Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trước cuối tháng 9, Cơ chế Tiếp cận toàn cầu với vắc-xin ngừa COVID-19 (COVAX) có kế hoạch phân phối 100 triệu liều vắc-xin của Sinovac và Sinopharm cho các nước châu Phi và châu Á. Đây cũng là lần đầu tiên WHO phân phối vắc-xin Trung Quốc.

shutterstock 1821959621
Vắc-xin Sinovac do Trung Quốc sản xuất. (Ảnh minh họa: Shan_shan/Shutterstock)

COVAX là cơ chế toàn cầu đồng sáng lập bởi Coalition for Epidemic Preparedness and Innovations (CEPI), GAVI, Liên minh vắc xin (the Vaccine Alliance), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNICEF với tư cách là đối tác phân phối. Mục đích nhằm đảm bảo tất cả 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đều có thể sử dụng vắc-xin COVID -19 và chi phí chủ yếu đến từ các khoản quyên góp.

COVAX thông báo rằng họ sẽ cung cấp 2 tỷ liều vắc-xin COVID-19 vào cuối năm nay. Tuy nhiên, do các vấn đề về nguồn cung vắc-xin toàn cầu và việc thực hiện các hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ, quốc gia sản xuất vắc-xin lớn, nên tiến độ đang bị chậm lại nghiêm trọng. Trong khi đó, vắc-xin của Trung Quốc có thể giúp bù đắp tiến độ này.

Mặc dù hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc bị nghi ngờ và thậm chí bị một số quốc gia từ chối tiếp nhận hoặc buộc phải tiêm vắc-xin bổ sung do các công ty dược phẩm phương Tây sản xuất, nhưng động thái phân phối vắc-xin Trung Quốc này vẫn giúp tăng cường chính sách ngoại giao vắc-xin của Bắc Kinh.

Theo tài liệu ngày 29/7 của WHO cho thấy, 100 triệu liều vắc-xin Trung Quốc sẽ được phân phối từ tháng 7 đến tháng 9/2021, một nửa trong số đó sẽ là vắc-xin của Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), và nửa còn lại sẽ là vắc-xin của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Khoa Hưng (Sinovac Biotech).

Hiệu lực của vắc-xin Trung Quốc bị nghi ngờ, một số quốc gia từ chối

Người phát ngôn của GAVI nói với Reuters rằng tính đến giữa tháng 8, khoảng 10 triệu liều vắc-xin Sinopharm đã được phân phối. Trong khi đó phía Trung Quốc bao gồm Sinopharm, Sinovac và Bộ Thương mại Trung Quốc đều không đưa ra bình luận về vấn đề này.

Vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc sẽ được cung cấp cho khoảng 60 quốc gia, trong đó phần lớn là ở châu Phi, dự kiến ​​chiếm 1/3 trong số 100 triệu liều. Nhưng không phải quốc gia nào cũng sẵn sàng chấp nhận vắc-xin do Trung Quốc sản xuất.

Trong chương trình COVAX, Nam Phi là nước nhận viện trợ lớn nhất, đã được phân bổ 2,5 triệu liều vắc-xin của Sinovac. Tuy nhiên, các quan chức của Bộ Y tế Nam Phi nói với Reuters rằng những loại vắc-xin này hiện không được chấp nhận ở Nam Phi. Thứ trưởng Bộ Y tế Nam Phi Nicholas Crisp chỉ ra rằng, do không có đủ thông tin cho thấy vắc-xin Sinovac có hiệu quả với biến thể Delta, và không có dữ liệu liên quan về việc tiêm chủng cho người nhiễm HIV. Ông cho biết, hiện tại chúng tôi không muốn nhận vắc-xin Sinovac từ COVAX vì còn quá sớm trong quá trình đánh giá và lập kế hoạch của chúng tôi.

Liên quan đến việc Nam Phi từ chối, Sinovac vẫn chưa hồi đáp lại theo yêu cầu bình luận của Reuters.

Một quốc gia châu Phi khác mà COVAX phân phối vắc-xin Trung Quốc là Nigeria. Quốc gia này đã nhận được gần 8 triệu liều vắc-xin Sinopharm. Mặc dù Nigeria đã phê duyệt vắc-xin này nhưng vẫn tuyên bố đây chỉ là một lựa chọn “tiềm năng” cho việc tiêm chủng tại nước này.

Người phát ngôn của GAVI từ chối trả lời về các tuyên bố liên quan của Nam Phi và Nigeria, chỉ nói rằng không có quốc gia nào khác được đưa thêm vào danh sách trong đợt phân phối này. Một trong những lý do là một số quốc gia không chấp nhận vắc-xin của Sinopharm và Sinovac.

Còn các nước như Somalia, Kenya, Rwanda và Togo nói rằng họ không lo lắng về vắc-xin Trung Quốc, bởi dù sao thì nó cũng đã được WHO phê duyệt và hy vọng rằng nhiều người có thể được tiêm chủng càng sớm càng tốt. Trong tương lai, các nước này cũng sẽ thông qua COVAX để nhận vắc-xin của Trung Quốc.

COVAX đặt mục tiêu cung cấp khoảng 500 triệu liều vắc-xin COVID-19 vào cuối tháng 9, bao gồm cả vắc-xin của Trung Quốc. Cho đến nay, 215 triệu liều đã được hoàn thành phân phối, hầu hết trong số đó là vắc-xin AstraZeneca (AZ) của Anh.

Ukraine là quốc gia châu Âu duy nhất nhận vắc-xin Trung Quốc do COVAX phân phối và quốc gia này dự kiến ​​sẽ nhận 160.000 liều vắc-xin của Sinovac.

Các nước châu Á cũng sẽ nhận được hơn 25 triệu liều vắc-xin Trung Quốc, trong đó khoảng 11 triệu liều vắc-xin Sinovac sẽ được chuyển đến Indonesia. Những liều còn lại sẽ được chuyển đến Mỹ Latinh và Trung Đông.

Vương Quân, Vision Times

Xem thêm: