Đầu tháng 3 vừa qua, Minghui.org, một cổng thông tin của người tập Pháp Luân Công tại hải ngoại, đưa tin rằng tính đến thời điểm hiện tại, người tập Pháp Luân Công tại 38 quốc gia đã đệ trình danh sách gồm 9.300 đặc vụ Phòng 610 các cấp ở Trung Quốc lên chính phủ nước họ. Theo đó, phòng 610 là một tổ chức tương tự lực lượng cảnh sát mật Gestapo của Đức Quốc xã, nằm ngoài vòng pháp luật và có quyền lực thao túng toàn bộ các cơ quan chính phủ. Trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, phòng 610 đã đóng vai trò như một xương sống chỉ đạo cho cuộc bức hại trên khắp toàn Trung Quốc. Những người tập Pháp Luân Công tại hải ngoại đã yêu cầu chính phủ các nước trừng phạt những thủ phạm vi phạm nhân quyền này bằng cách cấm họ nhập cảnh và đóng băng tài sản của họ cũng như người nhà.

Danh sách hơn 9.000 đặc vụ phòng 610 ở Trung Quốc được đệ trình lên 38 quốc gia
Cảnh sát bắt giữ những người tập Pháp Luân Công nói rõ sự thật tại quảng trường Thiên An Môn. (Ảnh: Minghui.org)

Được biết đầu tháng 12 năm 2020, người tập Pháp Luân Công đã đệ trình một danh sách rút gọn lên chính phủ của 29 quốc gia để yêu cầu các biện pháp trừng phạt. Trong lần cập nhất tháng 3/2021 này, có thêm 9 quốc gia nữa. 38 quốc gia này bao gồm 5 quốc gia thuộc Liên minh Ngũ Nhãn (Five Eyes), 25 quốc gia của Liên minh Châu Âu (EU) và 8 quốc gia ở các khu vực khác. Cụ thể, liên minh Ngũ Nhãn bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc và New Zealand; 25 quốc gia EU là: Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Bỉ, Thụy Điển, Áo, Ireland, Đan Mạch, Phần Lan, Séc, Romania, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Hungary, Slovakia, Luxembourg, Bulgaria, Croatia, Slovenia, Latvia, Síp và Malta; 8 quốc gia còn lại là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Na Uy, Liechtenstein, Israel, Argentina và Mexico.

Phòng 610 là một tổ chức có hệ thống được thành lập vào ngày 10 tháng 6 năm 1999, theo lệnh của cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân nhằm phát động cuộc đàn áp trên toàn quốc đối với Pháp Luân Công. Cơ quan này phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Chính trị và Pháp luật ở tất cả các cấp, và là một tổ chức ngoài vòng pháp luật, huy động tất cả các ban ngành của bộ máy nhà nước để đàn áp Pháp Luân Công, bao gồm cảnh sát, viện kiểm sát, tòa án, quân đội, cảnh sát vũ trang, tình báo, đối ngoại, giáo dục, truyền thông, y tế và các bộ ngành khác.

Mặc dù các quan chức Trung Quốc phủ nhận sự tồn tại của tổ chức này, các phương tiện truyền thông phương Tây và các học giả cũng ít khi nhắc đến nó, nhưng các luật sư ở Trung Quốc lại so sánh tổ chức này tương tự như cảnh sát mật Gestapo của Đức Quốc xã.

Trên thực tế, không có cơ sở pháp lý nào để thành lập tổ chức 610 và cũng không có luật nào phân định quyền hạn của tổ chức này. Thay vào đó, Giang Trạch Dân đã thành lập và tuyên bố về tổ chức này trong bài phát biểu trước các cán bộ ưu tú hơn 1 tháng trước khi Pháp Luân Công chính thức bị đàn áp. Ông Giang đã ra lệnh cho tổ chức này “ngay lập tức tổ chức các lực lượng”, “hình thành chiến lược tác chiến”, và “chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ làm tan rã [Pháp Luân Công]”.

Bản sao bài phát biểu của Giang về phòng 610 đã lập tức được gửi đến chính quyền các cấp ở Trung Quốc. Quan chức các cấp nhận được chỉ thị rằng họ “phải hợp tác” với phòng 610 và các phòng ban liên quan đến phòng này. Ngoài ra, Giang Trạch Dân yêu cầu sự hậu thuẫn của tất cả cả các thẩm phán tại Trung Quốc, vốn đều là Đảng viên ĐCSTQ. Do đó về cơ bản phòng 610 nằm trên luật pháp, và vi phạm điều 5 của hiến pháp Trung Quốc.

Khi cuộc đàn áp tại Trung Quốc leo thang, Giang Trạch Dân đã ra lệnh sử dụng “mọi phương cách cần thiết”. Mệnh lệnh này khiến cho phòng 610 nhanh chóng trở nên khét tiếng với việc sử dụng các hình thức tra tấn cực kỳ tàn bạo.

Khi ghi chép về hình thức tra tấn tàn bạo của phòng 610, ông Cao Trí Thịnh, luật sư nhân quyền nổi tiếng Trung Quốc đã viết vào năm 2005 như sau:

“Hành động vô đạo đức làm tôi kinh hoàng là việc nhân viên phòng 610 thường xuyên tấn công bộ phận sinh dục của phụ nữ. Trong số những người bị bức hại là nữ giới, bộ phận sinh dục và ngực của họ đều bị đàn ông tấn công theo cách thô tục nhất. Hầu như tất cả những người đã bị bức hại dù là nam hay nữ, đều bị lột trần truồng trước khi bị tra tấn.”

“Loại đối xử vô đạo đức và tục tĩu này đã khiến tôi ghê tởm. Hơn nữa những hành động đó lại được thực hiện bởi những kẻ mang trên mình huy hiệu quốc gia.”

Cổng thông tin Minghui của Pháp Luân Công cho biết, phòng 610 không chỉ có ở cấp trung ương, mà còn có ở các ban ngành ở hầu hết các thành phố, quận, thị trấn và làng xã ở Trung Quốc. Họ cũng có mặt trong các doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn lớn. Trong 21 năm qua, kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, hơn 4.000 người tập Pháp Luân Công được Minghui xác nhận danh tính đã bị thiệt mạng. Số người bị bắt giữ, giam cầm, bỏ tù, và tra tấn còn lớn hơn nhiều. Ngoài ra số nạn nhân của tội ác thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm do ĐCSTQ hậu thuẫn là không thể thống kê.

Danh sách cập nhật mới nhất do phía Pháp Luân Công đưa ra bao gồm khoảng 9.300 cá nhân thuộc các cơ quan chính quyền trung ương cho đến cấp tỉnh thành, kể cả cảnh sát Phòng 610 ở các trường học và các tổ chức khác. Trong đó một số cái tên đáng chú ý bao gồm:

Các quan chức thuộc chính quyền cấp trung ương bao gồm: Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng, Lý Lam Thanh, La Cán, Đinh Quan Căn, Cổ Xuân Vượng, Lưu Kinh, Cổ Khánh Lâm, Ngô Quan Chính, Lưu Vân Sơn, Mạnh Kiến Trụ, và những thủ phạm khác.

Các quan chức thuộc chính quyền cấp tỉnh bao gồm: Đỗ Lê Bân (Bắc Kinh), Nghiệp Lộ Hoa (Thượng Hải), Đằng Cẩm Nhiên (Thiên Tân), Trần Minh (Trùng Khánh), Trương Trọng Ngọc (Liêu Ninh), Lý Quang Huy (Cát Lâm), Quách Nham (Hắc Long Giang), Vương Lập Sơn (Hà Bắc), Lâm Tú Đình (Sơn Đông), Cổ Nguyệt Thành (Tứ Xuyên), Trương Thánh Khâm (Quảng Đông), Kim Tú Bân (Hồ Bắc), Trần Thụ Lâm (Hồ Nam), Ngô Tân Thành (Thiểm Tây), và các thủ phạm khác.

Các quan chức thuộc chính quyền cấp thành phố và thị trấn: Triệu Kiến (huyện Lâm Tuyền, tỉnh An Huy), Lâm Hiếu Hiền (huyện Hà Phổ, tỉnh Phúc Kiến), Triệu Vinh Sâm (huyện Đại Tân, tỉnh Quảng Tây), Triệu Khánh Quốc (huyện Thị Kế, thành phố Thiên Tân), Chu Khoa (huyện Đồng Nam, thành phố Trùng Khánh), Dương Thanh Sơn (thị trấn Ngưu Tỉnh, tỉnh Vân Nam), và Dương Hiểu Phong (thị trấn Triêu Dương, tỉnh Hắc Long Giang).

Các quan chức thuộc chính quyền các vùng sâu vùng xa: Chu Đức Trung (thành phố Tất Tiết, tỉnh Quý Châu), Trần Bồi Phân (thành phố Sở Hùng, tỉnh Vân Nam), Tôn Tông Quý (thành phố Hải Đông, tỉnh Thanh Hải), Mạnh Hữu Trụ (thành phố Kim Xương, tỉnh Cam Túc), và Lý Đức Vinh (thành phố Cố Nguyên, tỉnh Ninh Hạ).

Các quan chức thuộc chính quyền các nhóm dân tộc thiểu số: Vương Kế Hồng (thành phố A Khắc Tô, tỉnh Tân Cương), Thứ Nhân Đa Cát (thành phố Lạp Tát, Tây Tạng), và Lương Tuấn Phong (thành phố Ba Ngạn Náo Nhĩ, Nội Mông Cổ).

Sau khi Đạo luật Magnitsky Toàn cầu được thông qua ở Hoa Kỳ vào năm 2016, khoảng 27 quốc gia, trong đó có Canada và nhiều quốc gia ở EU đã thông qua hoặc lên kế hoạch thực thi đạo luật tương tự nhằm buộc những thủ phạm vi phạm nhân quyền này phải chịu trách nhiệm trên toàn cầu.

Ngày 10/12/2020, lần đầu tiên chính quyền Hoa Kỳ công khai tuyên bố trừng phạt một quan chức Trung Quốc vì “vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tín ngưỡng của người tập Pháp Luân Công”. Người bị trừng phạt là ông Hoàng Nguyên Hùng (Huang Yuanxiong), Giám đốc Sở Cảnh sát thuộc Cục Công an thành phố Hạ Môn, Phúc Kiến, Trung Quốc.

Minh Nhật biên tập

Xem thêm: Hơn 100 tổ chức người Việt ở hải ngoại kêu gọi quan tâm tới tội ác thu hoạch tạng

Mời xem video: