Có lẽ đây là người cuối cùng của Đức Quốc Xã bị xử án về tội phạm chiến tranh. Bà Irmgard Furchner (97 tuổi) hôm 20/12/2022 đã bị tòa án thị xã Itzehoe của Đức định tội, vì hỗ trợ và tiếp tay cho việc sát hại 10.505 người khi bà từng làm thư ký (nhân viên đánh máy) cho chỉ huy của trại tập trung Stutthof những năm 1943–1945 trong Đại Thế chiến II, với hình phạt là 2 năm tù treo, theo Reuters đưa tin.

Irmgard Furchner
Bà Irmgard Furchner (97 tuổi) hôm 20/12 đã bị tòa án của Đức định tội, vì hỗ trợ và tiếp tay cho việc sát hại 10.505 người trong Thế Chiến II. (Ảnh chụp màn hình video)

Bà Furchner, được mệnh danh là “thư ký của ác quỷ”, bị xử theo luật vị thành niên, vì những năm đó bà ở độ tuổi 18 đến 19.

Phát biểu sau phán quyết, luật sư bào chữa, Tiến sĩ Wolf Molkentin, nói với Sky News rằng họ sẽ xem xét kháng cáo “vì có một số vấn đề pháp lý vẫn chưa được giải quyết cho đến ngày hôm nay.”

Các tù nhân của trại Stutthof đã “bị giết một cách dã man bằng khí độc, trong điều kiện đầy thù địch trong trại, bằng phương tiện vận chuyển đến trại hành quyết Auschwitz-Birkenau, và bằng cách bị đưa vào cái gọi là cuộc hành quân tử thần”, theo một tuyên bố của tòa án.

Khoảng 65.000 người chết vì đói và bệnh tật hoặc trong phòng hơi ngạt tại trại ở Stutthof, gần Gdansk ở Ba Lan ngày nay. Họ bao gồm các tù nhân chiến tranh và người Do Thái bị cuốn vào chiến dịch tiêu diệt của Đức quốc xã.

Vai trò của bị cáo ở đó là hoàn thành các thủ tục giấy tờ “cần thiết cho việc tổ chức trại và thực hiện các hành vi giết người tàn ác, có hệ thống”, tuyên bố của tòa án cho biết thêm.

“Điều rất quan trọng đối với những người sống sót và đối với chúng tôi hôm nay là phiên tòa này đã kết thúc… và đã có một phán quyết xác định tội lỗi,” công tố viên bang Maxi Wantzen cho biết.

Irmgard Furchner 2
Bà Irmgard Furchner tại tòa. (Ảnh chụp màn hình video)

Ban đầu, bản cáo trạng buộc tội bà Furchner hỗ trợ và tiếp tay cho vụ sát hại 11.412 mạng người, nhưng không có đủ bằng chứng để thuyết phục tòa án về tội của bà trong từng vụ án.

Trong quá trình xử án, bà Furchner từ chối trả lời hầu hết các câu hỏi. Ở một tuyên bố hồi đầu tháng, bà nói rằng bà rất buồn về những gì đã xảy ra, và lấy làm tiếc rằng bà đã có mặt ở Stutthof vào thời điểm đó.

Từ tháng 6/1943 đến tháng 4/1945, bà làm nhân viên “viết tốc ký và đánh máy” trong văn phòng của chỉ huy Paul-Werner Hoppe, chỉ huy của trại tập trung Stutthof (nay thuộc Ba Lan) của Đức Quốc Xã.

Ông Wantzen nói: “Người ta có thể nói chỉ là một thư ký [thôi mà]. Nhưng thời bấy giờ vai trò một thư ký trong bộ máy hành chính, ngay cả của một trại tập trung cũng vậy, là một vai trò quan trọng.”

Các luật sư bào chữa đã yêu cầu bà được trắng án, nói rằng bằng chứng không thể hiện rõ ràng rằng bà biết về các vụ giết người có hệ thống tại trại, nghĩa là không có bằng chứng về ý định chịu trách nhiệm hình sự.

“Không thể không biết chuyện gì đã xảy ra,” Manfred Goldberg, một người sống sót ở Stutthof nói với phóng viên Sky News, bác bỏ tuyên bố rằng bà không biết về những hành động tàn bạo đang diễn ra ở đó.

“Có những thi thể được vận chuyển công khai qua trại.”

Phóng viên châu Âu của Sky News, Siobhan Robbins, người đã đến tận nơi Stutthof và đứng trong văn phòng của cựu thư ký, cho biết đó là lời biện hộ mà nhiều người khó tin.

Việc bắt đầu xét xử bà Furchner từng bị trì hoãn vào tháng 9/2021 khi bà tìm cách chạy trốn. Không thấy bà có mặt trước tòa, người ta đã truy tìm và bắt lại chỉ sau vài giờ.

Sau khi Đại Thế chiến II kết thúc, bà Furchner kết hôn với Heinz Furchtsam (cựu thủ lĩnh SS, đã chết năm 1972). Sau đó, bà được tuyển dụng làm nhân viên hành chính ở miền bắc nước Đức.

Khi mọi thứ còn trong hỗn loạn lúc Đại Thế chiến II kết thúc, nhiều quan chức Đức Quốc Xã đã cao chạy xa bay.

Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi luật pháp Đức thay đổi, đã có một số cựu nhân viên và lính canh trại tập trung ở độ tuổi 80 và 90 bị đưa ra xét xử với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh dưới chế độ Đức Quốc xã.

