Trong khi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy cách hành xử vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với người dân tộc thiểu số tại Tân Cương thì phương Tây vẫn còn có những động thái rất hữu hạn. Tạp chí nhân quyền Bitter Winter đã đăng tải một bài bình luận về cuộc diệt chủng văn hóa này của tác giả Wayne Pajunen, cựu nghị sĩ Canada, với lời mở đầu: “Phương Tây đánh mất phẩm giá, nhắm mắt làm ngơ trước việc lạm dụng nhân quyền ‘như trong tiểu thuyết’ của Bắc Kinh.”

Dưới đây là bản dịch toàn văn bài bình luận, bản gốc xem tại đây.

*

Phương Tây đánh mất phẩm giá, nhắm mắt làm ngơ trước việc lạm dụng nhân quyền ‘như trong tiểu thuyết’ (*) của Bắc Kinh.

(*) Tiểu thuyết 1984 của George Orwell, mô tả một chính quyền độc tài,
kiểm soát tuyệt đối tới tận suy nghĩ của từng người dân.

Washington đã thừa nhận rằng: “Những gì được George Orwell viết trong tiểu thuyết 1984 đang thực sự diễn ra” tại Tân Cương. Orwell đã nói trước kịch bản của Bắc Kinh: Cách hiệu quả nhất để hủy diệt con người chính là chối bỏ và xóa sạch những điều mà họ biết được từ lịch sử của mình.

Rõ ràng với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, ĐCSTQ đã sử dụng cách tiếp cận độc tài, bao gồm cả công nghệ dự đoán tương lai phạm tội (*) ‘tưởng chừng chỉ có trong phim ảnh’, để thực hiện một cuộc diệt chủng văn hóa.

(*) Bộ phim Minority Report (2002) nói về công nghệ
có thể biết trước tương lai phạm tội của một người,
thực chất có lỗ hổng và bị lợi dụng để phạm tội.

Cách làm của Bắc Kinh như sau: Nhằm thực hiện cuộc diệt chủng văn hóa, Bắc Kinh đưa chuẩn mực văn hóa của người Hán vào trí thông minh nhân tạo, nhằm đưa ra cái gọi là cáo trạng ‘tiền phạm tội’, hệt như trong phim. Sau đó, chính quyền độc tài ‘giáo dục cải tạo’ để tránh khỏi cái gọi là ‘tương lai phạm tội’ đó, bằng cách cưỡng bức hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ vào các trung tâm với cái tên ‘uyển chuyển’ là Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề.

Những điều mà Bắc Kinh nhận định là dấu hiệu của ‘tội phạm tương lai’ chính là việc dạy về lịch sử Duy Ngô Nhĩ, việc thờ cúng Hồi giáo, việc không ăn thịt lợn và uống rượu, việc để râu, và cả việc đặt tên con theo ngôn ngữ Duy Ngô Nhĩ, v.v.. Về cơ bản, bất cứ việc gì liên quan tới đạo Hồi đều bị liệt vào hành vi bệnh tâm thần, và cần phải đi cải tạo.

Những người từng bị giam giữ trong các trung tâm giáo dục đó gọi chúng là các “trại tập trung”, mô tả chúng với những bức tường dây thép gai, với những hành vi cưỡng ép tuyên truyền văn hóa và ngôn ngữ, cưỡng chế triệt sản phụ nữ, lạm dụng tình dục, khiến một số thành viên gia đình biến mất hoàn toàn khỏi mặt đất, và những bi kịch khác.

Khi sự thật được đưa ra ánh sáng, Bắc Kinh vẫn rao giảng: “Các Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề… được xây dựng đúng luật, nhằm giúp đỡ những người bị xói mòn bởi chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan quay trở về con đường đúng đắn.”

Mặc dù chính quyền ĐCSTQ phủ nhận những trại tập trung tội ác này, thì các tài liệu Tân Cương mới rò rỉ lại cho thấy điều ngược lại. Và hơn thế nữa, sân bay Kashgar tại Tân Cương lại còn xây dựng đường bay ưu tiên “dành riêng cho khách hàng đặc biệt và vận chuyển nội tạng cấy ghép“. Điều này gợi nhớ đến vô số các báo cáo về việc thu hoạch tạng từ những người tập Pháp Luân Công vô tội, [cho thấy tội ác tương tự có thể đang diễn ra với người dân tộc thiểu số tại Tân Cương].

Tờ Atlantic đăng một bản tin khiến chúng ta ‘mở mắt’, với bản dịch một đoạn ghi âm từ quan chức ĐCSTQ được gửi qua phần mềm WeChat tới điện thoại của những người Duy Ngô Nhĩ. Bản ghi âm có nội dung: nhằm ngăn chặn “mối nguy hại đối với cộng đồng… những người [Duy Ngô Nhĩ] đó phải bị đưa vào bệnh viện giáo dục cải tạo kịp thời để điều trị và xóa sạch virus bên trong não họ, phục hồi nó về trạng thái bình thường”. Những ai “bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tôn giáo cực đoan [trong một nhà nước vô thần] mà không được chạy chữa sẽ giống như những kẻ bị bệnh, hoặc những kẻ đã uống thuốc độc.”

Trong khi người trưởng thành tại Tân Cương bị giam giữ và ‘tẩy rửa’, thì trẻ em bị tách khỏi gia đình và bị nằm dưới sự ‘chăm sóc’ tẩy não toàn diện của chính quyền. Những đứa bé ấy sẽ bắt đầu mỗi buổi sáng bằng việc trả lời các câu hỏi: Em có yêu Trung Quốc không? Em có muốn Trung Quốc lớn mạnh lên không? Và nực cười hơn nữa là câu hỏi: Em có phải là người Trung Quốc không?

Để tìm hiểu về cảnh ngộ của những người Duy Ngô Nhĩ, người viết đã tới gặp một gia đình “Yalghuz”, tự nguyện trốn khỏi quê hương của họ ở Kashgar, phía đông Turkmenistan (Tân Cương), và hiện đang sống tại Toronto, Canada.

Họ đã sử dụng bí danh Yalghuz để bảo vệ những thành viên trong gia đình vẫn còn sống ở quê nhà. Yalghuz trong ngôn ngữ của dân tộc Duy Ngô Nhĩ có nghĩa là “cô độc”, bí danh này cũng nói lên cảm giác của họ khi họ chạy trốn khỏi Trung Quốc năm 2016. Sau khi thoát khỏi chế độ độc tài, họ cảm thấy sợ hãi thay cho cha mẹ, anh chị em và bạn bè của họ, những người kẹt lại.

Ở Tân Cương, mọi người bị buộc phải cài đặt các ứng dụng theo dõi trên điện thoại thông minh. Việc liên lạc với bạn bè hay gia đình ở hải ngoại là điều không thể, vì người ta lo sợ. Ông bà Yalghuz chỉ có thể “ngày đêm lo lắng” cho số phận những người thân.

Với những người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, việc liên lạc với người thân tại hải ngoại sẽ trực tiếp dẫn họ đến các trại tập trung hoặc tệ hơn.

Người nhà Yalghuz đã mời người viết một bữa tối truyền thống của họ và chia sẻ quá trình trốn chạy của họ, cùng những câu chuyện về việc họ bị phân biệt đối xử tại quê nhà.

Bà Yalghuz kể lại cách người quản lý bắt bà làm việc theo ca 24 giờ liền và không cho bà đi vệ sinh. Trong quá trình làm việc, bà phát hiện ra người quản lý này chỉ tốt nghiệp tiểu học và không biết sử dụng máy tính, ngay cả gõ bàn phím cũng không. Bà Yalghuz, dù tốt nghiệp đại học, vẫn phải làm cả công việc của người quản lý vào cuối tuần, trong khi người quản lý học thức kém lương cao của bà lại được nghỉ ngơi. Bà cho rằng tiêu chuẩn duy nhất để trở thành ông chủ của một công ty nhà nước lớn như vậy chỉ vì anh ta là một người Hán.

Tờ New York Times truyền thông điệp đồng cảm của Hoa Kỳ đối với hoàn cảnh của họ: “Những nhà lập pháp hiện rất thất vọng vì chính quyền không có hành động gì. [Vào tháng 4/2019], 43 thượng nghị sĩ và dân biểu đã soạn một bức thư lưỡng đảng yêu cầu các biện pháp cứng rắn, gửi đến cho Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross và Bộ trưởng tài chính Steven Mnuchin.”

Thượng nghị sĩ nghị viện Canada, ông Ngô Thanh Hải, nói: “Việc Trung Quốc giam giữ có hệ thống và có chủ đích người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại 1.200 trại cải tạo cộng sản khác nhau rõ ràng là hành động diệt chủng văn hóa, và là một tội ác hàng loạt chống lại loài người, cần Canada và cộng đồng quốc tế ngay lập tức lên án.”

Bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, cũng đồng ý về sự chuyên chế của Trung Quốc: “Điều lớn nhất mà chúng ta có thể thực hiện vì những người đấu tranh cho tự do từng ngã xuống ở Thiên An Môn, chính là không ngừng thúc đẩy khát khao dân chủ của họ. Nó bao gồm cả những người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, người Hồng Kông và tất cả những ai đang bị chính quyền cộng sản Trung Quốc đàn áp và áp bức.”

Việc đồng hóa của Trung Quốc Đại lục có vẻ như chỉ mới bắt đầu. Quốc gia đầu tiên trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm áp đặt “nền văn minh mới của họ thành trật tự toàn cầu mới” là Đài Loan dân chủ.

Sử dụng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Trung Quốc đã liên tục khiến Đài Loan không thể trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Trung Quốc đã được biết đến là “Kẻ thù của dân chủ” qua việc can thiệp sâu rộng vào các cuộc bầu cử trong Hội đồng. Tổng thống Đài Loan Thái Văn Anh đã phát biểu trên Facebook như sau: “Tự do giống như không khí, ít khi chúng ta chú ý đến ngoại trừ lúc chúng ta bị tước đoạt.”

Trong khi nạn nhân của chính quyền Trung Quốc đang bị bóp nghẹt, thì các quốc gia tự do lại lập pháp thông qua những điều luật vô vị tầm thường [không có tác dụng thực tế trong việc ngăn chặn Trung Quốc], và chỉ đơn giản là đón nhận người tị nạn, như gia đình Yalghuz nói trên. Các giá trị dân chủ mà chúng ta đề cao đang chết dần.

Với những người Duy Ngô Nhĩ bị buộc phải từ bỏ lối sống của dân tộc và với việc những đứa con của họ bị cưỡng chế đồng hóa, một cuộc diệt chủng văn hóa đang diễn ra. Một trang tiểu thuyết 1984 của George Orwell đã nói thế này: “Ai kiểm soát quá khứ, kẻ đó kiểm soát tương lai: ai kiểm soát hiện tại, kẻ đó kiểm soát quá khứ.”

Khi chúng ta nhắm mắt làm ngơ, những giá trị và những nguyên tắc về nhân quyền mà chúng ta đề cao chỉ là thứ gì đó trống rỗng, chỉ là cái nhìn trừng trừng vô cảm đối với cảnh ngộ của những người Duy Ngô Nhĩ đang bị chính quyền Trung Quốc hành hạ.

Wayne Pajunen
Thanh Trúc biên dịch