Diễn viên Sean Penn kêu gọi các tỷ phú đầu tư 500 triệu USD cho Ukraine để mua 2 phi đội gồm 12 máy bay chiến đấu F-15 hoặc F-16 cùng hệ thống phòng thủ tên lửa.

p3105281a619372804
Ngôi sao Hollywood Sean Penn. (Nguồn: Wikipedia)

Ngôi sao Hollywood Sean Penn chia sẻ trên Twitter: “Theo thông tin công khai, 2 phi đội F-15 hoặc F-16 (tức là 12 máy bay chiến đấu tốt hơn MiG hoặc Sukai của Nga) chỉ cần huấn luyện cấp tốc (3 tuần) để phi công Ukraine vận hành được, sẽ phải trả khoảng 300 triệu USD. Ngoài ra thêm 200 triệu USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa, tổng cộng là 500 triệu USD”.

Ông chia sẻ thêm: “Chỉ cần một tỷ phú là có thể chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Tất nhiên là có thêm chi phí, bao gồm cả vũ khí và bảo trì các đường băng đặc biệt, nhưng có vẻ đáng được cân nhắc”.

Lời kêu gọi của Sean Penn được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Không quân Ukraine yêu cầu có được máy bay phản lực do Mỹ sản xuất.

The Guardian đưa tin, mặc dù Sean Penn có thể không thích hợp đóng vai một nhà môi giới vũ khí, nhưng ông đã tham gia vào một bộ phim về Ukraine và vị tổng thống hấp dẫn của nước này là ông Volodymyr Zelensky.

Sean Penn đã giành được hai giải Oscar cho các bộ phim “Mystic River” và “Milk”, được biết đến nhiều nhất qua mối quan hệ với Madonna và hoạt động chính trị tích cực của ông trong những năm gần đây. Ông đã kết nối với các tổng thống của Venezuela và Cuba, cũng từng tham gia vận động từ thiện cho cơn bão Katrina và trận động đất Haiti năm 2010.

Khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ, ông đang ở thủ đô Kiev của Ukraine. Cuối ngày hôm đó, tài khoản Instagram của Tổng thống Zelensky đã đăng một video cho thấy minh tinh Sean Penn đang gặp ông tâm trạng mệt mỏi.

Trong lễ trao giải Oscar vào tuần trước, Sean Penn đã tuyên bố nếu Zelensky không được phép phát biểu tại lễ trao giải thì ông sẽ đập nát tượng vàng Oscar “trước công chúng”.

Kể từ khi chiến tranh bắt đầu nổ ra, Ukraine đã không ngừng yêu cầu được cung cấp nhiều máy bay chiến đấu hơn, nhưng Mỹ đã từ chối ủng hộ một thỏa thuận có thể cho Ba Lan cung cấp 28 máy bay chiến đấu MiG-29 do Nga sản xuất. Washington lo ngại việc cung cấp máy bay chiến đấu có thể khiến Nga có vũ trang hạt nhân xem là hành động leo thang.

Dù bị từ chối nhưng Ukraine vẫn tiếp tục giữ vững lập trường, không quân Ukraine vẫn tweet rằng “máy bay chiến đấu là cần thiết nhất”, họ đặc biệt yêu cầu máy bay chiến đấu F-15 và F-16 có thiết kế ban đầu từ những năm 1960 và 1970, cho biết các phi công của Ukraine có thể sử dụng được những máy bay đó chỉ với 2-3 tuần đào tạo.

Giới chuyên gia chỉ ra, thường mất 4 tháng để các phi công học cách lái một chiếc máy bay chiến đấu mới và Ukraine cũng đối mặt với các vấn đề trong việc tìm kiếm phụ tùng thay thế và bảo trì máy bay.

Andy Netherwood, một cựu phi công và bình luận viên quốc phòng của Hoàng gia Anh nói: “Nếu hỏi tôi khi bắt đầu chiến tranh, tôi sẽ nói rằng các phi công Ukraine không thể làm chủ được một chiếc máy bay chiến đấu mới trong vòng 2-3 tuần huấn luyện. Nhưng bây giờ khi nói đến Không quân Ukraine, tôi không thể dùng từ ‘không thể’ này”.

Nhưng có một rào cản nghiêm trọng hơn để một tỷ phú mua máy bay chiến đấu F-15 và F-16 và đưa chúng đến Ukraine là biện pháp kiểm soát xuất khẩu vũ khí của Mỹ. Hoạt động mua bán vũ khí lớn phải được Quốc hội Mỹ thông qua thì mới có thể hợp pháp. Netherwood nói thêm: “Thông thường việc mua bán máy bay chiến đấu là hoạt động giữa các chính phủ”.