Một cuộc thăm dò mới cho thấy, rất ít người Mỹ ủng hộ nước này đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột Nga – Ukraine. Kết quả thăm dò được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden đang áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga và đe dọa đáp trả mạnh mẽ hơn.

51643777157 1883410dcd b
TT Joe Biden (Official White House Photo by Adam Schultz)

Theo cuộc thăm dò mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề Công cộng AP-NORC, chỉ có 26% số người được hỏi cho rằng Mỹ nên tham gia vào cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện nay, 52% nói rằng Hoa Kỳ nên đóng một vai trò thứ yếu; 20% khác nói rằng Hoa Kỳ không nên đóng bất kỳ một vai trò nào.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy 32% đảng viên Dân chủ tin rằng Hoa Kỳ nên đóng vai trò chính trong cuộc xung đột, trong khi đảng viên đảng Cộng hòa có cùng quan điểm chỉ chiếm 22%.

Nhìn chung, hiện có khoảng 43% người Mỹ chấp thuận việc ông Biden xử lý mối quan hệ Mỹ – Nga, giảm so với 49% vào tháng 6 năm ngoái.

Mặc dù tỏ ra miễn cưỡng khi phải tham gia vào một cuộc xung đột trên quy mô lớn, nhưng người Mỹ khó có thể nhìn nhận Nga một cách lạc quan. Cuộc khảo sát cho thấy 53% nói rằng họ rất hoặc cực kỳ lo ngại rằng ảnh hưởng của Nga trên toàn thế giới có thể sẽ gây ra mối đe dọa đối với Hoa Kỳ, tỷ lệ này tăng cao khoảng 45% vào tháng 8/2021.

Về một loạt các biện pháp đáp trả mà Nga sẽ thực hiện, hôm thứ Ba, ông Biden thừa nhận rằng “Để bảo vệ tự do, chúng ta cũng sẽ phải trả giá, và trong nước cũng vậy.”

Ông nói: “Chúng ta cần phải trung thực về điều này.”

Hoa Kỳ đã đưa ra những cảnh báo ngày càng mạnh mẽ rằng Nga có thể tiếp tục xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, cuộc thăm dò cho thấy người Mỹ vẫn nghi ngờ cộng đồng tình báo Hoa Kỳ. Chỉ có 23% số người được hỏi cho biết họ “rất có lòng tin” vào các cơ quan tình báo, 52% nói rằng họ có chút tin tưởng, và 24% hầu như không tin.

Dữ liệu trên là kết quả của cuộc khảo sát 1.289 người lớn được thực hiện bởi cơ quan thăm dò ý kiến ​​trong khoảng thời gian từ ngày 18 – 21/2, với sai số lấy mẫu là ± 3,7 điểm phần trăm cho tất cả những người được hỏi.

Cuộc điều tra diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang leo thang nhanh chóng, trong đó ông Putin đã thừa nhận nền độc lập của 2 khu vực do phe ly khai nắm giữ ở miền đông Ukraine. Các quốc gia phương Tây coi đây là một bước tiến tới một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn.

Chế độ chính trị Nga là độc tài tham nhũng, còn Ukraine muốn là một nền dân chủ theo kiểu phương Tây, muốn hội nhập vào các định chế phương Tây. Đối với Tổng thống Nga, Vladimir Putin, đó là một thách thức hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Ông Putin và phe nhóm của ông cảm thấy bị đe dọa bởi phong trào dân chủ, bởi các cuộc biểu tình trong nước đòi hỏi tự do cá nhân, và lá cờ châu Âu. Ukraine, một nước gần gũi về văn hóa với Nga, không thể trở thành một chế độ dân chủ, Nhà nước pháp quyền. Vì như vậy có nghĩa Nga cũng có thể trở thành một quốc gia dân chủ thịnh vượng.

Cuộc khủng hoảng Ukraine khiến châu Âu không còn ảo tưởng về một nền hòa bình vĩnh cửu. Một cuộc điều tra tại 7 nước châu Âu (Pháp, Đức, Ý, Thụy Điển, Phần Lan, Ba Lan, Rumani) do Hội đồng Đối ngoại Châu Âu (ECFR) vừa công bố cho thấy ông Putin đã thành công trong việc làm cho vấn đề an ninh châu Âu lại trở nên trọng tâm.

Bình Minh (t/h)