (Ảnh minh họa: Getty Images)

Theo thỏa thuận được ký kết tại Glasgow, hai quốc gia đã đồng ý hợp tác trong một loạt vấn đề, bao gồm phát thải khí mê-tan, chuyển đổi sang năng lượng sạch và khử carbon. Dù vậy, Trung Quốc và Hoa Kỳ hầu như không đặt ra các mục tiêu hành động cụ thể. Cả hai đều không đặt ra các cam kết liên quan đến năng lượng than hoặc xe điện. Trung Quốc vẫn chưa đồng ý chấm dứt tài trợ nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài, giảm phát thải khí mê-tan hoặc thực hiện một kế hoạch bền vững hơn cho nông nghiệp. Chế độ này cũng không đồng ý các cam kết liên quan đến điện sạch, thép xanh hoặc đường vận chuyển.

Các chuyên gia quốc tế nhìn nhận, có những lý do tiềm ẩn khiến Trung Quốc ký kết hiệp định khí hậu với Hoa Kỳ và đặt nghi vấn về sự chân thành của hiệp định này.

Ông Li Cheng-hsiu, một nhà nghiên cứu cộng sự tại Quỹ Nghiên cứu Chính sách Quốc gia của Liên đoàn Đài Loan, trao đổi với tờ The Epoch Times: “Hiện tại có một chủ đề lớn có thể được tận dụng để hàn gắn quan hệ Trung-Mỹ. Cái gọi là sự nóng lên toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác của chế độ cộng sản Trung Quốc.”

Ông nhận định, hai nước có sự phụ thuộc lẫn nhau về nguồn cung cấp năng lượng.

Trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times, ông Anders Corr, giám đốc của Corr Analytics, một công ty tư vấn chính trị ở New York, khẳng định chế độ Trung Quốc không phải là một đối tác chân thành về biến đổi khí hậu. “Họ coi vấn đề này là một cách thức để đi trước phương Tây về mặt kinh tế, điều này sẽ tạo nên sức mạnh cho quân đội của họ.”

Ông Corr khuyến nghị, các quốc gia khác cũng nên cùng áp thuế carbon đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Các khoản thuế carbon này có thể được sử dụng để tài trợ cho khoản tài chính khí hậu toàn cầu, “Trung Quốc không chỉ là nước phát thải lớn nhất thế giới, họ còn là một chế độ độc tài hiếu chiến về mặt quân sự, vốn phớt lờ các yêu cầu hợp lý của thế giới về việc trở thành một đối tác thiện chí trong quá trình đàm phán về khí hậu”.

Nhà phân tích kinh tế Trung Quốc Antonio Graceffo cũng bình luận trên ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times hôm 12/11, việc ký kết một thỏa thuận không ràng buộc sẽ giúp cho chế độ cộng sản Trung Quốc thực hiện ‘kế hoãn binh’.

“Vào cuối thời gian ân hạn của Trung Quốc, họ sẽ bắt đầu giảm ô nhiễm, nhưng cũng giống như với WTO hoặc với Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC), họ sẽ được cảnh báo, sau đó là thời gian gia hạn, rồi cảnh báo khác… Trung Quốc có thể lợi dụng điều này trong 20 năm tiếp theo, gia tăng sản lượng [sản phẩm] cũng như ô nhiễm, trong khi phần còn lại của thế giới cắt giảm và thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.”

Ông Graceffo nhấn mạnh, Trung Quốc không phải là một đối tác đáng tin cậy: “Trung Quốc là một trong những quốc gia hướng nội nhất và hiện nay, dưới thời ông Tập, thậm chí càng trở nên cô lập hơn. Trung Quốc không quan tâm đến toàn cầu hóa. Nhưng Trung Quốc đủ thông minh để thấy rằng, thông qua việc thúc đẩy toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu, họ có thể làm tê liệt phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, trong khi kiếm được nhiều tiền hơn và sẵn sàng bỏ qua hoặc bất chấp các quy tắc.”

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: