Cuba đã đánh dấu sự kết thúc của “kỷ nguyên Castro” vào hôm thứ Hai (19/4) với việc chuyển giao quyền lực từ gia tộc Castro, vốn đã nắm quyền trong sáu thập kỷ, cho nhà lãnh đạo dân sự đầu tiên của đất nước là ông Miguel Diaz-Canel.

Embed from Getty Images

(Ảnh: Ông Miguel Diaz-Canel)

Quá trình chuyển đổi được cho là chỉ mang tính biểu tượng, bởi theo các nhà quan sát, sẽ không có sự thay đổi lớn nào trong hệ thống độc đảng.

Ông Diaz-Canel, 60 tuổi, đã tuyên thệ sẽ bảo vệ đảng cộng sản: “Điều cách mạng nhất trong cuộc Cách mạng là luôn luôn bảo vệ đảng, giống như cách mà đảng phải là người bảo vệ vĩ đại nhất của Cách mạng” – ông nói hôm thứ Hai.

Ông Diaz-Canel đã là chủ tịch nước Cuba từ năm 2018. Hiện ông sẽ đảm nhận vị trí toàn quyền của Tổng bí thư ĐCS Cuba (PCC) sau khi ông Raul Castro, 89 tuổi, tuyên bố nghỉ hưu.

Việc chuyển giao quyền lực diễn ra trong Đại hội PCC kéo dài 4 ngày ở Havana, đánh dấu bước ngoặt đối với đất nước 11,2 triệu dân, nơi nhiều người trong số họ không biết lãnh đạo nào ngoài nhà Castro.

Fidel Castro, hiện vẫn được đảng tôn vinh là “người cha và vị cứu tinh của đất nước,” đã lãnh đạo Cuba từ năm 1959 đến năm 2006, khi ông lâm bệnh. Sau đó, ông Raul lên thay. Fidel Castro qua đời năm 2016.

Diaz-Canel được sinh ra sau cuộc cách mạng do anh em nhà Castro lãnh đạo vào những năm 1950 nhằm lật đổ nhà độc tài Fulgencio Batista vào năm 1959.

Đại hội PCC được tổ chức 60 năm sau khi Fidel Castro tuyên bố Cuba là một nhà nước xã hội chủ nghĩa. Cuba đã trải qua nhiều thập kỷ xung đột với Hoa Kỳ, quốc gia đã ban bố các lệnh trừng phạt chống lại đất nước kể từ năm 1962.

Ông Diaz-Canel – người được mô tả là fan hâm mộ Beatles và am hiểu công nghệ – là một “đồng chí” trung thành của đảng.

Sự thay đổi lãnh đạo diễn ra khi Cuba đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 30 năm, với tỷ lệ lạm phát cao bất thường, thiếu lương thực, cùng với sự bất bình ngày càng tăng khi các quyền tự do bị hạn chế.

Những thay đổi nhờ Internet

Người dân Cuba được tiếp cận Internet trên điện thoại di động vào năm 2018. Từ đó, nó đã trở thành một công cụ thay đổi xã hội, thậm chí còn được sử dụng để tổ chức biểu tình – điều chưa từng xảy ra ở đất nước này. 

Thanh niên Cuba, nhiều người ra nước ngoài mỗi năm vì thiếu cơ hội ở quê nhà, đang sử dụng mạng xã hội để bày tỏ những bất mãn đối với đất nước. 

Đáp lại, PCC đã thông qua một nghị quyết nhằm chống lại sự những tư tưởng chính trị “phản động” trên mạng. 

Khi Đại hội đảng đang diễn ra, một nhóm các nhà hoạt động, nhà báo độc lập và nghệ sĩ ch hay cảnh sát đã ngăn họ rời khỏi nhà.

Nhóm “Phong trào San Isidro” đã tổ chức các cuộc biểu tình yêu cầu tự do ngôn luận vào năm ngoái, cho biết mạng internet gia đình của các thành viên đều đã bị ngắt kết nối.

Các Đại biểu của đảng đã bỏ phiếu hôm Chủ nhật để bầu các thành viên cho một ủy ban trung ương mới gồm 114 thành viên. Ủy ban này sau đó chọn ra 14 thành viên của thuộc Bộ chính trị của PCC – tổ chức đỉnh cao quyền lực ở Cuba do ông Diaz-Canel đứng đầu.

Mối quan hệ với Hoa Kỳ đã tạm dịu đi trong thời Tổng thống Barack Obama từ năm 2014 đến năm 2016, nhưng tiếp tục rơi vào căng thẳng dưới thời Tổng thống Donald Trump, người đã tăng cường các lệnh trừng phạt.

Hiến pháp Cuba mới được thông qua vào tháng 5 năm 2019 đã nói rõ rằng cam kết của đất nước đối với chủ nghĩa xã hội là “không thể thay đổi”.

Trong bài phát biểu cuối cùng trước bữa tiệc hôm thứ Sáu tuần trước, ông Raul Castro khẳng định “sẵn sàng tiến hành một cuộc đối thoại tôn trọng và xây dựng quan hệ kiểu mới với Hoa Kỳ”.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đất nước sẽ không từ bỏ “các nguyên tắc của cách mạng và chủ nghĩa xã hội”, đồng thời kêu gọi thế hệ mới “nhiệt thành bảo vệ” các giáo lý của đảng cộng sản.

Castro cảnh báo: “Có những giới hạn không thể vượt qua.”

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết hôm thứ Sáu (16/4) rằng Hoa Kỳ không có kế hoạch thay đổi ngay lập tức chính sách của mình đối với Cuba.

Xuân Lan (theo CNA)

Xem thêm: