Trong bối cảnh cuộc chiến Công nghệ sinh học giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bắt đầu, từ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký lệnh hành pháp thúc đẩy ngành công nghệ sinh học của Hoa Kỳ ứng phó với những thách thức từ Trung Quốc, một công ty công nghệ sinh học Trung Quốc đã mua một khu đất rộng lớn ở Florida làm dấy lên nhiều lo ngại.

shutterstock 1725872488
(Nguồn: Maxim Studio/ Shutterstock)

Chỉ vài ngày sau, truyền thông Hoa Kỳ báo cáo rằng mảnh đất trên được sử dụng để nhân giống động vật và nghiên cứu thử nghiệm. Tin tức ngay lập tức nhận được sự quan ngại từ mọi tầng lớp trong xã hội.

Ngày 17 /9, tờ “Citrous County Chronicle” của Florida đưa tin, JOINN Laboratories – công ty dược phẩm Trung Quốc, đã mua một mảnh đất với diện tích 1.400 mẫu Anh tại Hạt Levy ở Florida. Họ có kế hoạch xây dựng một cơ sở kiểm dịch và nhân giống động vật.

Các quan chức của Florida: Không cho phép nghiên cứu thử nghiệm trên mảnh đất đã bán

Theo hồ sơ giao dịch đất đai tại Hạt Levy, một công ty có tên JOINN Laboratories CA Inc. đã mua mảnh đất này với mức giá 5,5 triệu USD.

Mục đích sử dụng mảnh đất này là đất nông nghiệp. Theo báo cáo truyền thông địa phương, JOINN Laboratories CA Inc. đang xin phép phân vùng lại, để chuyển đổi mục đích sử dụng.

Trong một tuyên bố được gửi đến Đài VOA, Hạt Levy đã xác nhận giao dịch mua bán đất này. “Các hồ sơ của trang web định giá bất động sản của Hạt Levy cho thấy, một công ty trách nhiệm hữu hạn của Florida – L&T Cattle&Timber, đã bán đất cho công ty JOINN Laboratories CA Inc. vào ngày 4/8/2022,” tuyên bố cho biết.

Theo hồ sơ của Bloomberg, Laboratory CA Inc. được thành lập năm 2013. Công ty này tham gia nghiên cứu và phát triển sinh học. Công ty mẹ là một công ty dược phẩm Trung Quốc JOINN Laboratories.

Bà Jacqueline Martin, Giám đốc nhân sự của Ủy ban Hạt Levy, cho biết từ tháng 6 – 8/2022, nhân viên của Hạt được xin tư vấn không chính thức, về việc thành lập một cơ sở kiểm dịch động vật thân dài và phòng thí nghiệm nghiên cứu trên mảnh đất này.

Nhân viên xác minh rằng vùng đất hiện tại được chia thành khu dân cư lâm nghiệp/nông nghiệp và không được phép tiến hành nghiên cứu thực nghiệm.

“Chúng tôi cũng đã nhận được các câu hỏi thêm, về mục đích sử dụng mảnh đất này và chuyển đổi các phân vùng. Nhưng các nhân viên tin rằng yêu cầu này sẽ không được phê duyệt.”

Trong một email gửi VOA, bà nói: “Về việc sử dụng đất, phân vùng hoặc cấp giấy phép xây dựng cho các cơ sở đó, hiện chúng tôi chưa phê duyệt bất kỳ mục đích sử dụng nào như vậy.”

Ông Martijn Rasser, Giám đốc Chương trình Công nghệ và An ninh Quốc gia tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ có trụ sở tại Washington, nói rằng nếu JOINN Laboratories chỉ sử dụng mảnh đất này để thí nghiệm về khỉ, thì không có bất kỳ điều gì đáng lo ngại về an ninh quốc gia.

“Tuy nhiên, một vấn đề rộng lớn hơn là hoạt động mờ ám của các công ty này và mối liên hệ của họ với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Liệu việc cho phép các công ty công nghệ sinh học Trung Quốc vận hành các cơ sở như vậy ở Hoa Kỳ có phải là điều khôn ngoan?”, ông nói với VOA.

Theo thông tin công khai, bà Phùng Vũ Hà, chủ tịch của JOINN Laboratories, có thẻ xanh Hoa Kỳ và tốt nghiệp Đại học Dược lý Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Từ tháng 8/1992 – 8/1995, bà làm việc tại Viện Chất độc và Ma túy, thuộc Học viện Y khoa của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Tổng giám đốc JOINN Laboratories, ông Tả Tùng Lâm, cũng tốt nghiệp tại Viện Chất độc và Ma túy. Từ tháng 7/1989 – 11/1996, ông làm trợ lý nghiên cứu tại Viện Y học Hàng không Không quân.

VOA không thể có được thông tin liên lạc của Phòng thí nghiệm JOINN Laboratories CA Inc. Phóng viên đã gọi cho công ty mẹ của họ là JOINN Laboratories để xác nhận kế hoạch kinh doanh của công ty này, nhưng không nhận được hồi âm tại thời điểm dự thảo.

Thứ năm (22/9), Thống đốc bang Florida, ông Ron DeSantis đã ký một lệnh hành chính, cấm chính quyền tiểu bang và địa phương, mua bất kỳ công nghệ nào bị chính phủ liên bang cấm, dựa trên những xem xét về an ninh quốc gia.

Ông cũng hướng dẫn các ban ngành quản lý nhà nước, thực hiện các biện pháp đảm bảo rằng hàng hóa và dịch vụ được chính quyền tiểu bang và địa phương sử dụng, sẽ không bị khai thác bởi “các quốc gia quan tâm đặc biệt”. Lệnh hành chính này chỉ đích danh Trung Quốc, ngoài ra còn có Iran, Nga, Cuba và các “quốc gia thù địch với lợi ích của Hoa Kỳ”.

Trận chiến công nghệ sinh học giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ

Phát biểu trong một hội nghị tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, của tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại năm 2020, bà Tara O’Toole MD, phó chủ tịch của In-Q-Tel, một công ty đầu tư mạo hiểm liên quan đến CIA Hoa Kỳ, nói rằng công nghệ sinh học, gồm sinh học tổng hợp, sẽ trở thành nền tảng của nền kinh tế thế kỷ 21, là một đấu trường quan trọng cho sự cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực địa chính trị.

“Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy chiến lược của mình, để trở thành người lãnh đạo công nghệ sinh học thế giới. Bắc Kinh hiểu rõ rằng điều này rất quan trọng đối với khả năng cạnh tranh kinh tế của họ”, bà Tara O’Toole MD nói.

Trong 10 năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ sinh học. Theo thống kê, khả năng điều chế dược phẩm sinh học của Trung Quốc được xếp hạng thứ 3 trên thế giới.

Theo một báo cáo được Viện Brookings công bố năm 2020 chỉ ra, từ năm 2015 -2017, vốn đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân trong lĩnh vực công nghệ sinh học của Trung Quốc đạt gần 45 tỷ USD. Trong 6 năm từ 2011 – 2017, khối lượng giao dịch về sinh học, y học và máy móc y tế đã tăng từ 3,6 tỷ USD lên 75 tỷ USD.

Là nền tảng của ngành công nghệ sinh học, chi phí sử dụng của các công ty dược phẩm Trung Quốc mỗi năm đã tăng từ 5,5 tỷ USD năm 2014 lên 7,5 tỷ USD năm 2017.

“Trung Quốc là chế độ độc đảng chuyên quyền, và quyết tâm trở thành nhà lãnh đạo công nghệ sinh học hàng đầu thể hiện trong việc đầu tư nhanh chóng của Bắc Kinh vào lĩnh vực này,” báo cáo cho biết.

Tháng 2/2018, nhóm lãnh đạo “Đề cương Chiến lược Phát triển Công nghệ Sinh học Quốc gia” được hợp thành từ Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia, và Bộ Tài chính, đã tổ chức một cuộc họp. Điều này có nghĩa là Trung Quốc đã bắt đầu lập kế hoạch tổng thể, cho sự phát triển của công nghệ sinh học ở cấp chiến lược quốc gia.

Mặc dù không có dấu hiệu cho thấy, khả năng công nghệ sinh học của Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ, nhưng một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra, công nghệ sinh học đang ngày càng trở thành trọng tâm của sự chú ý của Giải phóng quân Trung Quốc.

Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc, về lĩnh vực phát triển tích hợp khoa học và công nghệ kết hợp quân sự-dân sự, công nghệ sinh học được liệt kê là một trong những ưu tiên phát triển hàng đầu.

Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ tăng cường đổi mới ban đầu và bố trí hệ thống phối hợp quân sự-dân sự, thúc đẩy sự chuyển đổi 2 chiều giữa các thành tựu khoa học và công nghệ quân sự-dân sự.

Ông Anders Corr, người sáng lập công ty phân tích rủi ro chính trị Corr Analytics, nói với VOA rằng vì sự căng thẳng giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc và Nga không ngừng leo thang, bất kỳ giao dịch thương mại nào liên quan đến hai nước đều có rủi ro chính trị.

“Những công ty (Trung Quốc) tham gia vào các lĩnh vực nhạy cảm, như bào chế sinh học, thí nghiệm trên động vật sống, cũng như các công ty Trung Quốc liên quan đến nghiên cứu chiến tranh sinh học, lại càng (rủi ro) như vậy,” ông nói.

Trong một báo cáo được Trung tâm An ninh mới của Mỹ phát hành vào tháng 7/2022 cho thấy động lực phát triển hiện tại của Công nghệ sinh học Mỹ đang gặp bất lợi so với Trung Quốc hoặc các đối thủ khác. Nguyên nhân là do các công ty tư nhân của Hoa Kỳ có xu hướng không thích rủi ro, không thể tiến hành nghiên cứu và phát triển như các công ty Trung Quốc.

Báo cáo chỉ ra rằng Hoa Kỳ cần giới thiệu một số hình thức chính sách công nghiệp để phát triển nền kinh tế sinh học, và chú trọng đến thiết bị, nhân tài, thông tin và vốn.

Báo cáo cũng cho biết, Hoa Kỳ hiện vẫn có lợi thế trong 4 lĩnh vực này, nhưng thiếu các chiến lược tích cực để đảm bảo nguồn lực công nghiệp. “Không có một lượng lớn vốn được rót vào, nền kinh tế sinh học ở Hoa Kỳ có thể sẽ lạc hậu so với Trung Quốc trong vài thập kỷ tới.”

Ngày 14/9, Nhà Trắng đã công bố “Công nghệ sinh học và Kế hoạch sản xuất sinh học quốc gia” và rót hơn 2 tỷ USD cho nền kinh tế sinh học Hoa Kỳ. Các kế hoạch đầu tư bao gồm tăng cường chuỗi cung ứng công nghệ sinh học, mở rộng sản xuất thuốc sinh học trong nước, thúc đẩy đổi mới y tế ở Hoa Kỳ, nuôi dưỡng thế hệ chuyên gia công nghệ sinh học tiếp theo, v.v.

Tuyên bố của Nhà Trắng nói rằng kế hoạch này sẽ đảm bảo Hoa Kỳ ở vị trí dẫn đầu trong cuộc cách mạng công nghệ sinh học, và đảm bảo vị thế, cũng như khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ, trong lĩnh vực công nghệ sinh học trong những thập kỷ tới.

Ông Rasser của Trung tâm an toàn mới của Mỹ tin rằng kế hoạch này đã nhìn thấy tiềm năng của sự chuyển đổi công nghệ sinh học. Ông nói với VOA, trọng điểm của các chính sách nên là trao đổi nhân tài với các đồng minh và các quốc gia đối tác đáng tin cậy khác, thông qua các kế hoạch học bổng, nhằm tăng cường lao động chất lượng cao trong nền kinh tế sinh học.

Ông Scott Moore, Giám đốc Dự án Trung Quốc thuộc Đại học Pennsylvania, cho biết ông rất vui vì Chính phủ Mỹ đã nhận ra tầm quan trọng của công nghệ sinh học, và đề xuất một chiến lược tích cực, giúp ngành công nghiệp phát triển này. Nhưng ông cũng lo lắng về mục đích của chính sách này.

“Tôi lo lắng rằng các chính sách của chúng tôi về cơ bản là không phải để bảo vệ. Điều này có thể ngăn chúng tôi có được nhân tài, đầu tư và kiến ​​thức của Trung Quốc, và đe dọa sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này”, ông nói với VOA.

Bình Minh biên dịch, theo VOA