Tiến sĩ Bradoo, trưởng khoa tai mũi họng tại Bệnh viện Sion, cho biết đã có sự gia tăng “theo cấp số nhân” các trường hợp nhiễm nấm ở bệnh nhân COVID, gọi đó là “dịch trong một đại dịch”.

Embed from Getty Images

Vào một buổi sáng oi bức gần đây ở Mumbai, Neelam Bakshi, 47 tuổi, được cho biết bà sẽ phải bỏ cả hai mắt. Bà bị nhiễm “nấm đen”, một căn bệnh có tỷ lệ tử vong lên tới 50%, khiến đôi mắt của bà bị cứng lại, khô và sưng lên. Nếu không phẫu thuật mắt, bà có thể sẽ mất mạng sống của mình.

Bác sĩ Renuka Bradoo điều trị cho bà Bakshi cho biết: “Phải mất một lúc, bà ấy mới chấp nhận lời nói của tôi. Sau đó, bà ấy chỉ nói đơn giản rằng ‘Tôi sẽ không thể nhìn thấy các con tôi nữa’ và im lặng”.

Bà Bakshi hầu như không có thời gian để xử lý tin tức trước khi ký vào đơn đồng ý phẫu thuật.

“Chúng tôi phải hành động ngay lập tức trước khi nó lây lan đến não. Tôi đã nói với bà ấy rằng bà ấy phải lựa chọn đôi mắt hoặc cuộc sống. Xin hãy hiểu rằng việc loại bỏ đôi mắt là cách duy nhất để chúng tôi có thể đưa bà trở về với gia đình của mình,” bác sĩ Bradoo nói.

Căn bệnh chết người và thường gây biến chứng này rất hiếm gặp. Nhưng khi làn sóng nhiễm virus corona thứ hai quét qua Ấn Độ, bang Maharashtra vốn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19, giờ đây cũng phải đương đầu với sự bùng nổ của các trường hợp nhiễm mucormycosis, hay còn gọi là bệnh “nấm đen”. 

Tiến sĩ Bradoo, trưởng khoa tai mũi họng tại Bệnh viện Sion, cho biết đã có sự gia tăng “theo cấp số nhân” các trường hợp nhiễm nấm ở bệnh nhân COVID, gọi đó là “dịch trong một đại dịch”.

Đồng nghiệp của Bradoo, bác sĩ phẫu thuật mắt, Tiến sĩ Akshay Nair, cho biết ông đã phải tiến hành phẫu thuật nhiều hơn những gì ông nghĩ có thể xảy ra kể từ khi đợt bùng dịch thứ hai nổ ra vào đầu tháng Tư. “Đó là một cơn ác mộng bên trong một cơn ác mộng,” ông nói.

Thông thường, bệnh “nấm đen” ảnh hưởng đến những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch do mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát hoặc một số bệnh ung thư. Tuy nhiên, đợt bùng phát hiện tại đã tấn công những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường nhưng nhiễm cả COVID-19, những người đã phải sử dụng steroid để kiểm soát virus, do đó đã đẩy lượng đường của họ lên cao và làm tổn thương hệ thống miễn dịch.

Sau khi khỏi bệnh COVID-19, thông thường bệnh nhân được xuất viện và về nhà, thì chỉ vài ngày sau, họ bắt đầu thấy xuất hiện một hoặc hai triệu chứng lạ, nhưng không quá đáng báo động như chảy nước mũi nhẹ, nhức đầu, tê nhẹ ở xương gò má.

Nhiễm trùng bắt đầu từ trong xoang. Trong hai đến bốn ngày, nó có thể xâm nhập vào mắt. Nếu không được can thiệp ở giai đoạn này, nó có thể đến não. Do các triệu chứng ban đầu không quá đáng báo động nên bệnh nhân thường đến gặp bác sĩ khá muộn, khi họ cảm thấy khó mở hoặc cử động mắt. Thường phải mất một tuần hoặc lâu hơn trước khi họ gặp bác sĩ tai mũi họng để chẩn đoán được chính xác bệnh.

Lúc này, phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật cắt bỏ một hoặc cả hai mắt hoặc thậm chí là hàm trên. Bởi một khi nó đã lan đến não, thì không thể làm gì được. Tỷ lệ tử vong là 50%.

Vào ngày 12/5, Bộ trưởng Bộ Y tế của bang Maharashtra, ông Rajesth Tope cho biết tiểu bang đã ghi nhận tới 2.000 trường hợp mắc “nấm đen”.

Nói từ thị trấn Pune, bác sĩ phẫu thuật tai mũi họng, Tiến sĩ Murarji Ghadge, cạn kiệt cảm xúc. Ông nói: “Sự bùng phát đang lan tràn và thật khủng khiếp”.

“Đêm qua, tôi phải phẫu thuật cắt bỏ mắt của một bệnh nhân vào lúc nửa đêm trước khi nhiễm trùng lên não. Lúc 3h sáng, tôi tiếp tục mổ cho một bệnh nhân khác,” ông nói.

“Hôm nay tôi sẽ phải loại bỏ toàn bộ hàm trên và má của một phụ nữ trẻ… Tôi chưa bao giờ thấy thứ gì như vậy.”

Ở vùng Gujarat lân cận, các bác sĩ tai mũi họng trước đây thường chỉ tiếp nhận một hoặc hai trường hợp nhiễm “nấm đen” mỗi năm, thì nay họ đã phát hiện bệnh cho từ 6 đến 8 trường hợp mỗi ngày. 

Bác sĩ Saumitra Shah ở Surat cho biết: “Bệnh viện 20 giường của tôi đã chứa đầy các ca bệnh “nấm đen” trong nhiều tuần nay.”

Bác sĩ Nair nói rằng khi trò chuyện qua WhatsApp với sáu bác sĩ phẫu thuật mắt ở các thành phố khác, họ đã ghi nhận 58 trường hợp vào tháng Ba. Vào tháng Tư, con số vọt lên 200.

Bác sĩ Bradoo cho biết 60% bệnh nhân của bà cần phải cắt bỏ một hoặc cả hai mắt. Trong 30% trường hợp, nấm đen (liên quan đến màu của mô hoại tử) đã lan đến khu vực liên sọ.

Bác sĩ Nair mới đây đã cắt bỏ mắt và hàm trên của một phụ nữ 26 tuổi, người bị tiểu đường nặng trong một thời gian dài. Bây giờ cô ấy có thể nói nhưng không ăn được, chỉ có thể ăn qua ống dẫn. Khuôn mặt bị biến dạng khiến bệnh nhân tự ti. Vài tháng nữa, cô sẽ phẫu thuật thẩm mỹ để chỉnh hình hàm của mình.

Gần đây, bác sĩ Nair cũng phẫu thuật cho Khurshida Bano, 49 tuổi, một bệnh nhân tiểu đường đã hồi phục sau COVID-19 nhưng khó mở mắt trái vài ngày sau khi trở về nhà. Để loại bỏ sự lây nhiễm để nó không thể xâm nhập vào não, bác sĩ Nair đã phải loại bỏ toàn bộ nhãn cầu, mô, dây thần kinh và mí mắt của bà Bano.

Vào lúc cao điểm nhất vào tuần trước, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 400.000 ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày trong một chuỗi ngày liên tiếp các ca nhiễm tăng cao kỷ lục. 

Giáo sư K. Srinath Reddy, chủ tịch của Tổ chức Y tế Công cộng của Ấn Độ, cho biết tỷ lệ mắc “nấm đen” thấp hơn trong đợt lây nhiễm COVID đầu tiên khi steroid chưa được sử dụng rộng rãi.

“Bây giờ chúng là liệu pháp tiêu chuẩn và trong khi chúng giúp cứu mạng bệnh nhân nhiễm COVID, chúng cũng ngăn chặn hệ thống miễn dịch,” ông Reddy nói.

Sau đợt điều trị ban đầu, bệnh nhân phải đối mặt với một thời gian dài khó khăn lên đến tám tuần. Họ cần tiêm thuốc chống nấm rất mạnh và đắt tiền.

Thuốc chính, Amphotericin B, có giá khoảng 6.000 rupee (80 đô la Mỹ) và mỗi bệnh nhân cần tiêm ít nhất từ ​​50 đến 60 lần. Đối với nhiều người, những người đã phải tiêu số tiền tiết kiệm cho việc điều trị COVID-19, họ không thể gánh thêm chi phí này.

Tiến sĩ Tatyarao Lahane, người đứng đầu Cục Nghiên cứu và Giáo dục Y tế của bang Maharashtra, cho biết ​​“số ca bệnh “nấm đen” nhiều hơn 100 lần so với bình thường”. Ông nói rằng với quy mô của đợt bùng phát và chi phí điều trị, chính phủ sẽ cung cấp dịch vụ điều trị miễn phí.

Xuân Lan (theo SCMP)