Nỗ lực của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris để trấn an Đông Nam Á về cam kết của Washington đối với khu vực đã bị cư dân mạng Trung Quốc công kích với nhiều ý kiến tiêu cực.

Embed from Getty Images

Một số người dùng các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc như Weibo đã hỏi tại sao bà Harris không đến Afghanistan để giải quyết tình trạng hỗn loạn trong khu vực do việc rút quân của Mỹ gây ra. Bà Harris đang đến Singapore từ tối Chủ nhật và sẽ đến Việt Nam sau đó vào thứ Ba.

“Tại sao bà ấy lại đến sân sau của Trung Quốc?” một người hỏi, trong khi một người khác nói liệu Singapore muốn “trở thành anh em với người Trung Quốc hay … làm tay sai cho người Mỹ?”

Khi được hỏi trong một cuộc họp báo hàng ngày vào thứ Hai về chuyến thăm của bà Harris, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết: “Trung Quốc luôn cho rằng trao đổi giữa các nước nên có lợi cho việc thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau, và hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới nói chung.”

Với việc các nhà ngoại giao và truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục chế giễu việc Mỹ hỗn loạn rút khỏi Afghanistan là một dấu hiệu cho thấy nước này không thể được các đồng minh và đối tác ở châu Âu và châu Á tin tưởng, cư dân mạng Trung Quốc cũng tỏ ra dè bỉu những tuyên bố của Washington rằng họ cam kết với khu vực, nói rằng Hoa Kỳ đã đưa ra “vô số lời hứa trong quá khứ mà họ đã không giữ” và bà Harris đang ở trong khu vực “để khuấy động rắc rối và gieo rắc bất hòa”.

Việc Singapore đặt tên một loài hoa lan theo tên của bà Harris, một cử chỉ ngoại giao mà nước này dành cho nhiều nguyên thủ quốc gia và các chức sắc nước ngoài, cũng bị cư dân mạng Trung Quốc chỉ trích, với một số người nói rằng thành phố này là một kẻ xu nịnh. 

Các phản ứng của cư dân mạng Trung Quốc bắt đầu xuất hiện sau cuộc họp báo của bà Harris với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Trong cuộc họp, ông Lý nói rằng Mỹ sẽ được đánh giá bởi phản ứng của họ đối với cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Afghanistan.

Tờ báo lá cải Trung Quốc là Hoàn cầu Thời báo đã chỉ trích dữ dội chuyến đi châu Á-Thái Bình Dương của bà Harris, với nhiều bài báo bình luận rằng chuyến thăm của bà được thiết kế để “gây chia rẽ trong khu vực và kiềm chế Bắc Kinh.”

Trong một bài xã luận hôm thứ Hai, Hoàn cầu Thời báo tuyên bố Washington sẽ không đạt được mục tiêu của mình vì Bắc Kinh là “đối tác quan trọng nhất của ASEAN.”

Singapore không phải là một trong những đồng minh hiệp ước chính thức của Washington, nhưng là một trong những đối tác khu vực quan trọng nhất của nước này, ngay cả khi thành phố cũng duy trì quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh. 

Tuy nhiên, gần đây các nhà ngoại giao của Bắc Kinh đã bày tỏ quan điểm rằng Singapore, một quốc gia có đa số người gốc Hoa, nên ủng hộ Trung Quốc nhiều hơn.

Lu Xiang, nhà nghiên cứu cấp cao về quan hệ Trung – Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết mặc dù Singapore từ lâu đã đóng vai trò trung gian giữa Bắc Kinh và Washington, nhưng nước này phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan trong cuộc cạnh tranh chiến lược của các cường quốc.

Ông nói: “Singapore hy vọng sẽ thấy sự hiện diện liên tục của Mỹ ở Đông Nam Á, nhưng họ cũng lo ngại rằng cạnh tranh Mỹ – Trung sẽ phát triển thành một cuộc xung đột chiến lược.”

Xu Liping, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, được cổng thông tin Sina trích dẫn nói rằng Singapore nằm trong chương trình nghị sự của bà Harris vì hòn đảo này từng là căn cứ của Hải quân Mỹ ở Đông Nam Á và có ràng buộc sâu sắc với Mỹ về lợi ích an ninh.

Mark N. Katz, giáo sư chính trị và chính phủ tại Đại học George Mason ở Virginia, nhận định rằng Thủ tướng Lý đã xác định rõ lựa chọn của mình là Mỹ.

Ông giải thích: “Giống như rất nhiều đồng minh của Mỹ hiện đang lo lắng về việc Mỹ rút khỏi Afghanistan và sự sụp đổ của chính quyền Kabul, Singapore – vốn không có khả năng thực sự để tự vệ trước bất kỳ mối đe dọa bên ngoài nào – cũng rất muốn Mỹ coi Singapore là đồng minh không thể thiếu.”

Ông nhận định thêm rằng Washington đang thực sự coi Singapore như một đồng minh.

Tiến Minh (theo SCMP)

Xem thêm: