Hôm thứ Ba (29/3), Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức vòng đàm phán hòa bình mới nhất giữa Nga và Ukraine. Cuộc đối thoại này dự kiến diễn ra trong hai ngày 29/3 và 30/3, nhưng đã kết thúc sớm hôm 29/3. Hai bên đã đạt được một số tiến triển mới và điều này cho thấy họ có thể sớm ký kết được thỏa thuận ngừng bắn sau hơn một tháng chiến tranh.

Embed from Getty Images

Cuộc đàm phán tại Istanbul khởi đầu với không khí “lạnh nhạt” khi hai bên không bắt tay xã giao. Tỷ phú người Nga Roman Abramovich cũng xuất hiện trong cuộc họp này, nhưng không rõ vai trò cụ thể.

Phái đoàn Ukraine đã mang tới cuộc đàm phán bản đề xuất soạn thảo trước về hiệp định hòa bình Nga-Ukraine. Trưởng đoàn đàm phán của Nga, ông Vladimir Medinsky nói với truyền thông rằng phiên họp này là “thực chất”.

Dù vậy, phía Mỹ vẫn tỏ ra nghi ngờ về thái độ nghiêm túc của Nga trong việc theo đuổi hòa bình với Ukraine.

Dưới đây là một số điểm đáng chú ý về đối thoại Nga-Ukraine hôm 29/3:

* Ukraine muốn được đảm bảo an ninh như Điều 5 của NATO

Trưởng đoàn đàm phán Ukraine, ông David Arakhamia nói rằng Kyiv phải được đảm bảo an ninh tương tự như nội dung trong Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Ông nêu tên 5 thành viên thường trực Liên Hiệp Quốc – Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga – và các nước khác như Canada, Ý, Ba Lan và Israel là các quốc gia cung cấp đảm bảo an ninh cho Ukraine.

* Ukraine cam kết là quốc gia trung lập không vũ khí hạt nhân

Trong đề xuất được soạn trước, Ukraine cam kết không gia nhập bất kỳ liên minh quân sự nào và cũng không để nước ngoài đóng quân và đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Ukraine. Kyiv cũng cam kết sẽ không theo đuổi sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, kể cả vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Ukraine muốn Nga không phản đối Kyiv một ngày nào đó sẽ gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

* Tạm gác lại vấn đề Crimea và Donbass

Theo ông Medinsky, Ukraine đề xuất một bản ghi nhớ 15 năm về địa vị của Crimea, trong suốt thời gian này, số phận của bán đảo Crimea sẽ được Ukraine và Nga đàm phán và hai bên sẽ cam kết không sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề này. Trong khi đó, lập trường của Nga là Crimea là một phần lãnh thổ của Nga và Ukraine cần phải công nhận như vậy.

Trong bản đề xuất của Ukraine có nói rằng một số lãnh thổ đang tranh chấp sẽ không bao gồm trong cơ chế đảm bảo an ninh.

Đối với các lãnh thổ của các khu vực Donetsk và Luhansk và Cộng hòa tự trị Crimea bị chiếm đóng, vì địa vị của các vùng này chưa được quy định, nên các đảm bảo an ninh quốc tế tạm thời sẽ không có hiệu lực trong những lãnh thổ này”, The Epoch Times trích dẫn đề xuất của Ukraine.

* Ukraine kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ

Trưởng đoàn đàm phán Ukraine Arakhamia đã nêu rõ rằng Kyiv sẽ khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ mà Ukraine đã có khi họ tuyên bố độc lập vào năm 1991. Ông khẳng định Ukraine sẽ không nhượng bộ về vấn đề này.

Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán Nga Medinsky cho biết Kyiv không tuyên bố liệu họ sẽ từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với Donetsk và Lugansk hay không. Trước khi Nga phát động chiến tranh xâm lược, Ukraine đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ của Donetsk và Lugansk và luôn khẳng định hai khu vực này không thể tách rời khỏi Ukraine.

* Điều kiện mới cho cuộc họp Zelensky – Putin

Nga đã đồng ý tổ chức cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky, nhìn nhận đây là một phần của giai đoạn cuối cùng của các cuộc đàm phán về một hiệp định hòa bình.

Tuy nhiên, Điện Kremlin đặt ra điều kiện rằng trước khi có cuộc họp giữa hai tổng thống, thì các bộ trưởng ngoại giao hai nước phải ký được thỏa thuận song phương.

Như Ngọc (T/h)