Theo một quan chức của cơ quan lương thực Liên Hợp Quốc, một lô hàng ngũ cốc tồn đọng khổng lồ với tổng trị giá gần 25 triệu tấn đang bị mắc kẹt ở Ukraine, không thể vận chuyển ra khỏi đất nước do “những thách thức về cơ sở hạ tầng” và các cảng bị phong tỏa ở Biển Đen.

Embed from Getty Images

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, lô hàng ngũ cốc bị chặn có thể tiếp tục làm trầm trọng thêm giá lương thực cao trên toàn cầu. Chỉ số giá lương thực toàn cầu trong tháng 3 là 159,3 điểm, tăng so với mức 141,4 điểm của tháng 2. Như vậy, chỉ số giá lương thực của FAO đã tăng gần 13% từ tháng 2 đến tháng 3. Đây là mốc kỷ lục của chỉ số này kể từ khi được ghi nhận từ năm 1990.

Trước khi quân đội Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2, quốc gia này là một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới về nông sản, chuyên về các sản phẩm chủ yếu như lúa mì, ngô, hạt cải dầu, hạt hướng dương và dầu hướng dương.

Cùng với việc giá cả tăng cao, các quan chức Mỹ đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực do chiến tranh Nga – Ukraine gây ra. Việc những lô hàng lớn bị chặn xuất khẩu từ Ukraine chắc chắn sẽ làm gia tăng hơn nữa mối quan ngại này.

Ông Josef Schmidhuber, Phó Chủ tịch FAO phụ trách mảng thị trường và thương mại, phát biểu trong một cuộc họp báo ở Geneva hôm 6/5: “Vào lúc này chúng tôi thấy một tình huống oái oăm ở Ukraine, gần 25 triệu tấn ngũ cốc sẵn sàng cho xuất khẩu nhưng không thể rời khỏi đất nước chỉ vì thiếu cơ sở hạ tầng và các cảng bị phong tỏa.”

Ông Schmidhuber nhận định, việc ngũ cốc bị chặn xuất khẩu có thể dẫn đến tình trạng thiếu kho dự trữ trong vụ thu hoạch tiếp theo vào tháng 7 và tháng 8, đặc biệt nếu các cảng ở Biển Đen vẫn bị lực lượng Nga phong tỏa.

Kể từ khi các lực lượng Moscow xâm lược, Ukraine đã phải xuất khẩu ngũ cốc bằng tàu hỏa qua biên giới phía Tây hoặc từ các cảng sông Danube nhỏ thay vì đường biển. Tuy nhiên, nhiều báo cáo cho thấy, các toa xe chở ngũ cốc đã phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như gặp phải lực lượng Nga trên đường vận chuyển, cũng như thách thức về hậu cần cùng tình trạng thiếu lao động và toa tàu.

“Vào tháng 7-8, sẽ có một vụ mùa mới đến và mặc dù có xung đột thì điều kiện thu hoạch dường như lại không quá bi quan, và điều đó trên thực tế có thể dẫn đến chuyện Ukraine không có đủ kho bãi để trữ lương thực trong tương lai, đặc biệt nếu không có ‘hành lang lúa mì’ mở ra cho xuất khẩu từ Ukraine,” ông Schmidhuber nói thêm.

Một mối quan ngại khác là một số kho trữ ngũ cốc có thể đã bị phá hủy trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra.

Mặc dù ông Schmidhuber không nêu chi tiết về các báo cáo, nhưng Bộ Quốc phòng Ukraine hôm 5/5 cho hay, tính đến nay ước tính khoảng 400.000 tấn ngũ cốc đã bị đánh cắp. Dù vậy, phía Nga vẫn luôn bác bỏ thông tin này.

Nhận xét của ông Schmidhuber được đưa ra ngay sau khi dữ liệu từ S&P Global công bố tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp thực phẩm đạt mức cao kỷ lục trong tháng Tư.

Trong khi đó, Liên Hợp Quốc hồi tháng 4 cũng thông báo, hiện có khoảng 45 triệu người trên toàn thế giới bị suy dinh dưỡng, và 8 triệu đến 20 triệu người khác có nguy cơ đói kém vì tác động của chiến tranh.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)