Giáo sư Rainer Schulze, một nhà sử học người Đức và giáo sư danh dự tại Đại học Essex, nói với Sky News rằng vụ bà Furchner này “rất có thể sẽ là phiên tòa cuối cùng xét xử tội ác chiến tranh của Đức Quốc Xã.”

Phán xét tội đồng lõa

Những vụ xử án thế này cho thấy ai liên quan với thảm sát như Holocaust của thời Đại Thế chiến II, dù chỉ là nhân viên đánh máy, kế toán viên, v.v. cũng có thể bị phán xét tội đồng lõa – đồng lõa với loại tội ác mà người ta gọi là tội ác phản nhân loại.

Năm 2015, cụ ông Oskar Gröning, lúc đó 94 tuổi, bị đưa ra xét xử vì tội hỗ trợ sát hại trên 300.000 người Do Thái ở trại Auschwitz.

Sau khi Đại Thế chiến II kết thúc, ông Gröning đã thoát, rồi thành công quay trở lại Đức và sống một cuộc sống bình thường. Ông không để lộ gì về việc từng làm cho Đức Quốc Xã. Ông sống như một người trung lưu ở xã hội bấy giờ.

Tuy nhiên 40 năm sau, khi thấy có phong trào chối bỏ nạn diệt chủng Holocaust xuất hiện, tức là có những người đưa ra thuyết âm mưu rằng nạn giết người hàng loạt Holocaust là không tồn tại, ông Gröning đã chủ động đứng ra làm chứng, miêu tả những gì đã xảy ra, để chứng thực Holocaust là có thật:

“Tôi muốn mọi người hãy tin tôi. Tôi đã thấy các phòng hơi ngạt. Tôi đã thấy lò thiêu. Tôi đã thấy những ngọn lửa thiêu. Tôi muốn mọi người tin rằng những tội ác này đã xảy ra, bởi vì tôi đã ở đấy.”

Thời đó, ông trở thành một người Đức đặc biệt, vì tự kể ra mối liên đới của chính mình. Ông đã dùng hành động cụ thể để nói lên sự hối cải của bản thân. Ông cũng thú nhận đã trộm đồ trang sức và tiền từ các nạn nhân trong phòng hơi ngạt vì lợi ích cá nhân của mình.

Năm 2015, ông bị cáo buộc và ra tòa vì là tội phạm chiến tranh. Người ta mệnh danh ông là “kế toán trại Auschwitz”.

Tuy ông chủ động thừa nhận sự hiện diện của mình ở trại Auschwitz, nhưng ông không tin mình đồng lõa với tội ác giết người hàng loạt. Sau nhiều lần kháng cáo bất thành, đến năm 2018 sau khi tòa chốt lại bản án 4 năm tù giam, thì ông qua đời khi sắp đủ 97 tuổi, theo Wikipedia.

Có lẽ người ta nhìn nhận rằng đối với tội ác phản nhân loại, thì thậm chí im lặng cũng được tính là tội lỗi. Tựa như Napoléon Bonaparte từng nói: “Thế giới trở nên tồi tệ hơn, không phải vì sự tàn bạo của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt.”

Năm 2015, cụ bà Ursula Haverbeck (87 tuổi) bị lãnh án tù giam 10 tháng vì phủ nhận tội ác giết người hàng loạt Holocaust của Phát xít Đức, khi bà tuyên bố rằng “Holocaust”“dối trá lớn nhất và dai dẳng nhất trong lịch sử.”

Tại sao chỉ nêu lên quan điểm của mình, không tham gia hành ác, mà cũng bị kết án tù? Đó có phải là vi phạm quyền tự do ngôn luận không? Không, theo luật của Đức. Hiện nay ở Đức thì phủ nhận tồn tại Holocaust được tính là có tội. Họ coi đó là đồng lõa theo nghĩa che giấu tội ác phản nhân loại.

Bà Haverbeck sau khi ra tù, vẫn tiếp tục hành xử như vậy, và năm 2016 lại bị xử thêm 11 tháng. Nhưng bà không thay đổi, và bà tiếp tục bị cộng thêm các khoản phạt khác. Đến 2018, bà bị lĩnh án tổng số lên đến 2 năm tù giam, theo Wikipedia.

Nếu chỉ là vụ án tội lỗi thông thường, thì vấn đề đồng lõa như các trường hợp nói trên có thể sẽ không bị truy cứu gắt gao lâu dài như thế. Nhưng đây là tội ác phản nhân loại.

Có một tình huống tương tự: Đàn áp Pháp Luân Công.

Hiện nay một số cộng đồng trên quốc tế bắt đầu nhìn nhận tội đàn áp Pháp Luân Công theo cách tương tự tội ác phản nhân loại như thảm sát Holocaust thời Đại Thế chiến II năm xưa.

Từ năm 2019, Chính phủ Hoa Kỳ không cấp visa nhập cảnh đối với những ai trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia đàn áp Pháp Luân Công.

Đồng dạng với vấn đề đàn áp Pháp Luân Công, thì các vấn đề tôn giáo như đàn áp và diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, và vấn đề mổ cướp tạng sống cũng bắt đầu được coi là nghiêm trọng.

Đến năm 2020, khi các thông tin về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc ngày càng trở nên rõ ràng, Hoa Kỳ đã tiến tiếp bước nữa, cấm nhập cư vào Hoa Kỳ đối với tất cả những đảng viên ĐCSTQ. Tất cả đảng viên của ĐCSTQ được coi như đồng lõa ở mức độ nào đó với các tội ác nhân quyền đang diễn ra ở đất nước 1,4 tỷ dân này, vì tư cách làm một thành viên của đảng đang đóng vai trò tiếp sức cho thế lực ấy.

Thiên Đức