Hôm thứ Tư (10/3), Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận vào ngày 18/3, giới chức cấp cao ngoại giao Mỹ và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ có cuộc gặp trực tiếp tại Alaska. Phía Mỹ đã có nhiều động thái trước thềm cuộc gặp này.

Jake Sullivan va Tony Blinken
Ông Jake Sullivan (trái) và ông Tony Blinken (Ảnh: Wikipedia)

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cuộc gặp tại thành phố Anchorage ở phía nam của tiểu bang Alaska bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken cùng Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan với đại diện phía ĐCSTQ là Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị. Có 5 chủ đề chính sẽ được thảo luận bao gồm đại dịch COVID- 19, biến đổi khí hậu, lập trường đối với Hồng Kông, vấn đề Đài Loan, và lệnh cấm vận kinh tế của ĐCSTQ đối với Úc.

Đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa đại diện cấp cao của hai nước kể từ khi chính quyền Biden nhậm chức.

Một quan chức Mỹ chia sẻ với Fox News: “Mục tiêu của chúng tôi sẽ là đối chiếu kỳ vọng và kế hoạch về chính trị trong nước với các mục tiêu của chúng tôi trên quy mô quốc tế, khu vực và toàn cầu.”

Mỹ thúc đẩy nhiều hoạt động trước thềm cuộc gặp

Trước thềm cuộc họp song phương ngoại giao Mỹ – Trung, thứ Sáu tuần này (12/3), Tổng thống Mỹ Biden sẽ lần đầu tiên có cuộc họp trực tuyến của “bộ tứ” thảo luận về chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với các nguyên thủ của Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, tập trung vào việc chống lại sự bành trướng của ĐCSTQ trong khu vực.

Ông Biden luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với các đồng minh trong các vấn đề quân sự, công nghệ, thương mại và nhân quyền liên quan đến Trung Quốc (ĐCSTQ).

Quan chức chính quyền Biden cho biết cuộc họp 4 bên vào thứ Sáu sẽ tập trung vào các vấn đề kỹ thuật, nhưng sẽ đạt được thỏa thuận về các vấn đề cốt lõi để cải thiện đáng kể khả năng sản xuất vắc-xin COVID-19 của Ấn Độ.

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Austin có chuyến ​​thăm trực tiếp Nhật Bản và Hàn Quốc trước rồi mới trở lại Alaska để gặp gỡ các nhà ngoại giao ĐCSTQ. Chuyến đi nhằm đánh dấu chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của nội các chính quyền Biden, cho thấy Mỹ đang tập trung nhất vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương và vấn đề về Trung Quốc.

Chuyến thăm này dựa trên thỏa thuận đạt được giữa Chính phủ và quân đội Mỹ với Tokyo và Seoul. Đặc biệt là Nhật Bản được Mỹ coi là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, là đồng minh cao nhất của Washington ở châu Á, đã vận động hành lang trong nhiều năm rằng các nhà lãnh đạo Nhật Bản nên gặp tổng thống mới của Mỹ trước cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc.

Kể từ tháng 12 năm ngoái, chính quyền ĐCSTQ cũng nỗ lực vận động hành lang vì mục tiêu để có thể nhanh chóng cử ông Dương Khiết Trì đến Mỹ sau khi ông Biden nhậm chức Tổng thống nhằm xoa dịu mối quan hệ đối đầu giữa hai nước đang ngày càng căng thẳng; nhưng khi truyền thông Mỹ đưa tin như vậy thì Đại sứ quán ĐCSTQ tại Mỹ đã lên tiếng phủ nhận.

Chính quyền Biden xác định ĐCSTQ là “đối thủ cạnh tranh”

Sau khi ông Biden vào Nhà Trắng, Bắc Kinh đã cố gắng thuyết phục chính quyền Biden sớm thúc đẩy thảo luận trực tiếp với ĐCSTQ để cải thiện quan hệ Trung-Mỹ đã lao dốc dưới thời chính quyền ông Trump.

Khác với chiến lược của người tiền nhiệm, chính quyền ông Biden coi ĐCSTQ là “đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ” và hy vọng sẽ tìm được các lĩnh vực hợp tác với Bắc Kinh trong khi vẫn cứng rắn trong các lĩnh vực thương mại, công nghệ và an ninh. Trong “Hướng dẫn Trung hạn Chiến lược An ninh Quốc gia” (Interim National Security Strategic Guidance) được công bố gần đây, Nhà Trắng xác định Trung Quốc (ĐCSTQ) là “đối thủ cạnh tranh chính” duy nhất tiềm tàng sức mạnh toàn diện để thách thức hệ thống quốc tế.

Washington và Bắc Kinh sẽ đồng chủ trì nhóm nghiên cứu G20, tập trung vào các rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu. Mỹ vẫn chưa chỉ định đại diện của mình, còn Trung Quốc chỉ định đại diện là nhà kinh tế Mã Tuấn (Ma Jun), có kinh nghiệm tại Ngân hàng Thế giới và là cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.

Vài tuần sau khi nhậm chức, ông Biden đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại kéo dài 2 giờ với ông Tập Cận Bình vào đêm giao thừa của Trung Quốc, tập trung vào các chủ đề thương mại, khí hậu, COVID-19, nhân quyền, và an ninh khu vực. Ông Biden cho biết trên Twitter, “Tôi đã nói với ông ấy rằng, tôi sẽ hợp tác với Trung Quốc khi Trung Quốc mang lại lợi ích cho người dân Mỹ”. Còn truyền thông ĐCSTQ loan tin rằng ông Tập Cận Bình hứa sẽ hợp tác và cảnh báo đối thủ cuộc đối đầu giữa hai cường quốc sẽ là một thảm họa.

ĐCSTQ thường sử dụng từ “thảm họa” nhằm biểu thị sự uy hiếp hoặc đe dọa, nhằm cảnh báo bên kia rằng ĐCSTQ không muốn họ làm điều gì đó.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng tuyên bố trong một bài phát biểu về chính sách đối ngoại rằng “phép thử địa chính trị lớn nhất” mà Mỹ phải đối mặt trong thế kỷ 21 là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng Mỹ phải chiếm thế thượng phong trong ứng phó Trung Quốc (ĐCSTQ), tùy tình huống mà xác định khi nào nên cạnh tranh, khi nào nên hợp tác, và khi cần thiết phải đối đầu.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin gọi ĐCSTQ là “mối đe dọa theo tiến độ” (pacing threat) của Lầu Năm Góc, có nghĩa là mức độ phát triển quân sự của Trung Quốc ảnh hưởng đến mức độ phát triển quân sự mà Mỹ phải thực hiện để duy trì lợi thế của Mỹ.

Vào ngày 9/3, Tư lệnh Ban Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, tướng Philips Davidson đã làm chứng trước Quốc hội Mỹ rằng ĐCSTQ là mối đe dọa chiến lược lớn nhất đối với Mỹ và là mối đe dọa chiến lược lâu dài lớn nhất đối với an ninh toàn cầu trong thế kỷ 21.

Ông chỉ ra: “Mối nguy lớn nhất trong khu vực này mà Mỹ và các đồng minh phải đối mặt là sự suy yếu của khả năng răn đe thông thường đối với Trung Quốc (ĐCSTQ). Nếu không có biện pháp răn đe thuyết phục thì Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ tiếp tục lấn tới không kiêng dè, thay thế hệ thống giá trị trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đã được thiết lập và tầm nhìn của chúng ta về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.”

Giới đảng viên Cộng hòa và thậm chí không ít đảng viên Dân chủ Mỹ thường cảnh báo chính quyền ông Biden không nên vì những vấn đề hợp tác với ĐCSTQ như biến đổi khí hậu… mà nới lỏng hoặc nhượng bộ ĐCSTQ về các nguyên tắc quan trọng khác!

Cuộc gặp vào tuần tới của các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc và sự phát triển trong tương lai của quan hệ Mỹ – Trung sẽ tiếp tục là tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế. 

Mộc Vệ (t/h)

Xem thêm: