Hôm 21/6, Sung Kim, đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên đã có cuộc gặp tại Seoul với người đồng cấp Hàn Quốc Noh Kyu-duk và đặc phái viên hạt nhân Nhật Bản Takehiro Funakoshi. Phát biểu tại cuộc thảo luận, ông Kim cho biết chính sách của chính quyền Biden kêu gọi “cách tiếp cận thực tế, hiệu chỉnh” để tiến tới hoạt động ngoại giao với Bình Nhưỡng, SCMP đưa tin.

Embed from Getty Images

Ông Sung Kim là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã làm việc về các vấn đề liên quan đến Triều Tiên dưới các chính quyền của Đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Ông nói, Mỹ hy vọng [Triều Tiên] sẽ phản ứng tích cực với lối tiếp cận mới này, cũng như Mỹ sẵn sàng gặp Triều Tiên “ở mọi nơi, mọi lúc mà không cần điều kiện tiên quyết.”

Ông cho biết thêm rằng Mỹ sẽ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên nếu nước này thử nghiệm các thiết bị hạt nhân và tên lửa có thể mang đầu đạn tới đất liền Hoa Kỳ.

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các phái viên kể từ khi ông Biden nhậm chức. Cuộc gặp diễn ra chỉ vài ngày sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết Bình Nhưỡng sẵn sàng cho “cả đối thoại và đối đầu” với Mỹ. Tuyên bố của ông Kim được cho là dấu hiệu tích cực để trở lại các cuộc thảo luận cấp cao kể từ khi ông Biden thay thế Donald Trump, người đã gặp Kim ba lần. 

“Chúng tôi đã lưu ý đến tuyên bố gần đây của Chủ tịch Kim, đề cập đến cả đối thoại và đối đầu. Chúng tôi sẽ chuẩn bị cho cả hai,” ông Sung Kim nói trước cuộc họp ba bên. Đặc phái viên Mỹ sau đó tái khẳng định Seoul và Washington sẽ theo đuổi việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên thông qua ngoại giao và đối thoại.

“Tôi cũng nhắc lại sự ủng hộ của chúng tôi đối với đối thoại, hợp tác và gắn kết liên Triều một cách có ý nghĩa như hai nhà lãnh đạo đã làm ở Washington”, ông nói, đề cập đến hội nghị thượng đỉnh tháng trước có sự tham gia của Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Trong cuộc hội đàm hôm 21/6, Noh cho biết Seoul sẽ tiếp tục đóng một vai trò trong việc sớm nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng thông qua phối hợp với Washington.

Ông nói: “Chúng tôi mong muốn khôi phục lại cấu trúc mà mối quan hệ liên Triều cũng như Mỹ – Triều sẽ củng cố lẫn nhau theo cách đôi bên cùng có lợi.”

Seoul đang thúc đẩy nối lại giao lưu với Triều Tiên, bắt đầu với viện trợ nhân đạo như hỗ trợ lương thực và tiêm chủng COVID-19.

Cheong Seong-chang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Sejong ở Seongnam, cho biết: “Nếu Mỹ kêu gọi phi hạt nhân hóa hoàn toàn miền Bắc, Bình Nhưỡng sẽ không thể chấp nhận điều đó. Nhưng Triều Tiên có khả năng sẽ chấp nhận một thỏa thuận trong đó các chương trình hạt nhân của họ sẽ bị đóng băng và kho vũ khí hạt nhân hiện có sẽ bị cắt giảm để đổi lại việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt theo từng giai đoạn, đồng thời chấm dứt các cuộc tập trận quân sự Mỹ – Hàn.”

Một trong những thông điệp chính mà Kim Jong-un đưa ra tại cuộc họp của đảng cầm quyền đầu năm nay là cần phải cải thiện nền kinh tế, đưa ra cảnh báo hiếm hoi rằng tình hình lương thực của đất nước đang “căng thẳng”.

Triều Tiên phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực kinh niên. Tình trạng này đã trở nên tồi tệ hơn do các trận bão vào năm ngoái đã hủy hoại mùa màng, cũng như bị tác động bởi quyết định đóng cửa biên giới của Kim do COVID-19.

Fitch Solutions hồi tháng 4 cho biết nền kinh tế Triều Tiên sẽ khó tăng trưởng trong năm nay sau khi nước này rơi vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Triều Tiên hiện vẫn đang tiếp tục vật lộn với đại dịch, các lệnh trừng phạt quốc tế, và sự sụt giảm thương mại với Trung Quốc.

Lê Vy

Xem thêm: