Cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva vừa kháng cáo thất bại tại một tòa án cấp cao và đang mất quyền được ra tranh cử trong cuộc bầu cử năm nay. 

Ông Lula da Silva cầm quyền từ năm 2003 đến 2011, bị kết tội nhận hối lộ để đổi lấy ưu đãi chính trị hồi tháng 7/2017.

Embed from Getty Images

Ông Lula da Silva phát biểu trong cuộc mít-ting sau phán quyết giữ y án của tòa phúc thẩm

Hôm thứ Tư (24/1), ba thẩm phán của tòa phúc thẩm thành phố Porto Alegre phán quyết ông Lula đã vi phạm pháp luật khi chấp nhận căn biệt thự bờ biển từ một công ty xây dựng trong một vụ án tham nhũng lớn nhất Brazil. Tòa phúc thẩm nâng án từ 9 năm 6 tháng lên 12 năm một tháng tù giam.

Cựu Tổng thống Brazil bị kết án 10 năm tù vì tham nhũng

Tuy nhiên ông Lula vẫn có thể tại ngoại nếu ông tiếp tục kháng cáo lên tòa án tối cao.

Trước những người ủng hộ hôm thứ Tư, cựu Tổng thống theo đường lối xã hội chủ nghĩa của Brazil nói ông hoàn toàn trong sạch: “Tôi biết tôi không phạm một tội nào”.

Ông Lula, 72 tuổi và các luật sư của ông trước đó đã tin rằng họ có thể kháng án thành công ở tòa án Porto Alegre. Những người ủng hộ ông cũng mong chờ ông có mặt trong danh sách ứng viên trong cuộc bầu cử tháng 10 tới, và tố cáo bản án như một động thái chính trị nhằm ngăn cản việc này.

Ông Lula và luật sư của ông nói rằng họ sẽ khai thác mọi biện pháp để ông được miễn tội. Ông cũng khẳng định sẽ tiếp tục vận động tranh cử dù kết quả tòa án có thế nào.

Phán quyết của tòa phúc thẩm gây phẫn nộ trong những người ủng hộ ông Lula và thành viên Đảng Công nhân. Hàng ngàn người đã tập trung tại thành phố Porto Alegre, nơi diễn ra phiên tòa.

Việc này cũng sẽ khiến sự chia rẽ trong xã hội Brazil thên sâu sắc. Phe ủng hộ Lula thì nói rằng phán quyết là sự tấn công vào nền dân chủ còn phe đối lập thì cho rằng đây là bằng chứng cho thấy Đảng Công nhân đã hủ bại.

Trước phán quyết này, lãnh đạo Đảng Công nhân cấp địa phương Cleiton Leite Coutinho nói với BBC: “Hôm nay Đảng Công nhân không có kế hoạch B, C hay D. Kế hoạch của chúng tôi gọi là Luiz Inacio da Silva. Dù ông Lula có được là ứng viên hay chúng tôi phải đổ ra đường, chúng tôi sẽ không chấp nhận sự xâm phạm vào nền dân chủ Brazil”.

Cựu Tổng thống Brazil bị phong tỏa khối tài sản 4,3 triệu USD

Những người phản đối ông Lula thì hài lòng và muốn thấy ông chịu án càng sớm càng tốt cho những gì ông ta đã gây ra.

Tuy nhiên, theo nhận định của BBC, quá trình kháng cáo có thể giúp ông tại ngoại và tham gia vận động tranh cử trong vài tháng, nhưng với việc bị kết án hình sự, khả năng đủ tiêu chuẩn tranh cử càng ngày càng ít.

Làn sóng cánh tả xã hội chủ nghĩa tại Mỹ Latinh đưa ông Lula tới quyền lực vào năm 2003, khi đó ông ta đã cam kết sẽ chấm dứt nền chính trị hủ bại và tham nhũng của Brazil. Tuy nhiên một vụ bê bối mua phiếu bầu năm 2005 suýt nữa khiến ông ta mất chức.

Mặc dù vậy, ông ta chiếm được cảm tình của đông đảo dân nghèo Brazil bằng cách đổ hàng triệu USD vào các chương trình phúc lợi xã hội và rời nhiệm năm 2011 với uy tín rất lớn.

Năm 2014, Chiến dịch Rửa Xe (Operation Car Wash) điều tra vụ tham nhũng lớn nhất lịch sử Brazil đã kéo ông Lula và Đảng Công nhân của ông vào tròng công lý. Hơn 80 chính trị gia và chủ doanh nghiệp quốc doanh Brazil vướng vào vụ bê bối này.

Năm 2017, ông Lula bị kết tội nhận hối lộ một căn hộ bờ biển để đổi lại hợp đồng cho Petrobras, công ty dầu khí quốc gia Brazil. Hôm qua, 24/1/2018, tòa phúc thẩm khẳng định lại phán quyết này.

Ngoài ra cựu Tổng thống Brazil còn phải đối mặt với các cáo trạng khác, bao gồm rửa tiền, dùng ảnh hưởng chính trị để ngăn cản công lý. Tuy vậy ông vẫn tỏ ý định muốn tiếp tục tham gia cuộc bầu cử ngày 7/10 tới này.

Theo luật bầu cử Brazil, các ứng viên bị kết án không được ra tranh cử.

Nhưng luật sư của ông lập luận rằng luật này không thể áp dụng cho đến khi bị cáo kháng cáo đến lần cuối cùng.

Thậm chí sau đó, ông Lula có thể yêu cầu Tòa án Tối cao bỏ luật cấm này và nếu được đồng ý, ông ta vẫn có thể tranh cử. Tuy nhiên thời gian không còn nhiều, ông Lula phải đăng ký tư cách ứng viên trước 15/8.

Đức Trí (T/h)

Xem thêm: